“Đúng, thông tin (về vụ tấn công) đã được cung cấp từ trước… thông qua các kênh hiện hành”, Dmitry Peskov, người phát ngôn của Tổng thống Nga Vladimir Putin, đã nói với hãng thông tấn Itar-Tass. Nhưng ông Peskov từ chối đưa ra bình luận khi các phóng viên hỏi ông rằng: Tại sao Nga biết trước nhưng không vào cuộc để ngăn chặn vụ tấn công của Mỹ?
Theo Newsweek, sự im lặng của ông Peskov đã cho thấy một chi tiết quan trọng đó là Nga không những có thể mà còn đủ khả năng ngăn chặn cuộc tấn công mà theo như CNN mô tả là đã được báo trước cho Moscow một giờ đồng hồ.
Bắn hạ tên lửa Tomahawk
Các cơ sở quân sự của Nga ở Syria được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 với khả năng đẩy lùi các cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình cũng như các loại máy bay, bao gồm cả máy bay không người lái. S-400 có thể phát hiện đồng thời nhiều mục tiêu một lúc và căn cứ quân sự của Syria ở Homs cũng nằm trong phạm vi hoạt động 400 km của hệ thống phòng thủ tên lửa này. Hiện quân đội Syria chưa có trong tay công nghệ phòng thủ hiện đại này, do vậy khi cuộc tấn công xảy ra, chỉ Nga mới có đủ khả năng để “đối chọi” với dàn tên lửa Tomahawk của Mỹ.
Chuyên gia phân tích Alex Kocharov cho rằng S-400 hoàn toàn có khả năng đánh chặn các tên lửa của Mỹ phóng tới Syria nhưng quân đội Nga có lý do “chính trị” khi không làm vậy.
“Tôi nghĩ Nga đã chọn cách tránh đối đầu trực diện về quân sự với Mỹ, ngay cả khi cuộc đối đầu đó xảy ra trên lãnh thổ một nước thứ 3 như Syria, vì điều này có thể dẫn tới sự leo thang căng thẳng không thể kiểm soát được. Nga đã được Mỹ cảnh báo về vụ tấn công này từ trước, điều đó giải thích tại sao không có thương vong nào của Nga tại căn cứ không quân bị tấn công. Nga cũng đủ khả năng để đánh chặn Tomahawk nhưng họ đã chọn cách không làm gì cả”, chuyên gia Kocharov cho biết.
Hơn nữa, theo suy luận của một số chuyên gia, mục đích của việc Nga triển khai S-400 tại Syria là để bảo vệ các cơ sở của Nga tại đây, chứ không phải bảo vệ tất cả các cơ sở của đồng minh Syria. Đó là lý do tại sao họ không kích hoạt S-400 khi Mỹ phóng Tomahawk.
Giảm số lượng thương vong xuống mức tối thiểu
Theo người phát ngôn của Quân đội Syria Ali Mayhoub, 6 người Syria đã thiệt mạng sau cuộc tấn công bằng tên lửa của Mỹ nhằm vào căn cứ Shayrat ở tỉnh Homs. Nếu so sánh với quy mô của cuộc tấn công do Mỹ tiến hành với 59 tên lửa hành trình Tomahawk được phóng đi thì có thể thấy thiệt hại không lớn. Theo Sim Tack, chuyên gia phân tích cấp cao của hãng tình báo tư nhân Stratfor, điều này cho thấy cả Nga và Syria đã có thời gian chuẩn bị để kịp thời đưa những người sống ở khu vực sắp bị tấn công tới nơi an toàn nhằm giảm thiểu xuống mức thấp nhất thương vong về người.
Mặc dù lực lượng quân đội Nga chủ yếu tập trung ở khu vực bờ biển phía tây của Syria, xung quanh căn cứ không quân Khmeymim và cảng Tartus, nhưng nhìn chung các quân nhân Nga vẫn gia nhập vào hàng ngũ quân đội Syria ở nhiều khu vực với tư cách là lực lượng huấn luyện cho quân đội Syria trong nhiều năm, từ trước khi Nga chính thức tham gia vào cuộc chiến chống khủng bố ở Syria năm 2015.
Theo đó, một cuộc tấn công bằng tên lửa, có thể coi là quy mô lớn, nhằm vào một căn cứ quân sự của Syria rất có thể sẽ gây tổn hại về người cho lực lượng quân nhân Nga đóng tại đây. Tuy nhiên, trên thực tế không có người Nga nào bị thương trong cuộc tấn công này. Khi hàng chục quả tên lửa của Mỹ liên tiếp giáng xuống một khu vực được cho là đông người như vậy mà không gây thương vong lớn thì có thể thấy, cả Nga và Syria đã nhanh chóng nghĩ đến việc sơ tán khu vực này từ trước khi vụ tấn công xảy ra.
“Mỹ đã cảnh báo Nga để đảm bảo rằng các trang thiết bị và nhân lực của Nga không bị ảnh hưởng sau cuộc tấn công này. Và có thể, Nga cũng sẽ thông báo cho Syria. Tôi nghĩ có khả năng Nga cũng cảnh báo luôn cho Syria”, chuyên gia Tack nhận định.
Giới chuyên gia cho rằng vụ tấn công của Mỹ cũng đặt Nga vào một tình huống khó xử. Theo đó, Nga dường như cũng bất ngờ trước sự quyết đoán của Mỹ với Syria. Đây cũng không phải là điều mà Moscow mong đợi, nhất là khi cuộc tấn công này gắn liền với hình ảnh của Tổng thống Mỹ Donald Trump - người từng tuyên bố muốn hợp tác với Nga trong cuộc chiến chống khủng bố ở Syria hồi năm ngoái.
Tác giả: Thành Đạt
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn