Vào tháng 5, Li Wenxing, một thanh niên vừa tốt nghiệp đại học từ một làng quê Trung Quốc, hồ hởi bắt đầu cuộc sống mới. Một công ty về phần mềm ở Thiên Tân đã mời Li làm việc.
Nhưng sự thật là đó là một công ty lừa đảo và Li đã bị cuốn vào mạng lưới lừa đảo đa cấp chính hiệu. Hai tháng sau, cảnh sát phát hiện Li Wenxing đã chết. Bi kịch của Li đã trở thành đề tài nóng hổi gây nhiều phẫn nộ trong dư luận và mối quan ngại về hình thức lừa đảo đã tác động tiêu cực đến xã hội Trung Quốc.
Vấn nạn lừa đảo đa cấp
Mô hình lừa đảo đa cấp thường phát triển tại các vùng có dân trí thấp. Những kẻ lừa đảo thường nhằm vào những đối tượng dễ tổn thương trong xã hội bao gồm những người trẻ tuổi và những người già. Các nạn nhân thường được tiêm nhiễm vào đầu những lời hứa hấp dẫn về công việc và thu nhập cao khi họ đồng ý tham gia vào đường dây buôn bán các sản phẩm như mỹ phẩm hoặc thực phẩm chức năng.
Một khi đã tham gia vào đường dây, các nạn nhân lại được hứa rằng họ sẽ kiếm được rất nhiều tiền nếu như tiếp tục lôi kéo những người khác tham gia vào chương trình. Bà Violet Ho, một nhà nghiên cứu tài chính cho biết: “Những kẻ lừa đảo thường dụ dỗ những nạn nhân bằng lời hứa về việc họ có thể kiếm được nhiều tiền mà không chịu bất cứ rủi ro nào cả”.
Các mô hình lừa đảo đa cấp thường hoạt động theo hình thức lấy của người vào sau để trả tiền cho người vào trước, thường là cấp trên của các nạn nhân trong đường dây. Chỉ vì thiếu kiến thức cơ bản về tài chính mà nhiều người đã bán nhà cửa, tài sản để có tiền tham gia những thương vụ đầu tư không có rủi ro như đã được hứa hẹn.
Ông Victor Shih, phó giáo sư kinh tế chính trị và chuyên gia về Trung Quốc thuộc Đại học California, Mỹ cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn tới sự nở rộ của vấn nạn này.
Đầu tiên đó là nguyên nhân đến từ cuộc sống hàng ngày khi chi phí sinh hoạt ngày càng tăng cao hối thúc những người dân phải tìm kiếm phương án đầu tư mang lại nhiều lợi nhuận cho họ hơn. Thêm vào đó, những kẻ lừa đảo đã dụ dỗ được chính quyền địa phương "bật đèn xanh" cho hình thức hoạt động lừa đảo.
Theo giáo sư Ning Zhu, phó chủ nhiệm của Viện nghiên cứu tài chính quốc gia thuộc Đại học Thanh Hoa, các quan chức địa phương trước đây nóng lòng muốn “đốt cháy giai đoạn” tăng trưởng kinh tế nên đã phê duyệt những dự án đầu tư đa cấp lừa đảo mà không hiểu rõ bản chất của chúng.
Nỗ lực từ chính phủ
Chính phủ Trung Quốc đã nhận thức về mối hiểm họa của vấn nạn này. Giới chức nước này cho biết số lượng những tổ chức lừa đảo đa cấp quy mô lớn có dấu hiệu tăng lên và chúng đang sử dụng nhiều kênh tiếp cận đa dạng nhằm âm mưu lừa tiền của người dân.
Trung Quốc đang thực hiện chiến dịch 3 tháng nhằm càn quét vấn nạn lừa đảo đa cấp. Vào tháng trước đã có hơn 100 vụ lừa đảo bị bắt giữ tại khu vực miền nam Trung Quốc với số tiền lừa đảo vào khoảng hơn 54 triệu USD. Vào năm ngoái, Trung Quốc đã triệt phá đường dây lừa đảo trực tuyến với tổng số tiền hơn 7 tỷ USD và lôi kéo tới 900.000 người nhẹ dạ cả tin tham gia.
So với năm 2016, số vụ án lừa đảo đa cấp năm nay đã tăng 19% và những kẻ lừa đảo ngày càng dùng nhiều chiêu trò tinh vi hơn.
Một ngày trước cái chết của Li, anh đã trăng trối: “Bất kể ai gọi điện hỏi tiền, đừng đưa cho họ”. Theo Reuters, từ khi chuyển tới Thiên Tân, gia đình và bạn bè anh rất khó để liên lạc với Li. Anh trở nên xa cách và luôn hỏi vay tiền mọi người xung quanh.
Li được tìm thấy trong tình trạng tử vong vì chết đuối tại một hồ nước ở Thiên Tân. Cảnh sát nói thanh niên này có liên quan tới đường dây đa cấp và công cuộc điều tra vẫn tiếp tục.
Bà Violet Ho cho rằng trường hợp của Li không phải là hiếm. Ngoài ra, bà còn cảnh báo về những biến tướng của mô hình lừa đảo đa cấp. Những kẻ chủ mưu thường dở thủ đoạn giam giữ trái phép và gây sức ép tống tiền các nạn nhân và chính điều này đã đẩy vấn đề lên mức độ nghiêm trọng hơn.
Tác giả: Đức Hoàng
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn