Lệnh trừng phạt Nga được luật hoá tại Mỹ đã gây phản ứng dữ dội không chỉ từ Nga, mà còn từ chính Liên minh Châu Âu (EU).
Với việc luật hoá trừng phạt Nga, Washington bị cho là chỉ xem trọng mục đích mà quên đi lợi ích của đồng minh.
Chính vì vậy đã có nhiều nhận định rằng EU sẽ “bắt tay” Nga phá rào luật trừng phạt Nga của Mỹ để giảm thiểu thiệt hại vì hy sinh cho mưu đồ của đồng minh.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng có rất nhiều điều kiện khiến EU lần này sẽ không làm điều đó.
Dù thất vọng nhưng EU sẽ không phá rào luật trừng phạt Nga của Mỹ
Thứ nhất, lợi ích kinh tế có được trong quan hệ EU - Nga rất khiêm tốn so với lợi ích kinh tế có được trong quan hệ EU - Mỹ, vì vậy Brussels sẽ không mạo hiểm để rồi rơi vào cảnh lợi bất cập hại.
Theo Cơ quan thống kê của Liên minh châu Âu (Eurostat), quan hệ kinh tế, thương mại Mỹ - EU có giá trị lớn nhất trên thế giới. Tổng vốn đầu tư của Mỹ vào EU gấp 3 lần đầu tư của Mỹ ở toàn châu Á, còn 1/3 thương mại xuyên Đại Tây Dương là luân chuyển nội bộ giữa Mỹ và EU.
Theo số liệu của Bộ thương mại Mỹ, năm 2013 EU xuất khẩu hàng hoá sang Mỹ đạt trị giá 387,5 tỉ USD, nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ với trị giá 262,0 tỉ USD, EU thặng dư mậu dịch với Mỹ là 125,5 tỉ USD.
Năm 2014 xuất khẩu từ EU vào Mỹ đạt 420,6 tỉ USD, nhập khẩu từ Mỹ đạt 276,2 tỉ USD, thặng dư mậu dịch với Mỹ là 144,4 tỉ USD. Năm 2015 EU xuất khẩu vào Mỹ 427,5 tỉ USD, nhập khẩu từ Mỹ 271,8 tỉ USD và thặng dư mậu dịch với Mỹ là 155,7 tỉ USD.
Trong năm 2016, dù có giảm sút nhưng xuất khẩu của EU vào Mỹ vẫn đạt 416,3 tỉ USD, nhập khẩu từ Mỹ 269,6 tỉ USD và thặng dư là 146,7 tỉ USD. Còn trong 5 tháng đầu năm 2017, EU đã xuất vào Mỹ 174,0 tỉ USD, nhập khẩu từ Mỹ 116,6 tỉ USD và cũng đã thặng dư với Mỹ 57,4 tỉ USD.
Năm 2016, tổng giá trị kim ngạch thương mại của EU đạt khoảng 4.520,6 tỉ USD, trong đó kim ngạch thương mại hai chiều EU-Mỹ là 685,9 tỉ, chiếm khoảng 16,13%. Đặc biệt, trong quan hệ thương mại với Mỹ, EU luôn thặng dư mậu dịch.
Chỉ tính riêng từ năm 2013 đến 2016 và 5 tháng đầu năm 2017, tổng giá trị thặng dư mậu dịch của EU với Mỹ đã lên tới 629,6 tỉ USD.
Trong khi đó, năm 2014, EU xuất khẩu vào Nga đạt 133,0 tỉ USD, nhập khẩu từ Nga 194,8 tỉ USD, thâm hụt mậu dịch là -61,8 tỉ USD, năm 2015, EU xuất vào Nga 99,0 tỉ USD, nhập từ Nga 148,1 tỉ USD, thâm hụt -49,1 tỉ USD.
Đến năm 2016, lượng xuất khẩu hàng hoá của EU vào Nga giảm mạnh, chỉ còn đạt 72,4 tỉ, nhưng vẫn nhập khẩu từ Nga tới 118,7 tỉ USD nên mức thâm hụt vẫn ở mức cao là -46,3 tỉ USD.
Dù thân thiện nhưng rào cản lợi ích khiến EU không dám làm liều
Rõ ràng, lợi ích kinh tế EU có được trong quan hệ với Mỹ luôn lớn hơn rất nhiều lợi ích kinh tế EU có được trong quan hệ với Nga. Thậm chí EU còn phải lấy thặng dư mậu dịch từ quan hệ thương mại với Mỹ để bù đắp thâm hụt trong quan hệ thương mại với Nga.
Dù vấn đề năng lượng và an ninh năng lượng không đơn giản chỉ là những con số, song trong bối cảnh lệnh trừng phạt Nga được luật hoá với giá trị pháp lý cao hơn, chế tài mạnh hơn khiến EU không dễ mạo hiểm để đánh mất lợi ích to lớn của mình.
Thứ hai, EU đã đạt được thoả thuận thương mại tự do với Nhật Bản, có thể bù đắp lợi ích mất đi từ Nga, đã kết hợp với Israel trong dự án đường ống dẫn khí xuyên Địa Trung Hải, qua đó giảm phụ thuộc vào năng lượng Nga.
Ngày 6/7, EU và Nhật Bản đã chính thức thoả thuận về một hiệp định thương mại tự do, qua đó sẽ mở đường cho việc gia tăng trao đổi hàng hoá giữa hai trong số khu vực kinh tế lớn nhất thế giới, khi hàng rào thuế quan được dỡ bỏ, theo BBC.
EU và Nhật đã cùng một lúc đạt được hai thỏa thuận : một là thoả thuận về thương mại tự do mà sẽ tạo ra một khối kinh tế thương mại quy mô lớn và hai là thoả thuận về thiết lập đối tác chiến lược, hợp tác trong nhiều các lĩnh vực khác nhau.
Thoả thuận khung giữa EU và Nhật Bản đã được ký kết tại Brussels, sau cuộc họp giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker ngay trước khi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh G20 Hamburg 2017.
Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới với dân số khoảng 127 triệu người và hiện tại Nhật Bản là thị trường xuất khẩu lớn thứ 7 của EU.
Theo BBC, nhu cầu của người tiêu dùng Nhật Bản đối với các sản phẩm của châu Âu - nhất là sản phẩm nông nghiệp - tăng dần trong những năm gần đây. Đó là cơ hội cho EU bù đắp khoản thiệt hại do bị Nga cấm nhập khẩu lương thực-thực phẩm.
Thoả thuận thương mại tự do Nhật - EU sẽ giúp bù đắp lợi ích bị mất từ quan hệ Nga - EU
Còn trước đó, ngày 3/4 cho hay, Israel cùng với Italy, Hy Lạp và Cyprus đã ký cam kết cùng hợp tác trong dự án đường ống dẫn khí đốt xuyên biển dài nhất thế giới từ Đông Địa Trung Hải đến Nam Âu, với sự hỗ trợ của Liên minh châu Âu.
“Theo kế hoạch, đường ống dẫn khí đốt được phối hợp thiết kế giữa Israel và EU có tổng vốn đầu tư là 6,2 tỉ USD, dự kiến sẽ dẫn khí đốt mới được phát hiện từ Israel và Cyprus đến châu Âu, qua đó làm giảm sự phụ thuộc của châu Âu vào nguồn năng lượng của Nga”, theo The Times of Israel.
Ủy viên châu Âu về Năng lượng và Biến đổi Khí hậu Canete cho biết: EU tin rằng điều này có thể đóng góp vào chiến lược đa dạng hóa nguồn cung cấp, tuyến đường dẫn và nhà cung cấp năng lượng cho châu Âu.
Như vậy, những lo ngại và thiệt hại của EU khi tuân thủ luật trừng phạt Nga của Mỹ đã có hướng giải quyết và nguồn lực bù đắp, do đó Moscow khó có hy vọng vào việc Brussels làm liều với Washington để "giúp" Nga.
Thứ ba, tác hiệu của luật trừng phạt Nga giúp EU đã có được cơ hội thúc ép Mỹ nhanh chóng kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại và Hợp tác Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) theo hướng có lợi cho EU
Các cuộc đàm phán về Hiệp định Thương mại và Hợp tác Đầu tư xuyên Đại Tây Dương giữa Mỹ và EU (TTIP) đã thất bại, bởi sau 14 phiên thảo luận vẫn không tìm được bất cứ tiếng nói chung nào trong số 27 vấn đề mà hai bên cần thương thảo.
Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel từng cho rằng TTIP thất bại khiến đã cho EU phải đối mặt với nhiều khó khăn chính trị và kinh tế trong quan hệ với người đồng minh chiến lược bên bờ tây Đại Tây Dương.
Luật trừng phạt Nga có thể được EU khai thác làm bập bênh lợi ích với Mỹ, ngăn chặn hành động của Washington là ảnh hưởng tiêu cực tới EU thời hậu Brexit
Theo giới lãnh đạo EU, nguyên nhân khiến cho đàm phán giữa Mỹ và EU về TTIP thất bại là do Washington buộc Brussels phải nhượng bộ để hưởng lợi, song Brussels không chấp nhận. Bởi EU không muốn hạ chuẩn chất lượng sản phẩm của mình để có thể lợi bất cập hại.
“Washington đã thất vọng về một thỏa thuận mà EU ký kết với Canada, bởi nó chứa đựng các yếu tố mà Hoa Kỳ không muốn thấy trong TTIP", theo BBC. Khi TTIP bế tắc khiến Washington dễ dàng trả đũa, buộc Brussels hoặc chấp nhận nhượng bộ hoặc rơi vào thế nguy hiểm trước các nước đi của Mỹ thời hậu Brexit.
Khi Tổng thống Trump bước vào Nhà Trắng thì Washington đã có những động thái gây bất lợi cho EU. Đó là Mỹ tìm cách thúc đẩy thoả thuận thương mại với Anh và tìm cách đạt thoả thuận với từng thành viên EU. bỏ qua cơ chế điều hành của EC.
Đây là điều rất bất lợi với EU, song cho đến nay Brussels vẫn chưa tìm ra công cụ lợi ích nào có thể hiệu chỉnh hành động của Washington cũng như thúc đẩy việc đàm phán TTIP để có thể sớm ký kết được hiệp định kinh tế - thương mại đặc biệt này.
Nay EU có thể lấy việc tuân thủ luật trừng phạt Nga để làm bập bênh lợi ích với Mỹ để vừa thúc đẩy TTIP, vừa hạn chế hành động của Washington mà có thể gây bất lợi cho tiến trình Brexit cũng như nguyên tắc đồng thuận của EU.
Như vậy, có thể thấy rằng việc luật hoá trừng phạt Nga là một cú ra đòn quá hiểm hóc của Washington, nó không những khiến Moscow bị thiệt hại khi không thể đáp trả tương xứng, mà nó còn tạo ra một vòng kiểm toả với các đồng minh của Mỹ.
Tác giả: Theo Ngọc Việt
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn