Các nước thành viên biểu quyết trừng phạt Triều Tiên tại một cuộc họp của Liên Hợp Quốc ngày 5/8 ở New York, Mỹ. (Ảnh: NBC)
Reuters đưa tin, khi căng thẳng khu vực bán đảo Triều Tiên leo thang, các “ông lớn” ở châu Âu như Pháp, Anh cố gắng xoa dịu căng thẳng phía Mỹ, trong khi các nước châu Âu có quan hệ ngoại giao với Triều Tiên cố gắng tác động trực tiếp tới Bình Nhưỡng.
Theo 3 quan chức ngoại giao, nhóm 7 nước EU bao gồm Cộng hòa Séc, Thụy Điển, Ba Lan, Rumani, Bulgaria cùng Anh, Pháp đã tổ chức ít nhất 2 cuộc gặp chính thức với quan chức Triều Tiên tại Bình Nhưỡng trong tháng 9 vừa qua.
Tuy nhiên, các nước cảm thấy "bối rối" khi Triều Tiên chỉ cử các quan chức ngoại giao cấp trung tới tiếp đón, trong khi năm ngoái họ cử những quan chức cấp cao hơn.
“Chúng tôi cho rằng chuyện này sẽ không đi về đâu vì họ chỉ cử trưởng bộ phận thuộc bộ đến dự. Họ có vẻ như chỉ muốn nói chuyện với Mỹ”, một nhà ngoại giao người Bỉ chia sẻ. Ông này mô tả không khí cuộc họp giữa các bên rất nghiêm túc.
Trong một diễn biến khác, Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây đã nói với Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson rằng không nên tốn thời gian đàm phán với Triều Tiên. Bản thân Mỹ cũng không có cơ sở ngoại giao tại Bình Nhưỡng và họ phải phụ thuộc vào Thụy Điển để thực hiện các công việc như lãnh sự quán Mỹ ở Triều Tiên.
Việc ngày càng ít các nước châu Âu có sứ quán tại Bình Nhưỡng phần nào phản ánh sự giận dữ của Triều Tiên khi những quốc gia châu Âu đồng ý mở rộng lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhằm chống lại chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
“Bình Nhưỡng nghĩ rằng châu Âu đang trở thành con rối trong tay Mỹ nhưng chúng tôi luôn thể hiện rằng mình là những trung gian hòa giải chân thành”, một quan chức ngoại giao châu Âu cho biết.
Hiện tại, chỉ có 24 quốc gia đặt cơ sở ngoại giao tại Bình Nhưỡng. Phải nói thêm rằng, vai trò hòa giải của các nước châu Âu như Cộng hòa Séc hay Thụy Điển đã bắt đầu có từ lâu. Từ năm 1953, hai nước này cũng đã tham gia với tư cách quan sát viên trung lập trong hiệp ước ngừng bắn giữa 2 miền Triều Tiên.
Thụy Điển cũng là quốc gia có tác động tới Bình Nhưỡng trong 2 vụ thả tù nhân gần đây nhất là 2 trường hợp mục sư Canada Hyeon Soo Lim và sinh viên Mỹ Otto Warmbier. Tuy nhiên, Thụy Điển cũng lại là nước ủng hộ Liên hợp quốc áp dụng lệnh trừng phạt với Triều Tiên.
Tuy giờ đây vai trò trung gian hòa giải giữa Bình Nhưỡng và Washington của các quốc gia châu Âu có vẻ mờ nhạt đi ít nhiều nhưng họ vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc truyền tải thông điệp giữa 2 bên. Và họ đang cố gắng hết sức làm nguội đi những “cái đầu nóng” và tránh gây mọi sự hiểu lầm dù là nhỏ nhất vì họ ý thức được sự nguy hiểm của việc này.
Tác giả: Đức Hoàng
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn