Tại buổi làm việc, TS. Đoàn Trung Kiên - Giám đốc Học viện Tư pháp Việt Nam đã báo cáo về tình hình chung của học viện, kết quả triển khai hoạt động năm 2018 và dự kiến kế hoạch hoạt động năm 2019 của Dự án Hỗ trợ Học viện Tư pháp Lào (Dự án).
Theo đó, trong năm 2018, Ban quản lý Dự án hai nước đã nỗ lực triển khai các hoạt động của Dự án với 5 kết quả đã được bao gồm: Bộ Tư pháp 2 nước Việt - Lào đã thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý Dự án và tổ chức thành công Lễ khởi động dự án vào tháng 3/2018 tại Thủ đô Viên chăn. Hai Học viện và hai Ban Quản lý dự đã thành lập các nhóm nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện chương trình, giáo trình, tài liệu phục vụ cho công tác đào tạo và bồi dưỡng theo dự án Hỗ trợ Học viện Tư pháp Lào.
Các nhóm nghiên cứu phía Việt Nam do ông Nguyễn Xuân Thu- Phó Giám đốc Học viện, Quản đốc Dự án đã tổ chức đoàn sang Lào khảo sát để tìm hiểu, thu thập thông tin về hoạt động đào tạo, bồi dưỡng các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp và tìm hiểu các chính sách, các quy định của có liên quan của Lào vào tháng 7/2018 vừa qua.
Các nhóm nghiên cứu phía Lào do ông Sivixay Pasanphone - Phó Giám đốc Học viện Tư pháp quốc gia Lào, Trưởng Ban quản lý Dự án đã dẫn đầu Đoàn khảo sát của Lào sang Việt Nam tìm hiểu, thu thập thông tin về hoạt động đào tạo, bồi dưỡng các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp và tìm hiểu các chính sách, các quy định có liên quan đến các lĩnh vực này của Việt Nam vào cuối tháng 10/2018.
Học viện Tư pháp và Ban quản lý Dự án của Bộ Tư pháp Việt Nam đã tổ chức thành công Lớp đào tạo nghiệp vụ thi hành án dân sự và hiện đang tổ chức Lớp đào tạo nghề công chứng cho giảng viên, cán bộ của nước CHDCND Lào.
Dự kiến kế hoạch hoạt động của Dự án năm 2019 sẽ gồm hai nội dung chính là hỗ trợ Học viện Tư pháp Lào xây dựng, hoàn thiện chương trình, giáo trình, tài liệu giảng dạy cho các chức danh tư pháp, cán bộ pháp luật và tư pháp của Lào; nâng cao năng lực cho đội nghị giảng viên của Học viện Tư pháp Lào, các chức danh tư pháp, cán bộ pháp luật và tư pháp công tác trong 6 lĩnh vực thông qua việc tổ chức các kháo đào tạo dài hạn, trung hạn, ngắn hạn và các hội thảo, tọa đàm.
Chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện đề án, TS. Đoàn Trung Kiên đề xuất Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lào xem xét và ký quyết định ban hành 6 chương trình khung đào tạo, bồi dưỡng cho các chức danh tư pháp, cán bộ pháp luật và tư pháp của Lào. Quan tâm, chỉ đạo các đơn vị liên quan thuộc Bộ Tư pháp Lào tham mưu cho lãnh đạo Bộ sớm có văn bản góp ý, hoàn thiện dự thảo Kế hoạch hoạt động năm 2019 của Dự án để Học viện Tư pháp Việt Nam trình lãnh đạo Bộ Tư pháp Việt Nam phê duyệt chính thức.
Đồng thời chỉ đạo Ban Quản lý dự án của Lào tăng cường cán bộ thông thạo tiếng Việt và am hiểu pháp luật của Lào về các lĩnh vực được quy định trong văn kiện Dự án phối hợp với các nhóm nghiên cứu của Học viện Tư pháp Việt Nam nhằm thúc đẩy công tác xây dựng chương trình, giáo trình cho Học viện Tư pháp Lào đạt hiệu quả và tiến độ theo kế hoạch Dự án…
Ông Nguyễn Khánh Ngọc - Thứ trưởng Bộ Tư pháp lưu ý rằng, sự ra đời và phát triển của Học viện Tư pháp Việt Nam là kinh nghiệm quý báu với Lào vì hai nước có rất nhiều điểm chung, việc đào tạo chung các chức danh tư pháp rất có ý nghĩa trong quá trình cải cách pháp luật, cải cách tư pháp ở mỗi nước.
Đối với hoạt động trong khuôn khổ Dự án ODA Hỗ trợ Học viện Tư pháp Lào, ông Ngọc đề xuất từ năm 2019, ngoài phần giảng viên Việt Nam cần có cả sự tham gia của giảng viên Lào để học viên nắm được kiến thức pháp luật của cả hai nước, có lượng kiến thức toàn diện hơn, mang lại nhiều hiểu biết hơn cho cả học viên Lào và giảng viên Việt Nam.
Bộ trưởng Xay xỉ Xẳn tỵ vông gửi lời cảm ơn tới lãnh đạo Bộ Tư pháp và Học viện Tư pháp đã giúp đỡ đào tạo nguồn nhân lực pháp luật và tư pháp cho Lào. Ông tin tưởng những cán bộ Lào được đào tạo, bồi dưỡng tại Học Viện Tư pháp Việt Nam sẽ có được bản lĩnh chính trị, chuyên môn vững vàng, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Tác giả: Thế Kha
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn