Bộ Tư pháp đang tiến hành thẩm định Nghị quyết về thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND tại các phường thuộc các quận, thị xã của TP Hà Nội.
Dự thảo tờ trình do Bộ Nội vụ xây dựng cho biết, những năm gần đây dân số Hà Nội trung bình mỗi năm tăng khoảng 1,8%; mật độ dân số trung bình lớn, dân cư phân bố không đều, mật độ dân số tập trung tại các quận khá cao (mật độ dân số trung bình của 12 quận là 11.220 người/km2).
Sự gia tăng dân số tại Thủ đô trên tạo ra áp lực lớn về hạ tầng kinh tế và các vấn đề xã hội cho thành phố Hà Nội. Trong khi đó, mô hình quản lý hiện hành của Hà Nội chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, chưa tự chủ, thiếu linh hoạt, khả năng tự quyết định, tự chịu trách nhiệm để giải quyết kịp thời những vấn đề đặt ra đối với đô thị còn bất cập. Cơ chế, chính sách phân cấp giữa Trung ương và thành phố còn chưa phù hợp; một số lĩnh vực chưa phân định rõ ràng, chưa tạo được sự khác biệt giữa khu vực đô thị và nông thôn; giữa Thủ đô và các tỉnh, thành phố thuộc trung ương trong cả nước.
“Vì vậy, việc thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND tại các phường thuộc quận, thị xã của thành phố Hà Nội và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội nhằm từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, năng lực quản lý, điều hành của chính quyền thành phố Hà Nội phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô trong giai đoạn tới”- Bộ Nội vụ đánh giá.
Mặt khác, thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X), Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có các nghị quyết về thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND tại 67 huyện, 32 quận, 483 phường của 10 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Thời gian thực hiện thí điểm từ năm 2009 đến năm 2015.
Trên cơ sở Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội do Thành ủy Hà Nội trình, Bộ Chính trị đã có Kết luận số 46-KL/TW ngày 19/4/2019, trong đó có nội dung thực hiện thí điểm mô hình không tổ chức HĐND phường ở các quận và thị xã Sơn Tây của thành phố Hà Nội.
Đảng đoàn Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội trong năm 2019 ban hành Nghị quyết về thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND phường tại thành phố Hà Nội để thực hiện từ năm 2021 đến năm 2026; quy định phân cấp, phân quyền, ủy quyền về một số cơ chế, chính sách đặc thù về kinh tế, tài chính, ngân sách, đất đai… cho thành phố Hà Nội.
Bộ Nội vụ khẳng định việc trình Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết về thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND tại các phường thuộc quận, thị xã của thành phố Hà Nội và Nghị quyết thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội là cần thiết.
Theo đó, dự thảo nghị quyết lập danh sách 177 phường thuộc 12 quận và thị xã Sơn Tây của thành phố Hà Nội thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND phường.
Mô hình các phường tổ chức như thế nào?
Về mô hình tổ chức chính quyền địa phương các cấp của thành phố Hà Nội khi thực hiện thí điểm, tờ trình của Bộ Nội vụ đề xuất mô hình tổ chức chính quyền của thành phố Hà Nội, các quận, huyện, thị xã và các xã, thị trấn giữ nguyên như hiện nay.
Đồng thời, rà soát để bổ sung, điều chỉnh các chức năng, nhiệm vụ còn bỏ sót, các nhiệm vụ chồng chéo giữa các Sở, ngành của thành phố; tăng cường phân cấp, ủy quyền trong một số lĩnh vực từ thành phố cho các sở, ngành, quận, huyện, thị xã; thực hiện các giải pháp để củng cố chính quyền nông thôn tại các xã, thị trấn thuộc các huyện và các xã thuộc thị xã Sơn Tây theo quy định của pháp luật.
Chính quyền tại các phường thuộc các quận và thị xã Sơn Tây sẽ chỉ tổ chức cơ quan hành chính là UBND, không tổ chức HĐND phường.
Về tổ chức UBND gồm có Chủ tịch, từ 1 - 2 Phó Chủ tịch và các ủy viên phụ trách quân sự, ủy viên phụ trách công an. Các thành viên UBND do Chủ tịch UBND quận, thị xã bổ nhiệm, điều động, miễn nhiệm, bãi nhiệm, cách chức và đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng về công tác cán bộ.
UBND phường là thực hiện một số công việc cụ thể của quản lý hành chính nhà nước và cung ứng một số dịch vụ công theo phân cấp và ủy quyền của UBND quận. Ngoài ra UBND phường còn phải hướng dẫn và phối hợp với tổ trưởng dân phố thực hiện các nhiệm vụ có tính chất tự quản của cộng đồng dân cư trên địa bàn.
Ngoài ra, UBND phường hoạt động theo chế độ tập thể, nhưng đề cao thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân của Chủ tịch UBND trong quản lý điều hành hành chính. UBND phường chịu sự chỉ đạo, quản lý trực tiếp của UBND, Chủ tịch UBND quận, thị xã; chịu sự giám sát của HĐND và đại biểu HĐND quận, thị xã; đồng thời chịu sự giám sát của Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội phường.
Thế Kha
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn