Bí thư Nhân đề nghị sớm công khai kết luận về trách nhiệm vụ Thủ Thiêm

Thứ tư - 23/01/2019 02:14
(Dân trí) - “Trong vụ việc Thủ Thiêm,  Thanh tra Chính phủ mới chỉ kết luận những vấn đề liên quan đến người dân còn trách nhiệm chung thì chưa. TPHCM mong đợi Chính phủ sớm quan tâm công bố công khai kết luận này” – Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội nghị tổng kết công tác ngành nội chính Đảng. >> >>

Ngày 22/1, hội nghị tổng kết công tác ngành Nội chính Đảng năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019 diễn ra tại Hà Nội.

Tham gia hội nghị, Bí thư Thành uỷ TPHCM cho biết, tại thành phố có nhiều vụ việc khiếu kiện kéo dài, phức tạp. Do đó, thành phố đã thành lập tổ công tác do Chủ tịch thành phố làm tổ trưởng.

Từ thực tế giải quyết các vụ việc khiếu kiện kéo dài, điển hình như vụ Chợ An Đông, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nhận định “có phần lỗi của các cơ quan quản lý”.

“Chúng ta có những cái sai, cái yếu kém nhưng không nhận, hoặc nhận không đầy đủ, dẫn đến bà con không chịu. Bên cạnh đó cũng có một số đối tượng lợi dụng để kích động” - ông Nhân nói.

Bí thư Nhân đề nghị sớm công khai kết luận về trách nhiệm vụ Thủ Thiêm

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân trong một lần tiếp xúc với người dân Thủ Thiêm

 

Phân tích cụ thể hơn lỗi của cơ quan quản lý, ông Nhân cho hay, Ban Quản lý chợ An Đông chưa quan tâm đến quyền lợi của bà con tiểu thương. Do đó, việc đầu tiên khi thành phố xử lý là phải thay Ban Quản lý chợ. Đối với những công trình làm chậm, tiểu thương góp ý nhưng không sửa, không nghe thì hướng khắc phục là phải triển khai thi công ngay với nguyên tắc, lợi ích cốt lõi của tiểu thương là quyền kinh doanh phải được đảm bảo.

Về vụ Thủ Thiêm, ông Nhân cho biết, khiếu kiện đã kéo dài từ rất lâu. Vừa qua thanh tra Chính phủ đã có kết luận, qua đó thấy rằng, các cơ quan quản lý có sai sót. Theo Bí thư Thành uỷ, bài học lớn đặt ra khi giải quyết vụ việc này là thấy sai sót thì chính quyền phải nhận.

Ông Nhân cũng kiến nghị Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình quan tâm và sớm cho công bố những nội dung kết luận còn lại về vụ việc.

“Trong vụ việc Thủ Thiêm,  Thanh tra Chính phủ mới chỉ kết luận những vấn đề liên quan đến người dân còn trách nhiệm chung thì chưa. TPHCM mong đợi Chính phủ sớm quan tâm công bố công khai kết luận này” – lãnh đạo Thành uỷ thành phố lớn nhất cả nước nêu quan điểm.

Đề cập đến công tác phòng chống tham nhũng chung ở TPHCM, ông Nhân cho biết, bên cạnh những giải pháp chung, thành phố đã thực hiện quy chế 1374, trong đó quy định các cấp ủy, chính quyền phải tiếp thu ý kiến của nhân dân phản ánh về những nguy cơ gắn với cán bộ, công chức có sai phạm.

Theo đó, khi có tin báo thì cấp ủy phải chỉ đạo cho chính quyền liên quan xử lý, xử lý xong thì phải báo cáo cấp ủy có thời hạn. Năm qua, hệ thống Đảng và chính quyền, mặt trân các cấp đã tiếp nhận hơn 3.400 tin báo có nguy cơ sai phạm trong cán bộ, công chức và sự việc xảy ra. Qua đó hơn 3.000 tin đã được xử lý.

“Qua việc xử lý tin báo có 2 điểm quan trọng. Một là, các cấp ủy quan tâm lắng nghe ý kiến của nhân dân, ý kiến của báo chí, ý kiến của giám sát, tiếp xúc cử tri. Thứ 2 là buộc phải làm, không vui, nhưng phải kỷ luật 97 đảng viên từ khiển trách đến khai trừ; về chính quyền đã xử lý 142 cán bộ công chức từ khiển trách cho đến buộc thôi việc” - ông Nhân cho biết.

Giảm án, miễn trách nhiệm người nộp lại tài sản tham nhũng?

Bí thư Nhân đề nghị sớm công khai kết luận về trách nhiệm vụ Thủ Thiêm - Ảnh minh hoạ 2

Toàn cảnh hội nghị tổng kết ngành nội chính (ảnh: TTXVN)

 

Cũng tại hội nghị, nói về công tác phòng chống tham nhũng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc khái quát, trong năm qua, Ngành Nội chính đảng đã làm tốt nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu, đề xuất các quan điểm, chủ trương, định hướng lớn của Đảng về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp, góp phần hoàn thiện thể chế, pháp luật về nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp. Qua đó, từng bước hình thành cơ chế phòng ngừa để “không thể tham nhũng”.

Bên cạnh đó, ngành Nội chính Đảng đã tích cực, chủ động, tham mưu có hiệu quả cho Đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế, bảo đảm kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật; góp phần hiện thực hoá và khẳng định quyết tâm chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước.

Về vấn đề này, Phó Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Huy Tiến cho rằng, trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, việc thu hồi tài sản là việc rất quan trọng. Nếu không thu hồi được tài sản chứng tỏ công tác phòng, chống tham nhũng chưa đạt được yêu cầu và hiệu quả.

Tuy nhiên, đại diện VKSND tối cao cho rằng, nếu thu hồi tài sản tham nhũng theo quy trình thông thường như hiện nay thì sẽ kéo dài. Trong khi đó, có những vụ tài sản tham nhũng lớn, nếu chậm trong thu hồi thì sẽ gặp khó khăn. Do đó phải tiến hành thu hồi sớm tài sản trong các vụ án tham nhũng, không chỉ trong nước mà cả ở nước ngoài để chống chống trốn chạy, tẩu tán.

“Để thu hồi tài sản thì cần có cơ chế theo hướng, khi các đối tượng tự nguyện giao nộp toàn bộ tài sản có thể miễn hình phạt hình sự hoặc giảm án. Cái này khi thực hiện chúng tôi luôn vận động. Tuy nhiên cần phải có nghị quyết của Quốc hội hoặc Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao để chúng tôi có cơ chế. Có quy định thì mới tạo ra sự minh bạch để thực thi” - ông Tiến đề nghị.

P.Thảo

Nguồn tin: http://dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây