Các tù nhân nằm chen chúc bên trong Nhà tù Thành phố Manila. (Ảnh: New York Times)
Đối với một số tù nhân tại Nhà tù Thành phố Manila, "dọn giường" đi ngủ có nghĩa là lau những vũng nước đặc bùn, trải một tấm bìa cứng đặt trên nền nhà, nằm trong một phòng tắm nhỏ không có cửa sổ, chen chúc cùng 6 người đàn ông khác và bên cạnh một toilet.
Tại Khu số 5 của nhà tù này, không khí đặc quánh với mùi mồ hôi tỏa ra từ cơ thể của 518 tù nhân sống chen chúc trong một khu vực vốn được thiết kế chỉ dành cho 170 người. Các tù nhân nằm xếp lớp cạnh nhau, tay của người này chạm vào bụng hoặc đầu gối của người kia, hoặc chân của một người có thể đạp vào đầu của người khác. Không gian chật hẹp tới mức họ không thể trở mình hay quay người lại trong một căn phòng với hơi nóng ngột ngạt.
Kể từ khi Tổng thống Rodrigo Duterte phát động chiến dịch chống ma túy từ năm 2016, các nhà tù tại Philippines ngày càng trở nên quá tải, đưa hệ thống nhà tù của nước này đứng đầu trong danh sách các nhà tù đông nhất thế giới.
Tại Nhà tù Thành phố Manila, giấc ngủ được xem là "món hàng" quý giá nhất.
Các tù nhân xếp hàng lấy đồ ăn. Các băng nhóm có trách nhiệm đảm bảo phân bổ đồ ăn cho tù nhân trong nhóm. (Ảnh: New York Times)
Nếu một tù nhân có tiền, anh ta có thể mua chỗ ngủ bên trong "kubol". Đây là một căn phòng nhỏ được cải tiến, có từ hai người trở lên nằm chung và được tách biệt với đám đông tù nhân bên ngoài bằng gỗ dán và một tấm rèm.
Còn nếu không có tiền, các tù nhân phải chấp nhận ngủ trên sàn nhà, hoặc trong phòng tắm hay ở cầu thang. Nếu một người chẳng may ngã xuống một trong số các bậc cầu thang này, anh ta sẽ kéo theo tất cả những người nằm bên dưới.
Rất ít tù nhân trong nhà tù Philippines bị kết án, phần lớn họ là những trường hợp bị tạm giam. Nhưng ngay cả khi chỉ là tạm giam, cũng có nhiều người phải ngồi tù tới vài tháng, thậm chí vài năm, vì hệ thống tòa án của Philippines đang bị quá tải sau cuộc chiến chống ma túy.
Do tình trạng quá tải kéo dài và số người bị giam giữ đông hơn rất nhiều so với số quản giáo, các quan chức quản lý nhà tù và các băng nhóm trong tù đã bắt tay với nhau để quản lý tù nhân và điều này đã trở thành luật ngầm ở Philippines.
Theo quy định, hoạt động của các băng nhóm trong tù là bất hợp pháp. Tuy nhiên, chính những băng nhóm này đã giúp giữ gìn trật tự, tránh không để các tù nhân rơi vào tình trạng hỗn loạn, thậm chí giúp phân bổ các nguồn lực hiếm hoi trong tù để đảm bảo các tù nhân dù đông đúc nhưng vẫn luôn có đồ ăn.
"Thị trưởng" trong tù
Các tù nhân tập nhảy Zumba tại sân thể dục. (Ảnh: New York Times)
Theo Raymund Narag, trợ lý giáo sư tại Đại học Nam Illinois (Mỹ) và nghiên cứu về nhà tù Philippines, hệ thống tư pháp của Philippines đang hoạt động thiếu hiệu quả. Narag từng bị tạm giam 6 năm tại một nhà tù ở Philippines trước khi được trả tự do vào năm 2002. Narag được đào tạo trở thành luật sư và khi vào tù, anh đã leo lên cấp bậc cao nhất của băng nhóm trong tù, trở thành "thị trưởng của các thị trưởng" chuyên quản lý các tù nhân.
Theo Narag, hệ thống tư pháp chậm chạp và thế giới phức tạp bên trong nhà tù Philippines có liên quan đến nhau.
"Khi anh ở quá lâu trong tù, anh cần phải hình thành một cơ chế thích ứng để tồn tại", Narag giải thích.
Các tù nhân xem ti vi bên trong nhà tù Philippines. (Ảnh: New York Times)
Narag so sánh giữa Mỹ và Philippines và nhận ra rằng, các nhà tù Philippines "mang tính cộng đồng nhiều hơn", do vậy nhà tù giống như một gia đình. Các băng nhóm trong tù chính là các gia đình và giới chức quản lý nhà tù cũng phải thừa nhận rằng, một thỏa thuận ngầm với các băng nhóm trong việc chia sẻ quyền hành quản lý tù nhân sẽ giúp nhà tù không bị mất kiểm soát.
Ở bên trong Nhà tù Thành phố Manila, tỷ lệ phạm nhân trên quản giáo là 528/1. Trong khi đó, chính phủ Philippines khuyến cáo tỷ lệ này chỉ nên là 1 quản giáo/7 tù nhân.
"Có sự cân bằng yên bình và trật tự ở đây. Đúng ra chúng tôi không được phép để các tù nhân giám sát các tù nhân khác. Nhưng chúng tôi buộc phải làm vậy vì thiếu nguồn lực", đại tá Jayrex Bustinera, người phát ngôn của Nhà tù Thành phố Manila, cho biết.
Tù nhân Buboy Mendiola, 37 tuổi, là người đứng đầu băng nhóm Sigue Sigue Sputnik, đồng thời chịu trách nhiệm giám sát "hoạt động kinh tế" không chính thức trong nhà tù. Tại đây, các khoản thu nhập sẽ được tập hợp lại để chi tiêu cho các nhu cầu trong nội bộ băng nhóm.
Các giới chức nhà tù bất ngờ kiểm tra nơi ở của các tù nhân. (Ảnh: New York Times)
Trong một đợt kiểm tra bất ngờ gần đây, các quản giáo đã phát hiện băng nhóm Sputnik đang nắm giữ 720.000 peso, tương đương 13.700 USD. Tháng trước, "ông trùm" Mendiola đã mua lợn và hàng trăm con gà để tổ chức tiệc Giáng sinh cho băng nhóm của mình.
Ngoài ra, Mendiola cũng chia sẻ rằng ông dành một khoản tiền chung cho các trường hợp cấp cứu y tế hoặc phục vụ cho các nhu cầu sinh hoạt cơ bản của băng nhóm như xà phòng hay kem đánh răng.
"Nhàn cư vi bất thiện", Mendiola nói.
Giờ giải lao của các tù nhân Philippines. (Ảnh: New York Times)
Mendiola lo ngại rằng nếu các tù nhân rảnh rỗi, họ có thể bắt đầu gây rối trong tù. Chuyện đánh nhau là khó tránh khỏi khi có quá đông tù nhân sống trong không gian chật hẹp, tuy nhiên theo Mendiola, mọi chuyện đều có thể kiểm soát ở mức độ nào đó.
Theo quy định của băng nhóm Sputnik, người nào đánh nhau sẽ bị phạt 5 roi, còn nếu để xảy ra đổ máu, con số này sẽ tăng lên 15 hoặc 20 roi. Tiếp cận khách thăm nom của một tù nhân khác có thể bị phạt 5 roi, thậm chí nháy mắt với khách có thể bị phạt 25 roi. Công cụ để "thi hành án" là một cây gậy gỗ, được sơn một mặt là dòng chữ "Sputnik số 1" và mặt còn lại là "chỉ huy Buboy Mendiola".
Các tù nhân được cắt tóc trong tù. (Ảnh: New York Times)
Sau 6 năm bị giam tại Nhà tù Thành phố Manila, luật sư của Mendiola cho biết ông sắp được ra tù trong vài tháng tới. Mendiola đang làm việc với "hội đồng" bí mật gồm các cấp phó của mình để tìm ra "chỉ huy" kế nhiệm ông sau khi ông ra tù.
"Đó phải là người sùng đạo, quan tâm tới mọi người, mong muốn làm những điều đúng đắn và sáng suốt trong kỷ luật cho phép của anh ta", Mendiola nói.
Tác giả: Thành Đạt
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn