Tranh cãi xung quanh cầu vượt biển 20 tỷ “đô” dài nhất thế giới của Trung Quốc

Thứ ba - 23/10/2018 23:47
Sau những lần bị tạm hoãn xây dựng, gần một thập niên thi công và chi phí đắt đỏ 20 tỷ USD, cây cầu vượt biển dài nhất thế giới nối Hong Kong, Macau và Chu Hải chính thức được khánh thành. Tuy nhiên, cây cầu dài 55km dường như vẫn là một chủ đề gây nhiều tranh cãi ở thời điểm hiện tại.

Trung Quốc khánh thành cầu vượt biển dài nhất thế giới

Tranh cãi xung quanh cầu vượt biển 20 tỷ “đô” dài nhất thế giới của Trung Quốc
Cầu vượt biển dài nhất thế giới (Ảnh: Tân Hoa Xã)

SCMP đưa tin, lễ thông cầu vượt biển Hong Kong- Chu Hải- Macau ngày 23/10 tại Chu Hải với sự tham gia của khoảng 700 quan khách, trong đó có Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các lãnh đạo Hong Kong, Macau. Đây là cây cầu vượt biển dài nhất thế giới với chiều dài 55km, được hoàn thành sau 9 năm thi công, chậm hơn 2 năm so với dự kiến ban đầu. Chi phí xây cầu cũng bị đội lên mức khá cao, ước tính khoảng 20 tỷ USD.

Tuy nhiên, tại Hong Kong, nhiều người dân chưa thực sự hiểu vì sao tiền thuế của họ lại phải gánh khoản chi phí lớn trong khi họ chưa nhìn thấy những lợi ích thực tế.

Sau cùng, việc di chuyển từ đại lục sang Hong Kong trên cây cầu mới nhanh hơn 30 phút so với việc di chuyển trên cây cầu cũ. Tại Macau, giá trị của cây cầu được đánh giá cao hơn do trước khi thông cầu, phà là phương tiện duy nhất để đi từ Macau sang đại lục.

Theo các quan chức Trung Quốc, đây là một dự án tham vọng nhằm kết nối Hong Kong, Macau với 11 thành phố phía nam Trung Quốc. Ý tưởng này nhằm thu hút thêm khác du lịch và đội ngũ lao động từ đại lục tới các khu vực này.

Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, Đặc khu trưởng Hong Kong cho rằng đây là công trình chỉ có một lần trong đời và là chất xúc tác giúp Hong Kong gần gũi hơn với đại lục.

Tuy nhiên, theo Washington Post, không phải người Hong Kong nào cũng suy nghĩ như vậy.

Ý kiến trái chiều

Tranh cãi xung quanh cầu vượt biển 20 tỷ “đô” dài nhất thế giới của Trung Quốc - Ảnh minh hoạ 2
(Ảnh: Reuters)

Các cư dân, giới quan sát cho rằng số lượng du khách và công nhân Trung Quốc đổ tới Hong Kong ngày càng tăng khiến cho hòn đảo ngày càng đông đúc và chật chội. Họ cũng sẽ tới Macau, khu vực nổi tiếng thế giới với các sòng bạc đông đúc.

Người dân Hong Kong phải chi trả gần như một nửa chi phí xây dựng cầu và quá trình để được đi lên cầu cũng không hề dễ dàng. Những người muốn lên cầu phải trải qua những thủ tục phức tạp để được xin cấp phép từ cả 3 nơi: Hong Kong, Chu Hải, Macau. Quá trình này sẽ mất khoảng gần 2 tuần.

Trên mạng Internet, các ý kiến trái chiều cho rằng một thủ tục đơn giản trước đây giờ đã bị biến thành rườm rà quá mức cần thiết. Họ gợi ý rằng người Hong Kong có thể đi sang Macau bằng phà, và không cần những yêu cầu phức tạp như vậy. Ngoài ra, để được sử dụng thì ô tô tư nhân phải xin giấy phép đặc biệt và hiện loại giấy tờ này bị giới hạn với số lượng 5.000.

“Thật kỳ lạ. Cây cầu bắc qua vùng biển rộng như vậy và người bình thường khó lòng sử dụng nó. Vậy nó được xây để làm gì? Rõ ràng là dự án này hoàn toàn chỉ là biểu tượng chính trị. Tôi chắc chắn là phía Trung Quốc đại lục biết rõ là người Hong Kong không quá cần cây cầu”, bà Claudia Mo, một nhà lập pháp Hong Kong nhận định.

Ngoài ra dự án xây cầu cũng bị chỉ trích vì tiêu chuẩn lao động thấp và những ảnh hưởng tới môi trường. Trong quá trình gần 10 năm xây dựng, đã có 19 công nhân thiệt mạng và hàng chục người bị thương, trong đó có những người bị rơi xuống biển khi các hệ thống giàn giáo, bảo vệ an toàn bị hỏng.

Kể từ khi dự án xây dựng được tăng tốc trong vài năm gần đây, số cá thể cá heo trắng nổi tiếng của Trung Quốc sống ở khu vực này đã giảm từ 80 năm 2012 xuống 47 vào năm 2017, theo ông Taison Chang, Chủ tịch Hội bảo tồn cá heo Hong Kong.

“Chúng tôi có thể thấy rõ ràng là cá heo ở Bắc Lantau đã gần như biến mất hoàn toàn trong khu vực gần nơi xây dựng cầu. Không một ai có thể dừng dự án để đánh giá mức độ ảnh hưởng tới môi trường và chờ giấy phép về môi trường để thi công cây cầu”, ông Chang cho biết.

Kể từ khi được trao trả về Trung Quốc đại lục từ năm 1997, Hong Kong hoạt động theo cơ chế “một quốc gia, hai chế độ”. Toàn bộ nền kinh tế và hệ thống chính trị của hòn đảo được giữ nguyên không đổi, độc lập với Trung Quốc đại lục.

Trong một vài năm qua, chính quyền Trung Quốc và Hong Kong đã khởi động các dự án xây dựng cơ sở vật chất nhằm tăng sự kết nối giữa 2 bên, triển khai dự án xây cầu hoặc đường sắt tốc độ cao nối giữa Hong Kong và đại lục (chi phí 11 tỷ USD).

Tác giả: Đức Hoàng

Nguồn tin: http://dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây