Trung Quốc muốn gì từ hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều?

Thứ sáu - 08/06/2018 13:58
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều có thể mang lại những lợi ích chiến lược với Trung Quốc, song cũng có thể dẫn đến kịch bản “ác mộng” với Bắc Kinh.

Trung Quốc muốn gì từ hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều?

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (Ảnh: AFP)

Khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều chuẩn bị diễn ra, Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đóng vai trò trung tâm. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng đang kiểm soát một số diễn biến và thậm chí có thể tác động đến kết quả của hội nghị.

Cho tới gần đây, Bắc Kinh có chung mối lo ngại với Washington về năng lực hạt nhân ngày càng nâng cao của Bình Nhưỡng. Sau nghị quyết của Liên Hợp Quốc, Trung Quốc bắt đầu "kiềm chế" người láng giềng thân thiết bằng các lệnh trừng phạt cứng rắn nhất từ trước đến nay.

Tuy nhiên, đến tháng 3, khi Tổng thống Trump nhận lời mời hội nghị thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, Bắc Kinh thay đổi một cách nhanh chóng khiến Washington phải lo ngại.

Thay vì tăng cường gây sức ép với Triều Tiên, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã mời ông Kim Jong-un tới Bắc Kinh trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của nhà lãnh đạo Triều Tiên kể từ khi lên nắm quyền vào cuối năm 2011.

Hai nhà lãnh đạo Trung-Triều tiếp tục gặp nhau trong chuyến công du Trung Quốc lần hai tới Đại Liên của ông Kim Jong-un. Chuyến đi được cho là nhằm hàn gắn lại mối quan hệ ít nhiều rạn nứt giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng.

Tổng thống Trump cho biết, ông hoàn toàn bất ngờ về chuyến công du Trung Quốc lần hai của ông Kim Jong-un và cho rằng ông Tập có thể đã "tác động" lên ông Kim Jong-un để đưa ra những yêu cầu của mình.

Trong bối cảnh ấy, vai trò ngày càng lớn của Trung Quốc có thể quyết định tiến trình ngoại giao về giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Trung Quốc muốn gì?

CNBC dẫn nhận định của giới chuyên gia cho rằng, mục đích cuối cùng của Trung Quốc khi khẳng định vai trò trong hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều đó là Mỹ phải rút toàn bộ lực lượng khỏi bán đảo Triều Tiên.

"Bắc Kinh đang vận động để cái giá của hòa bình sẽ phải là quân đội Mỹ rút hoàn toàn khỏi Hàn Quốc", Hugo Brennan, một chuyên gia phân tích chính trị châu Á tại tổ chức tư vấn Verisk Maplecroft, nhận định.

Ngoài ra, triển vọng hạ nhiệt căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều cũng mang lại lợi ích chiến lược cho Trung Quốc.

"Trung Quốc hy vọng nếu đạt được thỏa thuận lớn, Trung Quốc muốn thấy quân đội Mỹ rút khỏi bán đảo Triều Tiên và sự tan rã của liên minh quân sự Mỹ-Hàn. Khi đó, bán đảo Triều Tiên sẽ lại trở về quỹ đạo ảnh hưởng của Trung Quốc", Yun Sun, giám đốc chương trình Trung Quốc tại Trung tâm nghiên cứu Stimson ở Washington, nhận định.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã khẳng định rõ tại Đối thoại Shangri-La diễn ra cuối tuần trước rằng, vấn đề hiện diện quân sự của Mỹ ở Hàn Quốc sẽ không được đưa ra bàn đàm phán Mỹ-Triều.

“Cơn ác mộng” với Trung Quốc

Hội nghị Mỹ-Triều có thể mang lại những lợi ích chiến lược cho Trung Quốc, song cũng có thể là "cơn ác mộng" với nước này.

"Bắc Kinh lo ngại bị gạt ra ngoài lề, trong khi đó lại muốn đảm bảo các lợi ích an ninh và địa chính trị của mình", chuyên gia Brennan bình luận.

Chuyên gia này cho rằng, triển vọng thống nhất liên Triều sau hội nghị thượng đỉnh có thể khiến lực lượng Mỹ tiến gần hơn đến cửa ngõ Trung Quốc, nơi giáp ranh giữa Trung Quốc và Triều Tiên. Đó sẽ là “cơn ác mộng” với Trung Quốc.

"Bắc Kinh sẽ dùng ảnh hưởng của mình với Triều Tiên để ngăn chặn bất cứ kịch bản nào có thể đe dọa đến lợi thế địa chính trị của Trung Quốc, chuyên gia Brennan nói.

Tác giả: Minh Phương

Nguồn tin: http://dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây