Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) phân tích, luật cần thể hiện nguyên tắc về sự chuyển đổi căn bản trong phương pháp dạy học, từ chỗ để người thầy làm trung tâm thì phải đưa người học trở thành trung tâm, để “sửa chữa” lại những hiện tượng học sinh chán nản, thiếu lý tưởng sống trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay.
“Hiện tượng học sinh sống ích kỷ, lạnh lùng, thậm chí là bạo lực học sinh bộc phát thời gian qua cần được nhìn nhận từ căn nguyên. Nguyên nhân đầu tiên chính là từ ứng xử tương ứng của một bộ phận giáo viên. Giáo viên thực dụng, lạnh lùng, lợi dụng học trò gây tổn thương lòng tôn kính của người học với người thầy. Sau nữa mới tới nguyên nhân từ gia đình, từ khoảng cách giàu nghèo trong xã hội dẫn đến tâm lý kỳ thị, phân biệt đối xử giữa các học sinh” – ông Tám nhận định.
Để chống bạo lực học đường, đại biểu nhấn mạnh nguyên tắc, học sinh không thể bị phân biệt đối xử, tức được đảm bảo sự công bằng về cơ hội học tập, giáo dục. Đó là điểm cần bổ sung vào dự thảo luật.
Đại biểu Kon Tum diễn giải: “Cần hàn gắn những tổn thương này bằng cách tạo lập bình đẳng tại môi trường học đường. Thầy cô là tác nhân quan trọng trong quá trình hàn gắn này. Học sinh cần được cảm nhận việc không bị phân biệt, được đối xử bình đẳng, dân chủ, nhất là trong môi trường học đường. Trách nhiệm trước hết trong việc này phải nằm ở người thầy, ở nhà trường trong việc xâu dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh chứ không phải quy chung cho “xã hội, cá nhân và tổ chức” như dự thảo luật thể hiện”.
Về sách giáo khoa, theo đại biểu Tô Văn Tám, với các môn khoa học tự nhiên, “khung” nội dung kiến thức được thống nhất ở hầu hết các quốc gia, dễ hơn cho việc triển khai định hướng làm một hoặc nhiều bộ sách. Còn với các môn khoa học xã hội, không nên quy định việc có nhiều bộ sách vì phải đảm bảo nội dung trong sách về những đặc thù của dân tộc, của đất nước.
Đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) gợi ý, trên thế giới, nền giáo dục nhiều nước đã xây dựng được những bộ sách giáo khoa thực sự tiến bộ, chuẩn mực, ưu việt. “Dư luận có nhiều ý kiến băn khoăn, tại sao Việt Nam cứ phải cố công đi biên soạn lại sách, phức tạp, tốn kém. Việt Nam đã có thời gian dài dùng bộ sách của Pháp, kết quả mang lại là một lớp những nhà khoa học, trí thức rất lỗi lạc” – đại biểu đề nghị xem xét đề xuất dịch sách để học.
Cũng về vấn đề này, đại biểu Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) nêu băn khoăn, khi có nhiều bộ sách thì việc lựa chọn cũng là một vấn đề. Theo nội dung quy định của luật thì mỗi trường được quyền tự chọn sách giáo khoa. Đại biểu lo ngại mỗi trường, mỗi năm học, mỗi nhiệm kỳ hiệu trưởng lại lựa chọn sách khác nhau thì nội dung học liên tục xáo trộn, việc này cũng gây lãng phí lớn.
Ý kiến khác cũng nêu câu hỏi, thi vẫn là thi chung mà sách học lại khác nhau, xử lý vấn đề này thế nào?
Nội dung khác được các đại biểu thảo luận là về vấn đề thi cử. Theo đại biểu Trần Văn Lâm, tinh thần chung của xã hội là mong giảm tải việc học, việc thi cho học sinh phố thông hiện nay. Vậy nên nhà nước cần có những Trung tâm khảo thí độc lập và ngành giáo dục nên tách bạch giữa việc dạy với việc đánh giá chất lượng hoạt động dạy – học.
“Kỳ thi 2 trong 1 vừa qua cho thấy thực tế là không thể đồng nhất chất lượng giữa các địa phương, khu vực và ngay giữa các trường trên một địa bàn. Vậy nên tổ chức các trung tâm khảo thí sẽ đảm bảo việc đánh giá chất lượng giáo dục khách qua, chống tiêu cực thi cử” – ông Lâm phát biểu.
Đại biểu khác lập luận, tất nhiên đã học thì phải có thi nhưng cách thi cử thời gian qua không ổn. Thi tốt nghiệp trung học phổ thông mà gần 100% học sinh đỗ thì có nên tổ chức kỳ thi đó hay không hay chỉ cần xét tốt nghiệp trên học bạ. Tốt nghiệp trung học là một ngưỡng cửa để các thanh niên bước vào đời, theo đại biểu, “có đuối chút cũng cứ để các em tốt nghiệp để mở rộng cửa hơn cho lựa chọn của mọi học sinh”. Cái cần là thi tuyển đầu vào đại học để có sự chọn lọc, phân luồng lao động.
P.Thảo
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn