Theo Reuters, một số học sinh Trung Quốc trở lại trường sau lệnh phong tỏa đang phải đối mặt với mâu thuẫn trong gia đình, trong khi một số khác bị áp lực vì sự gián đoạn học hành thời gian dịch bệnh, làm ảnh hưởng tới kết quả và điểm số.
Sức khỏe tinh thần của học sinh đã trở thành chủ đề được chính phủ quan tâm sau khi các thống kê từ truyền thông cho thấy số lượng người trẻ tuổi tự tử có dấu hiệu gia tăng hậu đại dịch.
“Có những vụ việc gây đau lòng đã xảy ra khi các trường học mở lại. Điều này cho thấy tầm quan trọng và khẩn cấp của việc đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe tinh thần cho các học sinh”, Yan Wu, phó thị trưởng thành phố Chu Hải, phát biểu tại kỳ họp Quốc hội Trung Quốc tháng trước.
Tại kỳ họp, có ít nhất 4 đại biểu đưa ra đề xuất chính quyền cần để tâm nhiều hơn tới tâm lý của học sinh.
Một quận ở Thượng Hải tính tới tháng 5 đã ghi nhận 14 trường hợp học sinh tiểu học và trung học tự tử. Con số này cao hơn số ca tự tử hàng năm trong 3 năm qua tại địa phương này, theo phó thị trưởng Phố Đông Li Guohua.
“Đó mới là phần nổi của tảng băng”, ông Li nói.
Hồi cuối tuần qua, Thời báo Y tế - một tờ báo nhà nước, đưa tin rằng trong 3 tháng qua, đã có 18 vụ học sinh nhảy từ các tòa nhà cao tầng xuống tự tử và kêu gọi các bên chú ý với sức khỏe tinh thần của học sinh. Theo Reuters, bài viết sau đó đã bị gỡ.
Sau khi Trung Quốc gỡ bỏ các biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội, học sinh bắt đầu trở lại trường vào tháng 3. Một thống kê trực tuyến khảo sát 1,22 triệu học sinh tiểu học và trung học ở Quảng Đông cho thấy 10,5% số người tham gia khảo sát có nguy cơ đối mặt với các vấn đề về tâm lý.
Vào cuối tháng 4, Bộ Giáo dục Trung Quốc chỉ thị các trường chú ý tới sức khỏe tinh thần của học sinh và thay đổi kế hoạch giảng dạy để các em giảm bớt áp lực về học hành. Nhiều chính quyền địa phương cũng đã đưa ra các biện pháp, trong đó, tỉnh An Huy quyết định bỏ một số kỳ thi.
Một chuyên gia tư vấn ở một trường học ở Thượng Hải thừa nhận rằng khối lượng công việc của người này tăng vọt khi phải liên tục trao đổi với học sinh về kế hoạch học tập và cách giải quyết áp lực.
“Tôi hy vọng Covid-19 sẽ khiến các em hiểu được cách ứng phó với những thay đổi trong cuộc sống. Cuộc sống có đầy rẫy khó khăn”, chuyên gia trên nói.
Đức Hoàng
Theo Reuters
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn