Ngày 19/9, trong khuôn khổ phiên họp thứ 27, UB Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo tổng hợp của Chính phủ, báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và cá nhân có liên quan về việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn tại kỳ họp, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chất vấn tại phiên họp.
Trước đó, Hội đồng Dân tộc và các uỷ ban của Quốc hội đều đã tiến hành thẩm tra các nội dung thuộc lĩnh vực được giao phụ trách.
Việc thực hiện nghị quyết số 56/2017/QH14 về tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là một trong số các nội dung cụ thể trong các báo cáo của Chính phủ được UB Pháp luật thẩm tra. Trong đó, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm là một trong 7 nội dung cụ thể hơn được xem xét.
Thường trực UB Pháp luật nhấn mạnh, vấn đề tăng cường kỷ luật, kỷ cương, kịp thời phát hiện và xử lý sai phạm trong tuyển dụng, quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, công chức là một trong những yêu cầu quan trọng được đặt ra trong nghị quyết 56.
(Ảnh: Quochoi.vn)
Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ chủ yếu nêu các chương trình, kế hoạch kiểm tra, thanh tra nhưng thiếu thông tin về kết quả thanh tra, kiểm tra cụ thể. Trong khi đó, dư luận xã hội vẫn nóng lên với nhiều vấn đề bức xúc về tuyển dụng, đề bạt không đúng, bổ nhiệm "siêu tốc" xảy ra gần đây.
Ví dụ như vụ việc Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa bổ nhiệm hàng loạt cán bộ lãnh đạo cấp phòng sai quy định trước khi nghỉ hưu. Tổng giám đốc Tổng công ty cảng hàng không bổ nhiệm 70 cán bộ trước khi nghỉ hưu hay vụ việc 10 người thân làm quan 1 xã ở Quảng Nam…
Báo cáo thẩm tra "nhắc": tại hội nghị triển khai công tác nội vụ năm 2018 của Bộ Nội vụ, Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình có tham dự và chỉ đạo thành lập tổ công tác thanh tra công vụ do Bộ trưởng Bộ Nội vụ làm tổ trưởng, chủ động thanh tra, kiểm tra công vụ nhằm phát hiện, ngăn ngừa, ngăn chặn kịp thời các vi phạm trong công tác cán bộ tại các bộ, ngành và địa phương.
UB đề nghị Chính phủ cung cấp thêm thông tin về kết quả thực hiện nhiệm vụ này. Qua đó, đề nghị Chính phủ đánh giá sâu sắc hơn về những tồn tại, hạn chế, chỉ rõ những nguyên nhân trực tiếp, chủ yếu, xác định cụ thể trách nhiệm và đề xuất những giải pháp khắc phục.
Ngoài nội dung trên, cơ quan thẩm tra cũng đề nghị Chính phủ bổ sung thông tin một số vấn đề khác.
Chẳng hạn, đối với các luật về tổ chức bộ máy nhà nước, bao gồm Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, nghị quyết yêu cầu khẩn trương rà soát để sửa đổi, báo cáo của Chính phủ cũng đã xác định lộ trình sửa đổi. Tuy nhiên, hiện nay, các dự án luật này đều chưa được Chính phủ đề xuất đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội. Báo cáo của Chính phủ cũng chưa làm rõ, cung cấp đầy đủ thông tin về quá trình triển khai một số dự án luật do Chính phủ chuẩn bị, nhất là các dự án luật dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 để đề xuất cụ thể đưa vào chương trình.
Nghị quyết số 10/NQ-CP của Chính phủ về chương trình hành động thực hiện chủ trương của Đảng và nghị quyết của Quốc hội cũng đặt ra yêu cầu phải nghiên cứu sắp xếp tổ chức bộ máy của Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế, Kho bạc Nhà nước theo khu vực liên tỉnh hoặc liên huyện, hoàn thành trong năm 2018 nhưng Báo cáo của Chính phủ không nêu rõ thông tin và kết quả bước đầu của quá trình triển khai.
Đánh giá chung, cơ quan thẩm tra khái quát: nhiều nội dung trong các báo cáo của Chính phủ chưa làm rõ việc thực hiện các yêu cầu nhiệm vụ trong thời hạn mà nghị quyết của Quốc hội đã chỉ ra. Một số nội dung báo cáo còn sơ lược, chưa có thông tin về những chuyển biến trên thực tế trong việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội, chưa có nhiều phân tích và số liệu để chứng minh nhận định. Phần đánh giá về hạn chế, nguyên nhân, xác định trách nhiệm còn chung chung.
Tác giả: P.Thảo
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn