Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao vào chiều 11/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã nhận được câu hỏi của phóng viên về việc giàn khoan Đông Phương 13-2 CEPB của Trung Quốc có đang hoạt động tại khu vực vịnh Bắc Bộ hay không.
Trả lời câu hỏi trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Các cơ quan chức năng của Việt Nam đang xác minh thông tin như vừa nêu”.
Bà Lê Thị Thu Hằng cũng khẳng định “Hiệp định phân định vịnh Bắc Bộ đã phân định rõ phạm vi và chế độ pháp lý lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mỗi nước trong vịnh Bắc Bộ, phù hợp luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982”.
“Theo đó, hai nước có trách nhiệm tuân thủ nghiêm túc quy định của hiệp định trong việc quản lý, khai thác và bảo vệ tài nguyên trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình, vì lợi ích của mỗi nước, vì hoà bình, ổn định ở khu vực Biển Đông”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nêu rõ.
Hãng thông tấn Tân Hoa Xã (Trung Quốc) ngày 7/4 đưa tin giàn khoan Đông Phương 13-2 CEPB, giàn khoan sản xuất và xử lý dầu khí xa bờ lớn thứ hai của Trung Quốc, đã được hoàn thiện để rời cảng ở thành phố Chu Hải, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc từ đầu tháng 4.
Tân Hoa Xã đưa tin giàn khoan này sẽ được đưa tới bồn trũng Yinggehai trên Biển Đông vào ngày 10/4.
Được chế tạo bởi Công ty kỹ thuật dầu khí Chu Hải COOEC của Trung Quốc, giàn khoan Đông Phương 13-2 CEPB nặng 17.247 tấn, tương đương với trọng lượng của 10.000 xe ô tô và rộng bằng một sân bóng đá.
Đông Phương 13-2 CEPB là giàn khoan trung tâm trong nhóm giàn khoan tại giếng Đông Phương 13-2 và dự kiến đi vào hoạt động từ tháng 6 năm nay.
Giàn khoan Đông Phương 13-2 CEPB được cho là giúp cải thiện đáng kể năng lực sản xuất khí tự nhiên ở giếng Đông Phương 13-2, với sản lượng khí tự nhiên mỗi năm ước tính khoảng 2,6 tỷ mét khối, cung cấp đủ năng lượng sạch cho khu vực Quảng Đông - Hong Kong - Macau.
Thành Đạt
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn