Cuối tháng 5 vừa qua, Lữ đoàn 146 thuộc Vùng 4 (Quân chủng Hải quân) đã đưa hơn 100 thân nhân là bố, mẹ, vợ của các cán bộ, chiến sĩ đang công tác, rèn luyện trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) ra thăm người thân của mình. Trong chuyến đi này, đoàn công tác đã ghé thăm các đảo, điểm đảo phía Bắc thuộc quần đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa).
Phóng viên báo đã đồng hành cùng chuyến đi trên và ngay khi kết thúc đã có cuộc trao đổi với Đại tá Đào Giang Hải, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Lữ đoàn 146 (Vùng 4, Quân chủng Hải quân, Trưởng đoàn công tác của chuyến đi) về vai trò của báo chí trong việc tuyên truyền về chủ quyền của quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam, nhân kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2019).
Đại tá Hải cho biết, trong chuyến đi công tác lần này có sự đồng hành của các cơ quan thông tấn báo chí, chính vì vậy, Chỉ huy hành quân, Đảng ủy Chỉ huy Lữ đoàn 146 đã xác định cần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho báo chí tác nghiệp nhằm phản ánh hành trình của chuyến đi, phản ánh chuyến tàu yêu thương từ đất liền đến với cán bộ, chiến sĩ ở đảo là trách nhiệm và là quyết tâm của đơn vị sẽ thực hiện.
"Với các lịch trình bố trí cụ thể, khoa học, bằng quyết tâm phối hợp chỉ đạo của đơn vị, cơ quan điều hành, đến giờ này có thể khẳng định chuyến đi của chúng ta đã thành công. Sự thành công của chuyến đi này có phần đóng góp rất quan trọng của cơ quan báo chí đồng hành cùng chuyến đi" - Đại tá Hải đánh giá và mong muốn, các cơ quan báo chí không chỉ phản ánh hoạt động của chuyến đi mà sau chuyến đi, ông tin rằng tình cảm của chuyến tàu yêu thương sẽ lan tỏa đến đồng bào và chiến sĩ cả nước, thông qua đó sẽ "hiểu về Trường Sa hơn, thương nhớ Trường Sa hơn, gắn bó với Trường Sa hơn". Đó chính là nguồn gốc sức mạnh tinh thần, tạo nên ý chí quyết tâm chiến đấu của bộ đội Trường Sa để giữ vững chắc biển đảo quê hương của Tổ quốc.
Vị Chính ủy Lữ đoàn 146 chia sẻ thêm, mong muốn của cán bộ chiến sĩ Trường Sa nói chung đối với báo chí, đó là phản ánh trung thực, rõ nét nhất về sự cố gắng, sức mạnh ý chí tinh thần mà bộ đội Trường Sa đang phải cố gắng vượt qua; phản ánh tình yêu quê hương biển đảo không chỉ của chiến sĩ Hải quân mà còn của các tầng lớp nhân dân khác đối với chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Thông qua việc tuyên truyền này để nhân lên sức mạnh về ý chí tinh thần.
"Ngoài ra, chúng tôi rất mong báo chí, cơ quan truyền thông sẽ đến nhiều hơn với Trường Sa để phản ánh rõ nét về cuộc sống, tình cảm, về đời sống hậu phương quân đội, hoàn cảnh khó khăn, những tấm gương vượt khó, những gương điển hình để góp phần động viên quân và dân Trường Sa vững vàng hơn, sẵn sàng chấp nhận mọi khó khăn thử thách để thực hiện nhiệm vụ giữ vững biển đảo của Tổ quốc" - Đại tá Hải trải lòng.
Theo Đại tá Hải, trong những năm qua, báo chí đã góp phần củng cố sức mạnh ý chí tinh thần của bộ đội ở Trường Sa. Chỉ có thông qua việc tuyên truyền của báo chí mới đưa Trường Sa về gần hơn với đất liền, giúp đồng bào ta hiểu thêm cuộc sống ở Trường Sa, biết chia sẻ khó khăn của bộ đội Trường Sa. Thông qua báo chí, sự ủng hộ về vật chất, tinh thần của đồng bào, chiến sĩ cả nước mới đến với Trường Sa một cách nhanh nhất, tạo hiệu quả thiết thực nhất.
"Nhân dịp Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, cho phép tôi được thay mặt cán bộ, chiến sĩ, nhân dân Trường Sa gửi lời cảm ơn chân thành tới cơ quan báo chí, các nhà báo đã đồng hành cùng chúng tôi trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo của tổ quốc" - Đại tá Hải nói.
Xuống đảo tác nghiệp là quên hết mệt mỏi!
Thời tiết ở Trường Sa rất khắc nghiệt, nước ngọt khan hiếm, một năm bình quân có tới 131 ngày bão, gió từ cấp 6 trở lên mỗi tháng có từ 12-20 ngày gió mạnh. Chỉ có tháng 4, tháng 5 là ít gió nhất, còn từ tháng 6 đến tháng 9 là thời kỳ thịnh hành của gió Tây Nam.
Chính vì thế, thời tiết ở Trường Sa thời điểm chúng tôi xuống các đảo để tác nghiệp rất nóng, nóng hơn nhiều so với thời tiết ở Hà Nội những ngày đỉnh điểm của nắng nóng. Thời tiết khắc nghiệt, cộng với hải trình dài trên biển cũng phần nào bào mòn sức khỏe của mỗi phóng viên. Tuy nhiên, khi bước chân xuống đảo, các phóng viên đều say sưa tác nghiệp và dường như quên hết mệt mỏi.
Phóng viên Nguyễn Hoài Đảm của Đài Truyền hình Việt Nam chia sẻ: "Đúng là thời tiết ở Trường Sa nóng hơn nhiều so với đất liền, nhưng tôi nghĩ không phải ai cũng có cơ hội được đến Trường Sa. Tôi thấy tôi rất may mắn được tác nghiệp tại Trường Sa hôm nay nên đã quên hết mệt mỏi".
Trong chuyến đi này, nhóm phóng viên chúng tôi được đi khá nhiều đảo, điểm đảo ở phía Bắc của quần đảo Trường Sa. Tuy nhiên, mỗi đảo chúng tôi chỉ được tác nghiệp khoảng 3-4 giờ đồng hồ, sau đó lại phải lên tàu đi các đảo khác. Chính vì vậy, để chuẩn bị cho việc tác nghiệp được nhanh chóng và hiệu quả, mỗi phóng viên đều phải chuẩn bị sẵn kịch bản, ý tưởng từ trước với sự hỗ trợ, gợi ý rất tích cực của cán bộ Lữ đoàn 146.
"Trước khi xuống đảo nào chúng tôi đều hỏi cán bộ Lữ đoàn 146 để xem đảo đó có gì đặc biệt để khai thác đưa tin. Ngoài ra, khi xuống đảo thấy cái gì có thể làm được chúng tôi sẽ đề xuất với Chính trị viên trên đảo hoặc Trưởng đoàn công tác và đều nhận được sự hỗ trợ rất nhiệt tình" - anh Đảm chia sẻ thêm.
Thời tiết ở Trường Sa nắng gắt là vậy, nhưng cũng có lúc lại xuất hiện những cơn mưa rào bất chợt, nếu không có sự chuẩn bị vật dụng để bảo vệ máy móc sẽ bị ướt, hỏng thiết bị và chuyến đi tác nghiệp rất dễ bị thất bại.
Phóng viên Thế Anh, quay phim của Đài Truyền hình Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm: "Ngoài túi nilon để bóc máy, balo, tôi còn mang theo thiết bị quay phim mini có thể chống nước khi quay trời mưa. Hôm vừa gần đến đảo Đá Nam thì trời mưa to, may có máy quay mini nên tôi vẫn quay được".
Nguyễn Dương
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn