"Giờ đây khi mọi thứ trở nên rõ ràng rằng Mỹ vẫn không thay đổi tham vọng ngăn chặn sự phát triển của Triều Tiên và kìm hãm hệ thống chính trị Triều Tiên, chúng tôi không còn lý do nào để tiếp tục đơn phương tuân thủ cam kết mà bên kia không tuân thủ", ông Ju Yong Chol, cố vấn phái bộ Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc, phát biểu ngày 21/1 tại Hội nghị Giải trừ Quân bị ở Geneva, Thụy Sĩ.
Quan chức này cáo buộc Mỹ đã áp lệnh trừng phạt "hà khắc nhất" với Triều Tiên. "Nếu Mỹ tiếp tục theo đuổi chính sách thù địch đó với Triều Tiên, sẽ không bao giờ có giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Nếu Mỹ cố thực thi các yêu sách đơn phương và tiếp tục các lệnh trừng phạt, Triều Tiên có thể phải buộc tìm kiếm một con đường mới", ông Ju nói.
Các chỉ huy quân đội Mỹ nói rằng "con đường mới" mà Bình Nhưỡng đề cập đến có thể bao gồm việc nối lại các vụ phóng thử tên lửa tầm xa và đầu đạn hạt nhân mà Bình Nhưỡng đã đóng băng từ năm 2017.
Giới chức Mỹ đã bày tỏ lo ngại về tuyên bố mới nhất của Triều Tiên và hy vọng Triều Tiên sẽ quay trở lại bàn đàm phán. “Điều mà chúng tôi hy vọng là họ (Triều Tiên) sẽ hành động đúng đắn, trở lại bàn đàm phán, tìm ra giải pháp để hiện thực hóa cam kết giải trừ hạt nhân mà Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim đã đưa ra”, Đại sứ Mỹ về giải trừ quân bị Robert Wood nói.
Cũng liên quan tới vấn đề Triều Tiên, trong bài phát biểu hồi cuối tuần trước tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (Mỹ), Phó Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ John Hyten cho rằng Triều Tiên đã dốc sức chương trình vũ khí, bất chấp các thất bại và khó khăn.
“Bằng một cách nào đó, trong vài năm trở lại đây, Triều Tiên đã phát triển chương trình tên lửa đạn đạo và chương trình vũ khí hạt nhân có thể gây ra mối đe dọa cho các nước láng giềng và Mỹ. Họ đã làm được điều đó. Họ đã thay đổi toàn bộ cấu trúc của thế giới với nền kinh tế xếp thứ 115 toàn cầu”, ông Hyten nhận định.
Theo Sputnik, chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân Triều Tiên tốn hàng chục năm nghiên cứu. Bình Nhưỡng nghiên cứu và phát triển chương trình hạt nhân vào năm 1962 và bắt đầu làm giàu uranium vào năm 1980. Mặc dù mất đi đồng minh chủ lực Liên Xô sau sự sụp đổ của khối năm 1991, và áp lực từ lệnh trừng phạt cũng như thảm họa tự nhiên, tới năm 2006, Triều Tiên đã thử nghiệm thiết bị hạt nhân đầu tiên. 10 năm sau đó, họ thử nghiệm thiết bị nhiệt hạch.
Các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Triều Tiên và Mỹ tiếp tục bế tắc bất chấp các hội nghị cấp cao giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un. Bình Nhưỡng năm ngoái ra hạn chót đến cuối năm Mỹ phải đưa ra các nhượng bộ đàm phán hoặc Triều Tiên sẽ đi theo một con đường khác.
Minh Phương - Đức Hoàng
Theo Reuters
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn