Theo giới phân tích, sự lo ngại về các hành động ngày càng hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông và sự vắng mặt bất thường của các quan chức cấp cao Mỹ tại các sự kiện ngoại giao gần đây của khu vực Đông Nam Á sẽ là hai trong số những chủ đề chính “phủ bóng” Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM) Mở rộng tại Bangkok, Thái Lan vào cuối tuần này. Trong khi đó, nước chủ nhà vẫn hy vọng các nước tham gia sẽ tránh đề cập tới những vấn đề gây tranh cãi.
Hội nghị ADMM Mở rộng sẽ có sự tham gia của bộ trưởng quốc phòng 10 nước thành viên ASEAN và 8 đối tác toàn cầu, bao gồm Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa. Ngoài Đối thoại Shangri-La, ADMM Mở rộng là diễn đàn duy nhất để các bộ trưởng quốc phòng ASEAN cùng một lúc gặp gỡ người đồng cấp của các nước lớn, bao gồm Mỹ và Trung Quốc.
“Mặc dù Thái Lan đã chọn “An ninh bền vững” là chủ đề của chủ tịch ADMM năm nay, song vấn đề Biển Đông chắc chắn sẽ “thống trị” hoặc ít nhất trở thành vấn đề thu hút sự chú ý hàng đầu của hội nghị ADMM mở rộng lần thứ 6”, Shahriman Lockman, nhà phân tích cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Malaysia, cho biết.
Chuyên gia Derek Grossman tại viện nghiên cứu RAND Corporation có trụ sở tại Mỹ dự đoán, khi tham dự ADMM Mở rộng năm nay, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ một lần nữa sẽ khẳng định mục tiêu chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Washington trong việc “duy trì các vùng biển chiến lược “mở”, đặc biệt là Biển Đông, trước sự cưỡng ép của Trung Quốc”.
“Thông điệp của ông ấy (Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ) nhìn chung sẽ được Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN hoan nghênh, mặc dù họ có thể sẽ lo lắng rằng mối quan hệ thăng trầm Mỹ - Trung rốt cuộc sẽ buộc họ phải lựa chọn giữa hai cường quốc này, và đôi khi họ không muốn làm điều đó”, ông Grossman nhận định.
Cuối tuần này, Bộ trưởng Esper sẽ có cuộc gặp đầu tiên với những người đồng cấp ASEAN kể từ khi ông nhậm chức Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ hồi tháng 7. Ông chủ Lầu Năm Góc cần thuyết phục các nhà lãnh đạo ASEAN rằng, chiến lược của ông đối với khu vực châu Á không phải là “hổ giấy”.
Ngoài ra, ASEAN cũng quan ngại về quyết định của chính quyền Tổng thống Donald Trump khi cử đoàn đại biểu cấp thấp nhất từ trước đến nay, do Cố vấn An ninh Quốc gia Robert O’Brien và Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross dẫn đầu, tới dự hội nghị thượng đỉnh Đông Á hồi đầu tháng. Vào thời điểm đó, Washington đưa ra lý do là cả Tổng thống Donald Trump, Phó Tổng thống Mike Pence và Ngoại trưởng Mike Pompeo đều không thể tham dự vì các quan chức cấp cao này còn bận tập trung vào các cuộc bầu cử thống đốc tại Mỹ.
Nhà phân tích Indonesia A. Ibrahim Almuttaqi cho biết, các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN có thể sẽ kỳ vọng nhận được “sự trấn an” từ Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper về cam kết của Washington đối với ASEAN và khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
“Giới chức Mỹ sẽ cố gắng giảm bớt sự nghiêm trọng của việc vắng mặt (tại hội nghị cấp cao của ASEAN) bằng cách đặt trọng tâm vào mối quan hệ ngày càng mở rộng giữa ASEAN và Mỹ, bao gồm lĩnh vực quốc phòng, trong khi mối quan hệ này vẫn đang mạnh mẽ. Sự hiện diện của Bộ trưởng Esper sẽ là cơ hội quan trọng để khẳng định thông điệp đó”, nhà phân tích Almuttaqi, người đứng đầu Chương trình Nghiên cứu ASEAN tại Trung tâm Habibie ở Jakarta, nhận định.
Hội nghị ADMM Mở rộng cũng có sự tham gia của các nhóm chuyên gia tập trung vào các lĩnh vực khác nhau như chống khủng bố, hoạt động gìn giữ an ninh hàng hải, nhân đạo và cứu trợ thảm họa.
Thành Đạt
Theo SCMP
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn