Trò tuyên truyền kiểu gây sự

Chủ nhật - 02/10/2016 23:53
Trên tờ South China Morning Post của Hong Kong mới đây, nhà báo Peh Shing Huei miêu tả tờ Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc “đăng tải những nội dung khiếm nhã, thô thiển và thường dè sẻn sự thật”.
Đại sứ Singapore tại Trung Quốc Stanley Loh (phải) đã gửi thư đến tổng biên tập Thời báo Hoàn Cầu Hu Xijin (trái) để bác bỏ cách đưa tin không đúng sự thật - Ảnh: SIMON SONG - BNG Singapore
Đại sứ Singapore tại Trung Quốc Stanley Loh (phải) đã gửi thư đến tổng biên tập Thời báo Hoàn Cầu Hu Xijin (trái) để bác bỏ cách đưa tin không đúng sự thật - Ảnh: SIMON SONG - BNG Singapore

“Khi mà Singapore còn là quốc gia giữ vai trò điều phối đối thoại ASEAN - Trung Quốc cho đến giữa năm 2018, sẽ còn nhiều áp lực đến từ phía chính quyền Bắc Kinh, mà dẫn đầu có lẽ sẽ là tờ Thời báo Hoàn Cầu

Nhà báo PEH SHING HUEI (tác giả cuốn sách Cuộc chơi kết thúc: Trung Quốc loạng choạng sau kỳ Olympic Bắc Kinh)

Từng là trưởng văn phòng của báo The Straits Times tại Bắc Kinh, Peh Shing Huei cho biết Thời báo Hoàn Cầu có số phát hành lớn nhờ đăng tải những nội dung mang đậm màu sắc dân tộc chủ nghĩa, đôi lúc gần như là hiếu chiến.

“Đôi lúc ta tưởng như đang đọc tờ nhật báo được biên tập bởi những ông Donald Trump phiên bản Trung Quốc” - Peh Shing Huei dí dỏm so sánh.

Hôm 21-9, Thời báo Hoàn Cầu đăng tải một bài viết cho rằng Singapore đã nêu vấn đề tranh chấp ở Biển Đông tại Hội nghị Phong trào không liên kết lần thứ 17 (NAM 17) diễn ra trước đó ba ngày ở Venezuela.

Đồng thời cáo buộc Singapore muốn đưa phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế (có lợi cho Philippines) về Biển Đông vào tuyên bố cuối cùng của NAM 17.

Đại sứ Singapore tại Trung Quốc Stanley Loh sau đó đã gửi thư đến tổng biên tập Thời báo Hoàn Cầu bác bỏ các cáo buộc và khẳng định tất cả là “sai trái và vô căn cứ”, chưa kể tờ báo “không có phóng viên đưa tin tại Hội nghị cấp cao NAM 17”.

Chỉ vài giờ sau, ông Hồ Tích Tiến đã lên tiếng bảo vệ nội dung bài báo của bên mình.

Và khi đặt câu hỏi về lùm xùm giữa Thời báo Hoàn Cầu với Singapore tại một buổi họp báo thường kỳ, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc đổ lỗi cho một “quốc gia đơn lẻ” đã khăng khăng đưa các vấn đề Biển Đông vào văn kiện NAM.

Nhà báo Peh Shing Huei lý giải hai lý do chính khiến Bắc Kinh quyết định chọn Thời báo Hoàn Cầu làm công cụ tuyên truyền, đó là yếu tố trong nước và 
nước ngoài.

Đầu tiên và quan trọng hơn hết, đó chính là độ phổ biến của tờ báo cho phép Đảng Cộng sản Trung Quốc truyền tải thông điệp của mình đến số lượng độc giả Trung Quốc nhiều nhất có thể.

Trang chủ tiếng Trung Quốc chính thức của tờ báo này có 15 triệu lượt truy cập mỗi ngày, tức gần gấp 3 lần dân số Singapore.

Giọng điệu hung hăng của tờ báo còn được ưa chuộng bởi những người Trung Quốc trẻ tuổi theo chủ nghĩa dân tộc, các “tiểu phấn hồng”, xuất hiện ngày càng nhiều ở quốc gia này.

Tờ Thời báo Hoàn Cầu ủng hộ mạnh mẽ tham vọng “Giấc mơ Trung Quốc” phục hồi vị thế cường quốc hàng đầu thế giới của Trung Quốc. Theo nhà báo Peh Shing Huei, sự ủng hộ đó thường được biểu đạt bằng cách dè bỉu, mắng mỏ hay sỉ nhục các quốc gia khác trên mặt báo.

Nhưng cũng chính vì lẽ đó - đây là lý do thứ hai - truyền thông quốc tế rất chú ý đến tờ báo này dù nó thường hứng chịu nhiều đả kích ở nước ngoài.

Đối với chính quyền Bắc Kinh, việc chỉ trích các quốc gia khác sẽ chẳng nghĩa lý gì nếu những lời chỉ trích ấy không đến được tai đối tượng mà họ muốn nhắm tới.

Theo cách nghĩ đó, Thời báo Hoàn Cầu hướng chỉ trích của mình đến mọi quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó thường xuyên nhất là Mỹ, Nhật và Đài Loan.

Các quốc gia còn lại không vì thế mà miễn nhiễm trước những cơn thịnh nộ của chính quyền Bắc Kinh. Tháng trước, một bài xã luận của tờ báo này đã chỉ trích Úc vì đã ủng hộ phán quyết Biển Đông của Tòa trọng tài ở The Hague.

“Nếu Úc bước vào Biển Đông, nước này sẽ là mục tiêu lý tưởng để Trung Quốc cảnh báo và tấn công” - tờ báo này đe dọa.

Đối với Singapore, đây cũng không phải là lần đầu tiên quốc gia này hứng chịu cơn thịnh nộ của tờ Thời báo Hoàn Cầu.

Năm 2009, cố thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu yêu cầu Mỹ tăng cường hiện diện tại châu Á để “tạo thế cân bằng”.

Đáp lại, tờ báo Trung Quốc trích dẫn bình luận của cộng đồng mạng chỉ trích thậm tệ ông Lý là “một con thú chính trị không biết mang ơn Trung Quốc”.

Nhà báo Peh Shing Huei nhận xét rằng chính quyền Bắc Kinh, thông qua bản báo tiếng Anh, muốn nhắm đến mục đích gây ảnh hưởng, đe dọa và bắt nạt các quốc gia khác phải khuất phục mình.

Đó cũng là mục đích của những bài báo nhắm vào Singapore gần đây của tờ Thời báo Hoàn Cầu: đe dọa quốc gia Đông Nam Á này, ít nhất, cũng phải giữ im lặng về các vấn đề Biển Đông.

Nhân Dân Nhật Báo dọa Mỹ và Hàn Quốc

Trong một bài bình luận hôm 1-10, tờ Nhân Dân Nhật Báo của Trung Quốc khẳng định Bắc Kinh không thay đổi lập trường: đó là phản đối việc lắp đặt hệ thống lá chắn tên lửa THAAD, vì hành động này đe dọa nghiêm trọng đến tương quan an ninh chiến lược trong toàn khu vực.

Bài báo cho rằng Mỹ và Hàn Quốc nên tỉnh táo trước một thực tế là bán đảo Triều Tiên không phải là nơi để phiêu lưu. “Nếu Mỹ và Hàn Quốc gây tổn hại đến lợi ích an ninh chiến lược của các quốc gia trong khu vực, bao gồm cả Trung Quốc, họ buộc phải trả giá cho điều đó và xứng đáng bị trả đũa”.

Hồi tháng 7-2016, Washington và Seoul đã đồng ý triển khai hệ thống lá chắn tên lửa THAAD để đối phó với mối đe dọa từ 
Bình Nhưỡng.

TÚ ANH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây