Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un gặp nhau tại Singapore hồi tháng 6. (Ảnh: Reuters)
Theo AP, tuyên bố trên được Bộ Ngoại giao Triều Tiên đưa ra hôm 2/11 trong bối cảnh Mỹ và Hàn Quốc vẫn bất đồng về việc sử dụng biện pháp trừng phạt và sức ép nào để buộc Bình Nhưỡng phải từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của nước này.
Bộ Ngoại giao Triều Tiên cho biết nước này có thể sẽ khôi phục chính sách pyongjin, trong đó Bình Nhưỡng thực hiện đồng thời cả hai mục tiêu vừa thúc đẩy năng lực hạt nhân, vừa phát triển kinh tế nếu Mỹ không thay đổi lập trường đối với Triều Tiên.
Triều Tiên chưa đe dọa sẽ từ bỏ các cuộc đàm phán hạt nhân đang diễn ra với Mỹ. Tuy nhiên Bình Nhưỡng cáo buộc Washington không thực hiện đúng các cam kết mà nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Donald Trump từng đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 6 ở Singapore, trong đó nhắm mục tiêu tới việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Mặc dù vậy, Triều Tiên không mô tả chi tiết cáo buộc của nước này với Mỹ.
“Mỹ cho rằng các biện pháp trừng phạt và gây sức ép liên tục của nước này sẽ dẫn tới việc phi hạt nhân hóa. Chúng tôi không thể ngừng cười trước ý tưởng ngớ ngẩn này. Việc cải thiện quan hệ không thể nào đi cùng với các lệnh trừng phạt”, thông báo của Bộ Ngoại giao Triều Tiên nêu rõ.
Thông báo ngày 2/11 đánh dấu lần đầu tiên Triều Tiên tuyên bố có thể sẽ nối lại các vụ thử vũ khí và các hoạt động phát triển hạt nhân khác kể từ khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un công bố chính sách quốc gia mới hồi tháng 4. Theo chính sách mới, Triều Tiên tuyên bố sẽ chỉ tập trung phát triển kinh tế, thay vì phát triển cả hạt nhân và kinh tế như trước đây. Lý do dẫn tới chính sách mới này là vì chính sách pyongjin của Bình Nhưỡng đã đạt được “thành công vang dội”.
“Nếu Mỹ tiếp tục hành xử hung hăng và không thay đổi lập trường của nước này, đồng thời không hiểu đúng những yêu cầu mà chúng tôi đã nhiều lần đưa ra, Triều Tiên có thể bổ sung thêm một lĩnh vực nữa vào chính sách quốc gia được đưa ra từ hồi tháng 4, trong đó chuyển hướng mọi nỗ lực của Triều Tiên vào việc xây dựng nền kinh tế. Kết quả là, cụm từ pyongjin có thể sẽ xuất hiện trở lại”, thông báo của Bộ Ngoại giao Triều Tiên cho biết thêm.
Sau một loạt vụ thử hạt nhân và tên lửa gây tranh cãi hồi năm ngoái, nhà lãnh đạo Kim Jong-un năm nay đã chuyển sang con đường ngoại giao khi đồng ý gặp Tổng thống Trump và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Tuy nhiên, Triều Tiên vẫn giữ quan điểm rằng Mỹ phải dỡ bỏ các lệnh trừng phạt trước khi hai nước đạt được tiến triển trong các cuộc đàm phán hạt nhân. Lập trường này của Triều Tiên khiến nhiều người lo ngại rằng liệu Bình Nhưỡng có thực sự thiện chí từ bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân sau khi đã bỏ nhiều công sức để phát triển hay không, hay chỉ đang tìm cách kéo dài thời gian.
Trong khi đó, Mỹ cho đến nay vẫn chưa dỡ bỏ hoàn toàn các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên. Hàn Quốc hồi tháng trước cũng rút lại đề xuất dỡ bỏ lệnh trừng phạt đơn phương của nước này nhằm vào Triều Tiên sau khi Tổng thống Trump nhắc nhở Seoul không thể tự ý hành động nếu chưa có sự đồng ý của Washington.
Tác giả: Thành Đạt
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn