Sự tiếp tay của cán bộ cấp cao cho tham nhũng
Chiều 4/9, thẩm tra sơ bộ báo cáo về kết quả công tác phòng chống tham nhũng năm 2019 của Chính phủ, nhóm nghiên cứu của UB Tư pháp cho rằng các biện pháp xử lý nghiêm minh tội phạm tham nhũng trong thời gian qua đã có tác dụng cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, thể hiện sự quyết liệt, nghiêm minh trong xử lý tội phạm về tham nhũng.
Tuy nhiên nhóm nghiên cứu cũng đánh giá, số vụ án tham nhũng được phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử chưa phản ánh đúng thực trạng tình hình tham nhũng.
Đồng tình với nhận định của Chính phủ là “Tham nhũng đang từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm” nhưng nhóm nghiên cứu khẳng định tình trạng tham nhũng vẫn diễn ra phức tạp, thủ đoạn tinh vi nhất là tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.
“Thông qua một số vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nổi lên trong năm qua cho thấy có sự móc nối, tiếp tay của cán bộ, công chức, trong đó có cả cán bộ cấp cao cho tội phạm, tham nhũng, nhất là trong lĩnh vực quản lý đất đai và quản lý tài sản công, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng cho ngân sách của nhà nước” – nhóm nghiên cứu nhận định và đề nghị Chính phủ đánh giá và đưa ra dự báo tình hình tham nhũng cụ thể, phù hợp với thực trạng hơn nữa để có giải pháp phòng, chống tương xứng.
Chưa thấy hướng thu hồi 3 triệu USD của ông Nguyễn Bắc Son
Riêng việc thu hồi tài sản tham nhũng, theo nhóm nghiên cứu của UB Tư pháp, tỷ lệ đạt thấp. Cụ thể, trong số 37 vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, tính đến hết tháng 6/2019, cơ quan thi hành án dân sự đã thi hành xong 9.454 tỷ đồng/68.856 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 13,73% trên tổng số phải thu… Theo nhóm nghiên cứu, đây là vấn đề cần được Chính phủ, TAND tối cao, VKSND tối cao đánh giá đúng thực trạng và có giải pháp khắc phục.
Cũng bày tỏ băn khoăn với con số này, đại biểu Mai Thị Phương Hoa cho rằng cần phân tích kỹ về tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng.
“Lúc đầu thanh tra rất nhiều nhưng giảm dần qua điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án... Qua 37 vụ mà Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN chỉ đạo, đến giai đoạn thi hành án chỉ thu được hơn 13%” – bà Hoa phân tích và nêu câu hỏi cách làm như thế nào để xảy ra tình trạng như thế?
“Các cơ quan tố tụng đã thực sự quyết liệt, thực hiện các biện pháp ngăn chặn ngay từ đầu chưa, có làm động tác động viên, thuyết phục bị can, bị cáo nộp lại tài sản tham nhũng, tài sản chiếm đoạt của nhà nước?” – đại biểu Hoa thắc mắc.
Nêu lại vụ MobiFone/AVG, bà Hoa bày tỏ sự đánh giá cao đối với công tác của các cơ quan tiến hành tố tụng.
“Các cơ quan đã rất tích cực thuyết phục, động viên, thực hiện biện pháp nghiệp vụ để người đưa, người nhận hối lộ cùng khai báo và thừa nhận số tiền hối lộ là 3 triệu đô đối với bị can Nguyễn Bắc Son. Nhưng tôi cảm nhận thấy rằng người đưa và người nhận nhận thế thôi nhưng thực sự thu hồi được bao nhiêu chưa rõ. Ngoài việc bị cáo Nguyễn Bắc Son nói sẽ nộp lại 500 triệu trong tài khoản, bị cáo Lê Nam Trà nộp lại 2,5 triệu USD, thì số tiền 3 triệu đô của bị cáo Nguyễn Bắc Son chưa thấy phương hướng gì cả vì bố thì bảo có đưa tiền nhưng con gái bảo không nhận” – đại biểu Hoa phân tích và khẳng định việc thu hồi tài sản tham nhũng vẫn là vấn đề nan giải.
Giải trình nội dung này, Phó Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Huy Tiến nêu rõ, thu hồi tài sản cũng tích cực, có tiến bộ rất lớn với dẫn là vụ Phan Văn Anh Vũ đã kê biên 37 bất động sản.
“Đích đến của chúng ta là vừa ngăn ngừa, vừa thu hồi tài sản nên chúng ta phải truy tìm không những tài sản trong nước mà kể cả tài sản ở nước ngoài đã tẩu tán” – ông Tiến nhấn mạnh. Tuy nhiên, vị Phó Viện trưởng thừa nhận việc thu hồi tài sản là cam go chứ không dễ dàng.
P.Thảo
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn