George Floyd không phải là người Mỹ gốc Phi đầu tiên chết trong khi bị cảnh sát bắt giữ và làm bùng phát các cuộc biểu tình sau đó. Từng có những cuộc tuần hành và kêu gọi thay đổi sau khi nhiều người da màu khác chết do cảnh sát.
Nhưng lần này dường như hoàn toàn khác, phản ứng của dư luận dữ dội và trên quy mô lớn. Các cuộc biểu tình đã nổ ra trên khắp nước Mỹ - tại toàn bộ 50 bang và thủ đô, trong đó có một số thành phố và cộng đồng vùng sâu vùng xa chủ yếu là người da trắng.
Các chính quyền địa phương, các đội thể thao và các công ty dường như sẵn sàng hành động lần này, mà đáng chú ý nhất là hội đồng thành phố Minneapolis, nơi Floyd tử vong, đã cam kết giải thể sở cảnh sát.
Các cuộc biểu tình ủng hộ người da màu lần này cũng thu hút thành phần tham dự đa dạng hơn, khi rất đông người da trắng và từ các cộng đồng thiểu số khác xuống đường cùng các nhà hoạt động da màu.
Theo BBC, có nhiều yếu tố khác nhau đã kết hợp lại để tạo ra "cơn bão" biểu tình lần này.
Cái chết của Floyd quá khủng khiếp
Viên cảnh sát Derek Chauvin đã ghì gối lên cổ Floyd trong suốt gần 9 phút không rời, dù anh này liên tục van xin rằng “tôi không thở được” và cuối cùng là bất tỉnh. Vụ việc rõ ràng đã được ghi lại qua các video.
Trong nhiều trường hợp cảnh sát sử dụng bạo lực trước đó, có thể xảy ra tình huống không rõ ràng hoặc cảnh sát có thể giải thích rằng họ buộc phải hành động vì mạng sống bị đe dọa. Nhưng trong trường hợp này, rõ ràng là có một hành động không công bằng khi mọi người có thể nhìn thấy Floyd không có vũ khí và bị khống chế.
Nhiều người tham gia các cuộc biểu tình gần đây là những người lần đầu tiên xuống đường, và họ nói rằng cái chết của Floyd khiến họ cảm thấy rằng đơn giản là họ không thể ngồi nhà được nữa. Cái chết của Floyd đã gây ra sự giận dữ và lời kêu gọi vì sự thay đổi trở nên cấp bách hơn ngay lúc này.
Đại dịch Covid-19 và tỷ lệ thất nghiệp lên rất cao
Cái chết của Floyd diễn ra giữa lúc đại dịch Covid-19 hoành hành, vốn khiến người Mỹ buộc phải ở nhà và gây ra tỷ lệ thất nghiệp cao chưa từng có kể từ những năm 1930.
Khi cả đất nước bị phong tỏa và nhiều người phải ngồi nhà để xem tivi, mọi người sẽ chú ý hơn tới vụ việc và không bị sao nhãng sang các câu chuyện khác. Tỷ lệ thất nghiệp cao đồng nghĩa với việc nhiều người có thể xuống đường biểu tình mà không lo bị ảnh hưởng bởi công việc.
“Giọt nước tràn ly”
Cái chết của Floyd diễn ra sau 2 cái chết gây tranh cãi khác của Ahmaud Arbery và Breonna Taylor.
Arbery, 25 tuổi, bị bắn chết vào ngày 23/2 trong khi đang đi bộ ở Georgia sau khi người dân nói anh này giống một nghi phạm ăn trộm. Còn Taylor, 26 tuổi, là một nhân viên y tế, bị bắn 8 lần khi cảnh sát kiểm tra căn hộ của cô tại Kentucky.
Tên của hai thanh niên trên cũng đã xuất hiện trong các cuộc biểu tình ủng hộ người da màu, và người biểu tình được khuyến khích hô lớn tên của Taylor.
Cái chết của Floyd được miêu tả là “giọt nước tràn ly đối với nhiều cộng đồng”. Năm nay cũng là năm bầu cử, vì vậy các chính trị gia có thể chú ý và phản hồi nhiều hơn đối với các tiếng nói của cộng đồng.
Sự tham gia đa dạng
Mặc dù chưa có số liệu về chủng tộc của những người tham gia biểu tình, nhưng nhiều cuộc biểu tình dường như có phần lớn những người ủng hộ không phải là người Mỹ gốc Phi. Ví dụ, tại Washington D.C, hàng chục nghìn người đã xuống đường hồi cuối tuần qua và khoảng một nửa trong số đó không phải người da màu. Nhiều người mang các khẩu hiệu nói rõ mong muốn của họ là trở thành đồng minh của phong trào ủng hộ quyền lợi của người da màu.
Một cuộc thăm dò của ABC cho thấy 74% người Mỹ nhận thấy rằng cái chết của Floyd là một phần của một vấn đề lớn hơn về sự đối xử của cảnh sát với người Mỹ gốc Phi. Tỷ lệ này gia tăng đáng kể so với một cuộc thăm dò tương tự năm 2014 sau cái chết của 2 người da màu Michael Brown và Eric Garner, khi 43% người Mỹ cảm thấy các vụ việc này phản ánh một vấn đề lớn hơn.
Hành động của cảnh sát có ảnh hưởng gì?
Phần lớn các cuộc biểu tình khắp nước Mỹ diễn ra trong hòa bình và trong một số trường hợp, cảnh sát đã bày tỏ sự ủng hộ với người biểu tình. Tuy nhiên, cũng xảy ra một số vụ xô xát và đối đầu giữa hai bên.
Hồi tuần trước, cảnh sát đã dùng hơi cay và đạn cao su giải tán những người biểu tình hòa bình tại một quảng trường gần Nhà Trắng để mở đường cho Tổng thống Donald Trump tới thăm một nhà thờ gần đó. Hàng chục phóng viên đưa tin về các cuộc biểu tình cũng được cho là bị lực lượng an ninh tấn công.
Một số người đã xuống đường sau khi họ cảm thấy cảnh sát đã sử dụng vũ lực thái quá. Một cuộc thăm dò do CNN thực hiện cho thấy 84% số người được hỏi cảm thấy các cuộc biểu tình hòa bình để phản đối việc sử dụng vũ lực thái quá của cảnh sát chống lại người gốc Phi là công bằng, trong khi 27% nói các cuộc biểu tình bạo lực cũng công bằng.
Biểu tình sẽ đi đến đâu?
Nhiều người biểu tình kêu gọi các thay đổi cụ thể, như bắt buộc cảnh sát phải mang camera giám sát cơ thể, cắt giảm ngân sách cảnh sát hoặc khuyến khích mọi người đi bỏ phiếu.
Hiện còn quá sớm để biết rằng các cuộc biểu tình hiện thời có thể dẫn tới các thay đổi mạnh mẽ hay không. Tuy nhiên, nhiều người biểu tình tại Washington D.C hồi cuối tuần qua nói họ cảm thấy họ đang ở giữa một thời khắc lịch sử và hi vọng có thể nhìn thấy những thay đổi thực sự trong tương lai gần.
An Bình
Theo BBC
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn