Theo Reuters, Hàn Quốc có một trung tâm chuyên tổ chức đám tang miễn phí nhưng đối tượng mà họ hướng tới là người sống.
Hơn 25.000 người đã tham gia vào các “đám tang cho người sống” tại trung tâm trị liệu Hyowon, cơ sở mở cửa từ năm 2012, với hy vọng có thể giúp những người này cải thiện chất lượng cuộc sống bằng việc cho họ thử chết.
“Một khi mà bạn trở nên lo lắng về cái chết và trải nghiệm cảm giác đó, bạn sẽ coi đó là một cách tiếp cận mới với cuộc sống”, cụ bà 75 tuổi Cho Jae-hee, người từng trải nghiệm một đám tang cho người sống, chia sẻ.
Mỗi một đám tang thường có hàng chục người đăng ký tham dự từ những người ở tuổi thiếu niên tới tuổi về hưu. Họ mặc áo khâm liệm, chụp “ảnh thờ”, viết “lời trăng trối” và sau đó nằm vào một chiếc quan tài đóng nắp trong 10 phút.
Sinh viên Choi Jin-kyu nói rằng khoảng thời gian nằm trong quan tài giúp anh nhận ra rằng anh thường xuyên coi người khác là đối thủ và sống như này là vô nghĩa. Choi nói anh đã quyết định sẽ khởi nghiệp sau khi tốt nghiệp, thay vì gia nhập vào thị trường tuyển dụng lao động đầy cạnh tranh ở Hàn Quốc.
Hàn Quốc đứng thứ 33/40 trong một khảo sát về chỉ số cuộc sống tốt đẹp do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) thực hiện. Nhiều người trẻ Hàn Quốc rất hy vọng vào giáo dục và công ăn việc làm tuy nhiên sớm “vỡ mộng” với thực tế bên ngoài khi nền kinh tế có dấu hiệu chững lại và tỉ lệ thất nghiệp gia tăng.
“Việc học và chuẩn bị cho cái chết khi còn trẻ tuổi là rất quan trọng”, Giáo sư Yu Eun-sil, bác sĩ tại Trung tâm Sức khỏe Asan, cho hay. Ông Yu là người đã từng nghiên cứu và viết sách về cái chết.
Năm 2016, tỷ lệ tự tử ở Hàn Quốc đã lên tới con số 20,2/100.000 dân, gấp đôi con số trung bình toàn cầu 10,53/100.000 người, theo Tổ chức Y tế Thế giới.
Công ty tang lễ Hyowon bắt đầu cung cấp dịch vụ đám tang cho người sống để giúp mọi người trân trọng cuộc sống, tìm kiếm sự tha thứ và hàn gắn với gia đình và bạn bè, ông Jeong Yong-mun, người đứng đầu trung tâm trị liệu của công ty cho hay.
Ông Jeong nói rằng ông cảm thấy ấm lòng khi mọi người làm lành với nhau ở một đám tang, nhưng cảm thấy buồn khi họ phải chờ rất lâu để làm được việc này.
“Chúng ta không tồn tại mãi mãi. Đó là lý do tôi nghĩ trải nghiệm này rất quan trọng. Chúng ta có thể xin lỗi, hòa giải sớm hơn và sống phần đời còn lại thật hạnh phúc”, Jeong nói.
Thậm chí, trong một vài trường hợp, Jeong còn giúp nhiều người từ bỏ ý định tự tử: “Tôi nhận ra những người có ý định kết thúc cuộc đời và giúp họ nghĩ lại”.
Sinh viên Choi chia sẻ: “Tôi muốn mọi người hiểu rằng họ rất quan trọng và một người nào đó sẽ rất đau khổ nếu họ ra đi. Hạnh phúc chính là hiện tại”.
Đức Hoàng
Theo Reuters
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn