Tướng Dietrich von Choltitz đầu hàng quân Pháp
Dietrich von Choltitz, tướng Đức giữ vai trò thống đốc Paris, trở nên nổi tiếng vì đã bảo vệ thủ đô Paris khi từ chối thực hiện các mệnh lệnh phá hủy hoàn toàn thành phố do trùm phát xít Adolf Hitler trực tiếp ban ra, theo War History.
Vào tháng 8/1944, Hitler không còn nhiều vùng đất chiếm đóng. Từ Tripoli đến Rome và Kiev, các thành phố phát xít Đức kiểm soát lần lượt được quân Đồng minh giải phóng. Khi Hồng quân Liên Xô ào ạt tiến vào Warsaw, lính Đức đã phá hủy hoàn toàn thành phố trước khi rút đi.
Hitler rất nổi tiếng với chiến thuật "tiêu thổ". Mỗi khi phát xít Đức không giữ được một thành phố nào đó, họ sẽ biến nó thành bình địa để đối phương không thể chiếm đóng được. Tướng Dietrich von Choltitz cũng khét tiếng với việc phá hủy các thành phố đối phương, đến mức được gán biệt danh "kẻ phá hủy các thành phố". Khi quân Đức rút khỏi Nga sau thất bại nặng nề, von Choltitz đã ra lệnh cho binh lính phá hủy mọi thứ để ngăn cản Hồng quân Liên Xô sử dụng.
Khi von Choltitz dẫn đầu lực lượng xâm lược Đức tiến vào Hà Lan năm 1940, ông ta đã ra lệnh cho các oanh tạc cơ dội bom hủy diệt các thành phố trước khi người dân có cơ hội đầu hàng.
Một năm sau khi chuyển sang Tập đoàn quân Trung tâm, von Choltitz triệt để tuân thủ chính sách tiêu thổ để đảm bảo Hồng quân Liên Xô không thể sử dụng gì ngoài đống đổ nát sau khi quân Đức rút lui. Bởi vậy, khi ra lệnh phá hủy Paris, Hitler tin rằng không ai thích hợp hơn von Choltitz.
Quân kháng chiến Pháp tiến vào giải phóng Paris. Ảnh: Wikipedia. |
Hitler bổ nhiệm von Choltitz làm thống đốc Paris với mục đích duy nhất là giám sát quá trình phá hủy thành phố. Sau khi von Choltitz đến Paris ngày 9/8/1944, Hitler đã nhắc lại mệnh lệnh trước đó rằng "không được để thành phố này rơi vào tay kẻ thù nếu chưa biến nó thành bình địa".
Ngay sau đó, Đại đội công binh 813 của Đức bắt đầu cài chất nổ ở các vị trí chiến lược. Nhà máy điện và nước được ưu tiên cao nhất, nhưng vị trí gài mìn đầu tiên là những cây cầu có tuổi thọ hàng thế kỷ bắc qua sông Seine để cản đà tiến công của quân Đồng minh.
Ngày 16/8, Hitler ra lệnh cho mật vụ Gestapo và quan chức dân sự Đức sơ tán khỏi thành phố. Mọi thứ được làm rất khẩn trương, nhưng chỉ huy chiến dịch Oberst Alfred Jodl thông báo công tác chuẩn bị vẫn chưa hoàn thành, do tướng von Choltitz ngăn không cho kích nổ bất kỳ khối bộc phá nào.
Lúc này, công binh Đức đang gài mìn ở cung điện Luxembourg, trụ sở Quốc hội, Bộ Ngoại giao Pháp, nhà ga xe lửa, nhà chứa máy bay và mọi nhà máy lớn trong khu vực. Ngày 17/8, von Choltitz tiếp tục nhận được lệnh phải hành động sớm từ Hitler.
Rạng sáng ngày 21/8, tướng Jacques Philippe Leclerc, chỉ huy Sư đoàn thiết giáp số 2 của quân kháng chiến Pháp, đã tự quyết định tiến về Paris sau nhiều lần xin chỉ thị bất thành từ Mỹ và chỉ huy kháng chiến Charles de Gaulle.
Trong thành phố, giữa lúc giao tranh với quân kháng chiến, lính Đức vẫn tiếp tục gài mìn vào các hầm rượu ở điện Invalides. Nếu kích hoạt, các khối thuốc nổ này có thể phá hủy bảo tàng quân đội Pháp, phòng triển lãm quân đội, nhiều tòa nhà 400 năm tuổi và hầm mộ hoàng đế Napoleon Bonaparte. Sáng ngày 23/8, 4 lính công binh SS nghiên cứu cách gài thuốc nổ phá hủy tháp Eiffel.
Tướng von Choltitz đã mạo hiểm mạng sống của bản thân và gia đình khi nói dối tướng Hans Speidel, tổng tham mưu trưởng Quân đoàn B, rằng việc phá hủy thành phố đã bắt đầu được thực hiện. Trong khi đó, lính phòng thủ Đức thiết lập tuyến phòng thủ ở phía tây thành phố nhưng đã quá muộn bởi Sư đoàn thiết giáp số 2 Pháp và Sư đoàn bộ binh số 4 của Mỹ bắt đầu tấn công.
Quân đội Đức nhận mệnh lệnh trực tiếp từ Hitler để thực hiện hủy diệt Paris. Nhưng viên tướng phụ trách chiến dịch đã bị von Choltitz thuyết phục hủy bỏ kế hoạch, vì một chiến dịch như vậy có thể khiến nhiều lính Đức và người dân Paris thiệt mạng.
Quân Đức bắt đầu tiêu hủy tài liệu chứa các bằng chứng phạm tội và hành quyết 4.500 tù binh Pháp trong nhà tù Mont Valerien. Lính công binh Đức tiếp tục gài mìn trong thành phố, nhưng quân kháng chiến Pháp dưới sự yểm trợ của pháo binh đã bắt đầu ngăn chặn hoạt động này. Một nhóm 6 xe tải Đức chất đầy thuốc nổ hướng về trụ sở Quốc hội Pháp đã bị người dân Paris chặn đứng.
Ngày 24/8, Sư đoàn thiết giáp số 2 Pháp loại bỏ cứ điểm lớn cuối cùng của Đức ở ngoại thành, mở đường tới Paris. Ngay ngày hôm sau, 20.000 quân Đức ra đầu hàng. Đến trưa hôm đó, quốc kỳ Pháp tung bay trên đỉnh tháp Eiffel. Sau hai tuần giao tranh mà không nhận được chi viện, von Choltitz quyết định đầu hàng.
Trong ngày quân Đức đầu hàng, một số nguồn tin cho rằng Hitler đã gọi cho von Choltitz với giọng giận dữ, gặng hỏi lý do chưa phá hủy Paris. Nhờ nỗ lực giữ thủ đô Paris nguyên vẹn, von Choltitz được ca ngợi như là vị cứu tinh của thành phố.
Tướng von Choltitz (giữa) ký biên bản đầu hàng quân Pháp. Ảnh: Express.co.uk. |
Sau đó ông bị giam ở Trent Park, nhà tù dành cho sĩ quan cao cấp Đức tại London, Anh, trước khi chuyển đến trại Clinton, bang Mississippi, Mỹ cho đến khi được thả năm 1947. Dietrick von Choltitz qua đời năm 1966 trong một bệnh viện ở thành phố Baden, Đức. Tang lễ có sự tham gia của các sĩ quan quân đội Pháp vì những gì von Choltitz đã làm để bảo vệ thành phố của họ.
Hành động đầu hàng quân kháng chiến Pháp và không phá hủy thủ đô Paris của von Choltitz xuất phát từ tình yêu sâu đậm của ông với vẻ đẹp kiến trúc, lịch sử và văn hóa của thành phố. Chính tình yêu này đã khiến ông không nỡ biến thành phố xinh đẹp như vậy thành bình địa, sử gia Sidney Mucheru nhận định.
Duy Sơn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn