Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa phát biểu tại phiên thảo luận ở tổ về dự kiến chương trình giám sát năm 2018 của Quốc hội sáng 23/5.
Trước khi trở về các tổ thảo luận, các đại biểu làm việc tại hội trường, nghe tờ trình về dự kiến chương trình giám sát. Theo đó, ngoài các công việc theo thông lệ như xem xét báo cáo bổ sung của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm trước, xem xét báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri, chất vấn thì còn 4 chuyên đề được đề xuất thực hiện giám sát. Trong 4 chuyên đề này, UB Thường vụ Quốc hội đề nghị quyết định chọn 2 nội dung cụ thể để thực hiện.
Cụ thể, các phương án được đề xuất là: (Việc thực hiện chính sách, pháp luật về sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ, vốn vay nước ngoài để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội; Việc thi hành pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; Việc thực hiện chính sách, pháp luật hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Đại biểu Trương Quang Nghĩa (Sơn La), Bộ trưởng GTVT phân tích về 4 vấn đề được đề xuất cho chương trình giám sát năm 2017 của Quốc hội. Theo ông, đây cũng là những “chuyện đã nói mãi”, từ thời ông làm Bí thư Tỉnh uỷ Sơn La đã nghe, chủ đề nào cũng cần thiết.
Tuy nhiên, ông Nghĩa nghiêng về chuyên đề thứ 4 - Việc thực hiện chính sách, pháp luật hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Chính sách với người dân tộc thiểu số, ông Nghĩa chia sẻ, ám ảnh với ông, vì hình ảnh một xã, huyện ở Gia Lai, bà con đói vì một năm chỉ làm lúa được 3 tháng, tức 1 vụ vì thiếu đất, nước khi thượng nguồn nước bị chặn xây thuỷ điện. Và vì thế, xã nghèo này trở thành điểm nóng tệ nạn, thành nơi điển hình của tỉnh về tệ uống rượu. Mỗi ngày trung bình người dân trong xã xài hết 250 lít rượu.
Còn dưới góc độ Bộ trưởng Giao thông, ông quan tâm đến chuyên đề 3 - Việc thi hành pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Ông Nghĩa đánh giá, vấn đề tai nạn giao thông hiện đã đến ngưỡng. Thời gian qua, nỗ lực của ngành đã giúp kéo giảm nhiều tỷ lệ tai nạn nhưng để giảm sâu hơn nữa thì rất khó.
“Vấn đề căn cơ nhất của tai nạn là vì cơ cấu đầu tư cho giao thông mất cân đối, nguồn vốn dành cho phát triển đường sắt giảm chưa được 1%, đường thuỷ chỉ 1% mà đây đáng ra là những loại hình vận tải chủ chốt. Điều đó không chỉ làm tai nạn tăng cao vì áp lực dồn lên đường bộ mà còn tác động tới hiệu quả của cả nền kinh tế vì chi phí vận tải hiện chiếm tới 60% trong logistic trong khi logistic chiếm tới 20% GDP của Việt Nam. Áp lực tai nạn, áp lực kinh tế đang chồng chất hết lên đường bộ rồi” – ông Nghĩa nói.
Bộ trưởng Giao thông đề cập lại vụ tai nạn mới nhất xảy ra ở Gia Lai, xe tải tông trực diện xe khách khiến 13 người chết, hàng chục người khác thương tích nặng nề. Theo thông tin từ đại biểu, tới giờ các cơ quan vẫn chưa giải thích được về nguyên nhân xe tải vi phạm, chạy điên cuồng trên đường ngược chiều gây tai nạn như vậy khi lái xe thì không nghiện ngập, công an địa phương cũng khẳng định không truy đuổi phương tiện.
Dẫn sang lĩnh vực đường sắt, Bộ trưởng Giao thông cũng than, chưa bao giờ người lái tàu lại khổ, chịu nhiều áp lực như bây giờ. Vốn dĩ trước giờ đường sắt được hiểu là đường ưu tiên, người lái tàu chỉ cần quan tâm nhiều việc ra vào ga như nào thôi nhưng giờ thì lúc nào cũng phải căng mắt nhìn trên đường vì bất cứ lúc nào cũng có thể có ông nhảy bổ ra từ đường ngang dân sinh, đường mở trái phép.
Tán thành phân tích này, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhận xét, tai nạn giao thông quả là… kinh khủng khi tính trung bình mỗi ngày 24 -25 người chết, đó là còn chưa kể hệ quả những người bị thương nữa, mất khả năng lao động, mất việc làm các gia đình nghèo hoá. Phó Chủ tịch cũng muốn thực hiện chuyên đề giám sát này để thấy, vấn đề đặt ra không chỉ là kéo giảm số người chết hàng ngày từ 24 xuống 15 hay 20 người mà việc này liên quan đến chuyện hoạch định chính sách tới đây cho cả nền kinh tế.
Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân phân tích, về tính bức thiết của xã hội, chuyên đề 3, 4 ngang nhau. Còn về lĩnh vực kinh tế, việc giám sát công tác cổ phần hoá DNNN hay chuyên đề quản lý sử dụng vốn trái phiếu chính phủ, vốn vay nước ngoài cũng rất “nóng”.
“Nói về DNNN, ông này chiếm tới 70% đất, 70% vốn đầu tư xã hội mà hiệu quả như thế. Còn về chuyện vay nợ, nói thật là đất nước còn nghèo và vì nghèo nên mới phải vay. Nếu suy rộng từ chuyện trong nhà, gia đình có khó bố mẹ mới phải đi vay về nuôi con nhưng con cái trong nhà lại “chén” hết, ăn hết thì nguy lắm. Ta cứ hồn nhiên, vô tư vay nợ thì không chỉ con phải trả mà đời cháu chắc chắn vẫn phải trả nợ” – ông Quân nêu quan điểm.
Tác giả: P.Thảo
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn