Một chiếc King Tiger được phục chế tại Pháp
Sau thành công của thiết kế giáp nghiêng ứng dụng trên xe tăng T-34 Liên Xô, Đức đã cho ra đời xe tăng Panther với thiết kế học hỏi từ đối phương. Tuy vậy, Panther chỉ là xe tăng hạng trung, Đức vẫn cần loại tăng hạng nặng để thay thế mẫu Tiger I. Phiên bản Tiger II, còn được gọi là King Tiger (Vua Hổ) chính là câu trả lời, theo National Interest.
Vào năm 1937, Henschel giành được hợp đồng sản xuất loại xe tăng hạng nặng mới. Hai năm sau, Porsche cũng tham gia cạnh tranh. Cả hai hãng đều sử dụng chung mẫu tháp pháo được phát triển bởi tập đoàn Krupp. Điểm khác nhau nằm ở phần thân xe và hệ thống truyền động.
Thiết kế của Henschel theo kiểu truyền thống với động cơ đặt sau, bố trí thân xe giống với xe tăng Panther, nhiều bộ phận của xe cũng được lấy từ dòng Panther để đơn giản hóa sản xuất. Bộ truyền động được thiết kế lại, Henschel đặt bánh xe cách nhau thay vì đan xen như mẫu Tiger I. Điều đó giúp đơn giản hóa việc bảo dưỡng và tăng tốc độ sản xuất.
Trong khi đó, mẫu xe của Posrche lại phá cách với tháp pháo đặt giữa và động cơ phía sau, trong khi phiên bản thứ hai đặt tháp pháo phía sau và động cơ ở giữa xe, tương tự pháo tự hành Ferdinand. Cuối cùng, thiết kế của Henschel chiến thắng và được đưa vào sản xuất.
Tiger II là một chiếc xe tăng rất nặng với khối lượng tới 68 tấn. Tuy vậy, nhờ động cơ V-12 công suất 700 mã lực, nó vẫn đạt tốc độ tối đa 40 km/h. Giáp thân của Tiger II có độ dày 150 mm, việc đặt nghiêng khiến cho độ dày hiệu quả lên đến 200 mm. Trong suốt cuộc chiến, không có chiếc Tiger II nào bị xuyên thủng giáp thân trước. Ngược lại, pháo 88 mm của nó dễ dàng tấn công xe tăng Đồng minh từ khoảng cách trên 1 km.
Được gia nhập biên chế vào năm 1944, Tiger II tham chiến ở cả hai mặt trận Đông và Tây, chủ yếu là ở mặt trận phía Đông. Nó được kỳ vọng sẽ là át chủ bài thay đổi cuộc chơi. Tiger II có nhiệm vụ tương tự xe tăng IS-2 của Liên Xô, đó là đứng từ xa bắn tiêu diệt xe tăng địch, cũng như thu hút hỏa lực để yểm trợ đơn vị bạn.
King Tiger trong một bảo tàng. Ảnh: Wikipedia. |
Nhưng ngay trong trận đánh lớn đầu tiên với xe tăng Liên Xô, Tiger II đã gặp thiệt hại nặng nề. Ở chiến dịch Lvov–Sandomierz, các đơn vị Hồng quân tiến quá nhanh, tự đưa mình vào thế bị chia cắt và buộc phải dừng lại để chờ tiếp viện. Lúc này Đức triển khai Tiểu đoàn tăng hạng nặng số 501 khét tiếng vào trận để chia cắt các lực lượng Hồng quân.
Đức có đến 45 chiếc Tiger II trong biên chế, nhưng chỉ 16 xe hoạt động được. Trên đường trận địa, đơn vị này bị xe tăng T-34 phục kích bắn cháy hai chiếc từ bên sườn. 14 xe còn lại tới được điểm tập kết và thiết lập phòng thủ. Họ phải đối đầu với 11 xe tăng IS-2 đang yểm trợ các nhóm T-34 vượt sông.
Cả hai bên đều ở thế có lợi. Xe tăng IS-2 có pháo cỡ nòng 122 mm và giáp dày, được giao nhiệm vụ tương tự Tiger II là đứng từ xa yểm trợ xe tăng T-34 và bộ binh. Tuy vậy, kết quả lại hoàn toàn không như lý thuyết. Do khoảng cách lên đến gần 1 km, đạn xuyên giáp của cả hai bên không xuyên được lẫn nhau
Các kíp xe Liên Xô quyết định sử dụng đạn nổ mảnh chống bộ binh để bắn vào Tiger II. Chỉ sau vài trận giao chiến, xe tăng Đức thiệt hại nặng với 6 chiếc bị tiêu diệt, trong khi không một chiếc IS-2 nào bị xuyên thủng, buộc các xe Tiger II còn lại nhanh chóng rút lui.
Sau khi thu được các xe Tiger II để nghiên cứu, Liên Xô kết luận rằng "Vua Hổ" Tiger II gặp rất nhiều lỗi kỹ thuật, đặc biệt là ở động cơ khi liên tục hư hỏng chỉ sau vài chục km hành quân. Nghiêm trọng hơn, giáp của Tiger II dày nhưng chất lượng thép rất tồi, chỉ một phát đạn chống bộ binh từ IS-2 cũng đã khiến tháp pháo của nó rạn nứt. Nguyên nhân được cho là Đức phải gấp rút sản xuất để đưa ra mặt trận, đồng thời nguyên liệu khan hiếm nên không thể cho ra đời sản phẩm có chất lượng cao.
Sĩ quan Liên Xô đứng trên một chiếc King Tiger bị tiêu diệt. Ảnh: Flickr. |
Trận đấu tăng cuối cùng mà Tiger II tham gia là chiến dịch Wisla-Oder, nơi 23 xe tăng Tiger II cùng 29 chiếc Tiger I được yểm trợ bởi 13 xe Panther đọ sức với Lữ đoàn xe tăng Cận vệ số 61 của Liên Xô, đơn vị chỉ có 40 xe tăng T-34.
Với kinh nghiệm dày dặn, các kíp lái Liên Xô đã chờ đội hình Tiger đến gần mới khai hỏa, sau đó tận dụng khả năng cơ động của T-34 để di chuyển giữa các căn nhà và bắn vào sườn tăng địch. Kết quả có đến 35 xe tăng Tiger I và II bị bắn cháy, trong khi chỉ có 11 chiếc T-34 bị hạ.
Tiger II đắt hơn 7 lần so với T-34, được sản xuất với số lượng và chất lượng thấp. Bên cạnh đó, Tiger II còn phải đối đầu với các đạo quân xe tăng hùng hậu và thiện chiến của Liên Xô. Tất cả điều đó khiến "Vua Hổ" Tiger II chỉ là nỗ lực vô ích của phát xít Đức, chuyên gia quân sự Michael Peck nhận định.
Lã Linh
Nguồn tin: http://vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn