Bộ trưởng Nông nghiệp: Chương trình Nông thôn mới sẽ hoàn thành trước chỉ tiêu một năm

Thứ năm - 07/02/2019 14:30
(Dân trí) - Năm 2018 có thể nói là một năm thắng lợi lớn của ngành Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) trên tất cả các lĩnh vực. Đây cũng chính là lý do tại cuộc lấy phiếu tín nhiệm vừa qua, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã nhận được sự tín nhiệm rất cao của các đại biểu Quốc hội. Nhân dịp đầu xuân mới, phóng viên Dân trí đã có cuộc trò chuyện với ông.

Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt mức kỉ lục

Trước hết, xin chúc mừng Bộ trưởng về những thành tựu của toàn ngành và cá nhân ông. Cảm giác của ông như thế nào khi biết kết quả cuộc lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội vừa qua?

Tất nhiên là tôi vui vì kết quả này là công sức của tập thể cán bộ, nhân viên toàn ngành, công sức của các vị lãnh đạo tiền nhiệm nhiều thế hệ cùng với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Đảng, Chính phủ, Quốc hội; sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương và các thành phần kinh tế, nhất là lực lượng doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Bộ trưởng Nông nghiệp: Chương trình Nông thôn mới sẽ hoàn thành trước chỉ tiêu một năm
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường.

 

Được biết năm 2018, mặc dù áp lực cạnh tranh thị trường và sự giảm sút các mặt hàng cây công nghiệp trên toàn thế giới, song tổng sản lượng xuất khẩu của ta ở lĩnh vực này vẫn đạt mức kỷ lục…?

Đúng là thị trường thế giới năm 2018 có rất nhiều biến động, tiêu biểu là cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cùng với sự gia tăng bảo hộ thông qua các tiêu chuẩn về quản lý chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm ở các thị trường nông sản lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… Cùng với đó, là sự sụt giảm mạnh của giá cả các mặt hàng cây công nghiệp trên thị trường thế giới như tiêu, đường, cà phê… đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác xuất khẩu của ta.

Tuy nhiên, vượt lên các khó khăn đó, kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam vẫn vươn lên khá mạnh mẽ. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản trong 11 tháng đầu năm 2018 đạt 36,3 tỷ USD, ước tính cả năm sẽ đạt mức 40 tỷ USD. Đây là con số kỷ lục của ngành nông nghiệp Việt Nam, khẳng định vị thế cường quốc về xuất khẩu nông sản trên thế giới. Hiện, Việt Nam đứng thứ 15 với  thị trường hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Theo ông thì điều gì đã giúp chúng ta đạt những thành tựu này?

Theo tôi, có một số nguyên nhân như chúng ta không chỉ duy trì, củng cố được thị phần xuất khẩu mà còn mở rộng ra nhiều thị trường mới. Hiện, có 5 thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản chính của Việt Nam là Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, ASEAN và Hàn Quốc đang duy trì với tỉ lệ thị phần rất cao. Tại các thị trường mới như Trung Đông, Châu Phi, Đông Âu… đều được lựa chọn phát triển bài bản, có tính bổ trợ cho các thị trường trọng điểm.

Một nguyên nhân nữa là tuy có một số mặt hàng phải chịu áp lực giảm giá mạnh, song cũng có nhiều mặt hàng lại tăng mà điển hình là gạo, rau quả, cá tra, đồ gỗ và lâm sản. Tái cơ cấu nông nghiệp của chúng ta đang từng bước đạt được những kết quả rõ nét trong liên kết sản xuất các nhóm ngành hàng, nhất là các ngành hàng ta có thế mạnh. Riêng mặt hàng rau quả chỉ 11 tháng năm 2018 ước đạt 3,5 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2017. Các mặt hàng như gạo, cá tra đều tăng (gạo 2,9 tỷ, cá tra trên 2 tỷ USD)...

Như trên ông nói về sự gia tăng bảo hộ thông qua các tiêu chuẩn về quản lý chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, vậy cụ thể như thế nào, thưa ông?

Năm 2018, các thị trường xuất khẩu lớn của ta ngày càng đặt ra các tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe đối với nông sản nhập khẩu từ Việt Nam. Cụ thể, thị trường Trung Quốc không chỉ nâng cao tiêu chuẩn về chất lượng nông sản nhập khẩu, tăng cường quản lí và siết chặt thương mại biên giới. Thị trường EU vẫn giữ cảnh báo thẻ vàng đối với thủy sản đồng thời dự thảo các quy định mới về các chất sử dụng trên sản phẩm giống cây trồng. Thị trường Hoa Kỳ tiếp tục duy trì và gia tăng các biện pháp bảo hộ thông qua áp thuế chống bán phá giá đối với các mặt hàng thủy sản Việt Nam, tiếp tục thanh tra đối với cá da trơn theo Đạo luật Nông nghiệp (Farm Bill). Thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc cũng thường xuyên rà soát, điều chỉnh các quy định về an toàn thực phẩm và gia tăng tần suất kiểm tra hàng nông thủy sản nhập khẩu, gây bất lợi đến tiến độ xuất khẩu của Việt Nam vào các thị trường này.

Chương trình Nông thôn mới đã thực sự trở thành một phong trào rộng khắp

Một trong những thành tựu rất quan trọng được nhiều đại biểu Quốc hội cũng như cử tri cả nước đánh giá cao là Chương trình xây dựng nông thôn mới. Ông có thể cho biết về tiến trình thực hiện chương trình này?

Thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X), Quyết định của Thủ tướng về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020, sau hơn 08 năm thực hiện, tính đến đầu tháng 12/2018, cả nước có 3.787 xã (42,4%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 61 đơn vị cấp huyện thuộc 31 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ. Đặc biệt, Đồng Nai là địa phương đầu tiên của cả nước có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Những con số hết sức ấn tượng cho thấy đây là một thành quả to lớn, một chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân đã thực sự trở thành một phong trào cách mạng mạnh mẽ, rộng khắp, được cả hệ thống chính trị và đông đảo nhân dân cả nước nhiệt tình hưởng ứng, tích cực tham gia.

Theo ông, mục tiêu tiếp theo của chương trình này cần chú trọng quan tâm là gì?

Nếu theo tiến độ như hiện nay, dự kiến đến cuối năm 2019, cả nước sẽ có khoảng 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tức là, chúng ta sẽ hoàn thành sớm hơn 01 năm so với mục tiêu Quốc hội đặt ra. Thực tế kết quả xây dựng nông thôn mới cho thấy, chúng ta không chỉ đạt được mục tiêu về số lượng, mà chất lượng các tiêu chí nông thôn mới cũng được nâng lên rất rõ rệt.

Thực tế kết quả về số lượng rất quan trọng nhưng quan trọng hơn là chất lượng của nông thôn có được nâng lên hay không mới là điều quan trọng, thưa Bộ trưởng?

Lên nhiều chứ. Nếu như ở giai đoạn 2010-2015, hầu hết các xã tập trung vào việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng thì sang giai đoạn 2016-2020, chương trình xây dựng nông thôn mới chú trọng vào chiều sâu, với 04 trọng tâm cốt lõi, đó là phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập; nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa cơ sở; bảo vệ môi trường và xây dựng cảnh quan nông thôn; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đặc biệt, tương ứng với mỗi nội dung cốt lõi, Thủ tướng Chính phủ đều chỉ đạo xây dựng từng Đề án cụ thể để có cơ chế hỗ trợ riêng.

Chính vì vậy, có thể khẳng định, ở hầu hết các xã, huyện đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đời sống vật chất và tinh thần của người dân đều được nâng lên nhiều. Đây chính là thước đo quan trọng nhất để khẳng định chất lượng, giá trị thực sự của kết quả xây dựng nông thôn mới.

Vào cuộc quyết liệt, huy động mọi nguồn lực phòng chống thiên tai


Năm 2018 mặc dù thiên tai không khốc liệt như năm 2017, nhưng vẫn là năm diễn ra bất thường. Là cơ quan chịu trách nhiệm chính về vấn đề này, Bộ đã có những biện pháp gì để ứng phó với thiên tai, đặc biệt là khi Việt Nam là một trong số các quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng nhất do biến đổi khí hậu?

Do đã có dự báo về những diễn biến cực đoan, bất thường, xảy ra trên tất cả các vùng miền cả nước nên các biện pháp phòng, chống thiên tai được triển khai đồng bộ ngay từ đầu năm.

Tháng 3/2018, đích thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai. Đến tháng 6/2018, Chính phủ lại tiếp tục ban hành Nghị quyết số 76/NQ-CP đề ra các giải pháp toàn diện về công tác phòng, chống thiên tai.

Vì vậy, mỗi khi gặp thiên tai là toàn hệ thống chính trị từ lãnh đạo Chính phủ, Ban Chỉ đạo, các Bộ ngành và địa phương đều vào cuộc quyết liệt, huy động mọi nguồn lực theo phương châm 4 tại chỗ trong ứng phó nên đã góp phần giảm thiểu thiệt hại; nhanh chóng khắc phục hậu quả, không để người dân đói, phát sinh dịch bệnh,…


Những nỗ lực trên đã mang lại hiệu quả cụ thể như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Tôi xin nêu vài con số để nhà báo tham khảo. Thiệt hại về người năm 2018 là 218 người, giảm 43% so với năm 2017 (386 người chết và mất tích). Giảm thiểu tối đa thiệt hại về vật chất (năm 2018 mất gần 20.000 tỷ đồng, bằng 33% so với năm 2017 - 60.000 tỷ đồng).

Có thể nói, năm 2018 chúng ta đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong công tác phòng chống thiên tai và phải tiếp tục nâng cao, phát huy để giảm thiểu thiệt hại và phát triển bền vững.

Với những thành quả đã đạt được của năm 2018, Bộ trưởng có nghĩ rằng một số vấn đề đã đạt đến giới hạn và làm thế nào để vượt qua giới hạn đó?

Tôi cho rằng giới hạn là do con người tạo nên và sứ mệnh của con người là từng bước vượt qua giới hạn đó. Tuy nhiên, càng lên cao thì càng cần nhiều nỗ lực.

Vì vậy, năm 2019, toàn ngành chúng tôi xác định giữ vững và phát huy tất cả những thành quả đã đạt được mà muốn vậy, cần tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh; phấn đấu vượt mục tiêu tăng trưởng của năm ở mức cao nhất.

Chương trình Phát triển nông thôn, một mặt hoàn thiện ở một số địa phương còn dang dở đồng thời nâng tiêu chí nông thôn mới lên mức cao hơn. Cùng với đó là việc phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn và quản lý hiệu quả vốn đầu tư XDCB, bảo vệ và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên. Xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm giảm nhẹ thiên tai…

Xin cảm ơn Bộ trưởng và chờ đợi ở ông cũng như ngành Nông nghiệp & Phát triển nông thôn những thành tựu mới trong năm 2019!


            Bùi Hoàng Tám (thực hiện)

Nguồn tin: http://dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây