Nhân dân Quảng Trị vinh dự được thay mặt cả nước chăm sóc chu đáo cho hơn 60.000 mộ liệt sĩ tại 72 nghĩa trang lớn nhỏ trên địa bàn. Trong số đó, có 2 Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn và Đường 9 là nơi yên nghỉ của hơn 2 vạn mộ liệt sĩ và Thành Cổ Quảng Trị - nơi ghi dấu cuộc chiến 81 ngày đêm đầy khốc liệt “mùa Hè đỏ lửa 1972”.
Các cơ quan, ban ngành trở về Quảng Trị để tri ân liệt sĩ
Đón tiếp thân nhân liệt sĩ bằng cả tấm lòng
Những ngày tháng 7, Nhà đón tiếp thân nhân liệt sĩ tỉnh Quảng Trị (Nhà khách 27/7) hoạt động bất kể ngày đêm để tiếp đón thân nhân liệt sĩ đến thăm viếng, tìm mộ. 20 sau ngày thành lập đến nay, nơi đây trở thành địa chỉ quen thuộc với thân nhân các anh hùng, liệt sĩ khi đến với tỉnh Quảng Trị thăm viếng hay tìm kiếm hài cốt người thân.
Ông Trương Đức Khoa, Giám đốc Nhà đón tiếp thân nhân liệt sĩ tỉnh Quảng Trị, cho biết: Xuất phát từ thực tế thân nhân các liệt sĩ ở những địa phương trong nước đến thăm viếng, tìm mộ người thân hy sinh trong cuộc kháng chiến, lãnh đạo Bộ LĐTB&XH và UBND tỉnh Quảng Trị đã cho xây dựng Nhà đón tiếp thân nhân liệt sĩ.
Cơ sở đưa vào hoạt động với các nhiệm vụ chính: Tiếp đón thân nhân liệt sĩ trong cả nước về thăm viếng mộ liệt sĩ trên địa bàn; Đưa đón thân nhân liệt sĩ đi viếng mộ; Phục vụ việc ăn, ở của thân nhân liệt sĩ trong thời gian lưu trú tại Quảng Trị; Cùng với các phòng chức năng thuộc Sở, giúp Sở LĐ-TB&XH trong việc phối hợp với các cấp, ngành, đơn vị liên quan xác định, tìm kiếm mộ liệt sĩ và giải quyết một số chính sách, chế độ của thân nhân liệt sĩ trong việc thăm viếng và tìm kiếm mộ.
Bước đầu, đơn vị mới thành lập còn gặp nhiều khó khăn, nhưng với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, đơn vị đã phát động phong trào thi đua với chủ đề: “Đón tiếp chu đáo, phục vụ tận tình”, góp phần làm xoa dịu nỗi đau thương, mất mát của các gia đình thân nhân liệt sĩ.
Ông Khoa cho hay, mỗi năm Nhà đón tiếp thân nhân liệt sĩ tỉnh Quảng Trị, phục vụ, tiếp đón từ 6.000-7.000 thân nhân đến viếng và tri ân liệt sĩ. Trong 6 tháng đầu năm 2017 đã tiếp đón hơn 2.000 thân nhân liệt sĩ đến Quảng Trị thăm viếng.
Giám đốc Nhà đón tiếp thân nhân liệt sĩ cũng trăn trở: “Chúng tôi làm việc ở đây luôn xác định phải tận tâm, chu đáo, làm tròn trách nhiệm để phục vụ thân nhân liệt sĩ đến và rời đi đều cảm thấy hài lòng. Qúa trình tiếp xúc với các thân nhân liệt sĩ, những người này nêu kiến nghị Nhà nước bổ sung chế độ hỗ trợ thăm viếng đối với anh, chị em ruột khi đi thăm viếng mộ liệt sĩ; hỗ trợ tiền thuê xe vận chuyển, đưa hài cốt liệt sĩ về nguyên quán, hỗ trợ kinh phí đi lại cho gia đình liệt sĩ khi làm thủ tục xác định AND, đính chính thông tin trên bia mộ liệt sĩ…”
Nhiều năm làm việc ở Nhà đón tiếp thân nhân liệt sĩ, chị Phan Thị Bảy cho biết, bản thân chị luôn cảm thấy xúc động khi chứng kiến thân nhân liệt sĩ vào tìm mộ con, người thân. Là người mẹ, chị cảm thấy đau trước nỗi mất mát của những bà cụ vượt đường xa về đây tìm mộ con mình nhưng không thấy. Đằng sau những ánh mắt già nua ấy là sự hụt hẫng, bất lực.
Những lúc như vậy, chị nhủ lòng mình và nhắc các chị em trong đơn vị phải tiếp đón tận tình, chia sẻ với mục đích làm dịu đi sự đau thương trong lòng họ. Đối với các gia đình thân nhân liệt sĩ đến đây đều được các chị đón tiếp tận tình.
Những ngày qua, anh Đào Văn Thân (quê ở Bắc Giang) vào đây lưu trú để tìm mộ của bác mình là liệt sĩ Đào Văn Giáp, hy sinh năm 1968. Gia đình anh đi 5 người vào sinh hoặt, ăn ở tại Nhà đón tiếp liệt sĩ.
Anh Thân nói rằng, đến đây gia đình anh được đón tiếp rất chu đáo, các anh chị đã giúp anh tra bản đồ để xác định vị trí mộ nhưng không thấy, gia đình anh chỉ mong sớm tìm thấy mộ phần của bác để đưa ông về quê an nghỉ cho tiện việc chăm sóc.
Tận tụy, chăm sóc chu đáo mộ phần liệt sĩ
Những ngày tháng Bảy, Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn, Đường 9 và hầu hết các nghĩa trang trên địa bàn Quảng Trị đều tấp nập khách đến tri ân liệt sĩ. Ban quản lý các Nghĩa trang phải làm việc quên giờ giấc để phục vụ khách đến thăm viếng, chỉ dẫn tận tình cho khách tìm mộ liệt sĩ.
Ông Hồ Tất Ái, Trưởng Ban quản lý Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, bày tỏ: “Được đóng góp công sức của mình phục vụ thân nhân các liệt sĩ, chúng tôi nguyện làm việc bằng cái tâm, tận tụy quên cả giờ giấc “ngày không giờ, tuần không thứ” để đem lại sự hài lòng đối với khách đến viếng và tri ân liệt sĩ. Bên cạnh đó, góp phần làm ấm lòng linh hồn các anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống, xoa dịu nỗi đau trong lòng những người còn sống”.
Ông Ái cho hay, tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, mỗi năm có khoảng 1 triệu khách các cơ quan, ban ngành của Đảng, Nhà nước và khoảng 2 triệu khách tự do đến thăm viếng, tri ân liệt sĩ. Với nhiệm vụ cao cả, chúng tôi luôn động viên nhau cố gắng để giữ đúng tác phong, thể hiện sự trang nghiêm. Đối với các thân nhân đến tìm mộ, anh em đối chiếu ngay để kịp thời phúc đáp cho gia đình, rồi đính chính thông tin khi thân nhân liệt sĩ yêu cầu; Thường xuyên chăm sóc, tu bổ các hạng mục nhỏ trong nghĩa trang như thay cát, chân hương, quét dọn vệ sinh, chăm sóc cây xanh.
Bên cạnh đó, anh em trong Ban quản lý Nghĩa trang cũng làm tốt công tác bảo vệ an ninh, hướng dẫn khách đến thăm viếng trong trật tự; phối hợp với cơ quan công an và chính quyền địa phương để tuần tra canh gác trong khuôn viên di tích.
Ông Ái tâm sự: “Có những lúc công việc quá bận rộn nên dù nhà ở gần nhưng mỗi tháng chỉ được về một lần. Bất kể ngày đêm, bất kể nắng mưa, khi thân nhân liệt sĩ cần là anh em động viên nhau tận tâm phục vụ. Hy vọng những việc mình làm sẽ khiến các liệt sĩ cảm thấy ấm lòng hơn, nỗi đau trong lòng những thân nhân liệt sĩ cũng được xoa dịu đi phần nào”.
Tác giả: Đăng Đức
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn