Chiếc khiên “thủng”
Hiện Lực lượng hàng không vũ trụ VKS, phòng không không quân và phòng không lục quân Nga có trên 50 sư đoàn trang bị các hệ thống phòng không thế hệ cũ S-300P, S-300PS, S-300PM (chủ yếu được sản xuất dưới thời Liên Xô, đã quá thời hạn phục vụ) và S-400 với nhiều phiên bản khác nhau. Vì các tổ hợp này đều hoạt động ở tầm xa nên không phải lúc nào cũng phù hợp để bảo vệ các cơ sở đặc biệt quan trọng.
Không phải ngẫu nhiên mà Lực lượng phòng không Liên Xô trước đây trang bị ba hệ thống khác nhau: S-200 (tầm xa), S-75 (tầm trung) và S-125 (tầm ngắn). Các công trình đặc biệt quan trọng của đất nước được bảo vệ bằng các tổ hợp hoạt động ở các dải tần, tầm cao diệt mục tiêu và phạm vi bao phủ khác nhau.
Năm 2010, Tổng thống Putin đã công bố kế hoạch hiện đại hóa lực lượng vũ trang Nga trong 10 năm với ngân sách 650 tỷ USD để thay thế các hệ thống phòng không và chống hạm được sản xuất từ thời Liên Xô. Quân đội Nga hiện đang sử dụng tổ hợp phòng không hiện đại S-400 Triumf, tổ hợp pháo-tên lửa phòng không Pantsir và tổ hợp tên lửa phòng không Buk-M3 để bảo vệ các khu vực quan trọng như Kaliningrad, Crimea, Viễn Đông, phía nam và bắc của Nga.
Giới chuyên gia Nga cho biết, các đầu não chỉ huy, công trình trọng điểm quốc gia, các thành phố và cơ sở công nghiệp đặc biệt quan trọng ở Nga sẽ được bảo vệ trước các cuộc tấn công từ trên không bằng hệ thống phòng không tích hợp với các tên lửa tiên tiến nhất, có khả năng theo dõi đồng thời hàng chục vật thể bay và độ chính xác tiêu diệt mục tiêu gần 100% - đó là hệ thống phòng không tầm trung mới nhất S-350 Vityaz.
S-350 Vityaz - mảnh ghép hoàn hảo
S-350 Vityaz được thiết kế để chống lại các cuộc không kích cường độ lớn và ở độ cao thấp. Vityaz không phải để thay thế Buk, không dành cho cho Lục quân, mà dành cho lực lượng tên lửa phòng không của Quân chủng Hàng không-Vũ trụ Nga (VKS). Tính năng quan trọng nhất của tổ hợp này là khả năng phản ứng nhanh và hiệu quả cao đối với các mục tiêu bay ở độ cao không quá 25 - 30 km.
Sau khi hoàn tất quá trình thử nghiệm vào tháng 3, S-350 Vityaz đã được đưa vào sản xuất hàng loạt từ ngày 12/4/2019, để thay thế các hệ thống S-300PS (được đưa vào sử dụng năm 1983, có số lượng mục tiêu tấn công hạn chế) vẫn đang có trong biên chế của Quân đội Nga.
S-350 Vityaz (nghĩa tiếng Nga là “Chiến binh chuyên nghiệp”) được Tập đoàn Almaz-Antey phát triển từ năm 2007, ra mắt lần đầu năm 2013, được đưa vào biên chế năm 2015, đã qua thực chiến tại Syria, sẽ là cấu phần của mạng lưới phòng không mới của Nga, bên cạnh S-500 và BuK-M3, là sự bổ trợ vô cùng quan trọng cho các hệ thống tầm xa S-300V4, S-400 và S-500 - những phương tiện được cho sẽ trở thành mục tiêu mà kẻ thù ưu tiên phá hủy ngay từ những đợt tấn công đầu tiên nhằm triệt hạ mạng lưới lửa phòng không Nga.
Mỗi tổ hợp chiến đấu của Vityaz bao gồm các cấu thành: xe chỉ huy cơ động 50K6E, trạm điều khiển bắn 50N6E và 3 bệ phóng 50P6E. Toàn bộ các thành phần của tổ hợp đều được đặt trên khung gầm xe vận tải chuyên dụng KAMAZ 8x8. S-350.
Vityaz được trang bị radar mảng pha hiện đại để cảnh giới và bắt bám máy bay hay tên lửa địch - tầm soát không gian 360 độ (đối thủ đáng gờm nhất - hệ thống Patriot của Mỹ - chỉ quét được 180 độ), có thể vận hành hoàn toàn tự động.
Mỗi radar có 8 kênh chỉ thị thông tin mục tiêu và 16 kênh điều khiển tên lửa, cho phép nó có thể theo dõi đồng thời 100 mục tiêu, dẫn bắn 16 tên lửa tấn công đồng loạt 8 mục tiêu bay trong cùng một thời điểm ở khoảng cách 60 km và độ cao 30 km.
S-350 Vityaz đặc biệt hiệu quả bên cạnh hệ thống S-400 mới. Trong khi S-400 đối phó với các máy bay tiêm kích và ném bom của kẻ thù ở khoảng cách 500 km thì S-350 sẽ bảo vệ các đợt tấn công ồ ạt bằng tên lửa hành trình.
Mỗi tổ hợp S-350 sẽ được trang bị 12 tên lửa đất đối không, gồm 9M96E2 với tầm bắn 120 km, có thể đánh chặn các mục tiêu bay thấp với tốc độ lên tới 17.280 km/h; 9M96E tầm bắn 60 km, có thể đánh chặn các tên lửa hành trình, máy bay không người lái và đầu đạn hạt nhân có tốc độ lên tới 3.600 km/h ở khoảng cách 15 km, và 9M100 tầm bắn 10 km, Vityaz không cần các hệ thống phòng không tầm gần bảo vệ hoặc phối hợp tác chiến vì nó hoàn toàn có khả năng độc lập đối phó với nhiều mối đe dọa từ trên không.
Mặc dù được thiết kế chủ yếu để tiêu diệt các mục tiêu bay thấp nhưng S-350 hoàn toàn có thể đối phó với nhiều mối đe dọa khác khi cần thiết như các tên lửa có lái dẫn, hành trình hay đạn đạo, vũ khí chính xác cao, chiến đấu cơ, trực thăng hay máy bay trinh sát, UAV vũ trang… Tổ hợp hiện đại này gọn nhẹ và có giá thành thấp hơn nhiều so với S-400 Triumf, được đánh giá là một trong những hệ thống tên lửa phòng không cơ động tầm trung hiện đại nhất thế giới hiện nay.
Một trong những ưu điểm lớn nhất của hệ thống S-350 là số lượng tên lửa sẵn sàng phóng trên mỗi bệ có thể lên tới 12 quả. Một tiểu đoàn S-350 Vityaz được trang bị 144 tên lửa - gấp đôi so với số tên lửa của S-300PS. Đặc biệt, các tổ hợp tên lửa S-350 có thể hoạt động trong điều kiện nhiệt độ từ -50 tới +50 độ C, và vẫn phát huy hiệu quả trước tất cả các dạng gây nhiễu vô tuyến của kẻ thù. S-350 có khả năng tác chiến mạnh gấp 3 lần (với 12 kênh điều khiển tên lửa so với 4 kênh của S-300), có mức thông tin hóa và tự động hóa cao hơn nhiều so với S-300. S-350 đã vượt quá tính năng của một hệ thống phòng không tầm trung, khi nó có thể sử dụng một loại tên lửa có tầm bắn từ 5 km - 400 km và ở độ cao từ 5 m đến cận vũ trụ. Giới chuyên gia Nga cho rằng, việc chính thức đưa S-350 Vityaz vào vận hành cũng đồng nghĩa với việc Nga đã hoàn thiện lưới lửa phòng thủ 3 tầng và bịt được lỗ hổng phòng thủ do hệ thống S-300 đã quá già cỗi để lại.
S-350 Vityaz được xem là một bước đột phá mới trong việc phát triển các hệ thống phòng không tích hợp đa năng của Nga, có tính năng cao hơn các hệ tương tự của nước ngoài. S-350 Vityaz sẽ kết hợp với S-400 và S-500 trong tương lai tạo nên một mạng lưới phòng không nhiều lớp bảo vệ cho nước Nga trước các mối đe dọa từ trên không - là “mảnh ghép hoàn hảo” của lưới lửa phòng không Nga.
Theo CTV Lê Ngọc
VOV.VN
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn