“Tôi nghĩ họ (Triều Tiên) chân thành, nhưng tôi cho rằng họ chân thành vì các lệnh trừng phạt nhằm vào Triều Tiên, bao gồm sự trợ giúp rất lớn mà chúng tôi nhận được từ Trung Quốc”, Yonhap Tổng thống Trump phát biểu trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven tại Nhà Trắng ngày 6/3.
“Các lệnh trừng phạt rất nặng nề và đau đớn. Chúng tôi không muốn điều đó xảy ra, vì thế chúng tôi hy vọng họ chân thành. Chúng tôi sẽ xem xét”, ông Trump cho biết thêm.
Trước đó, ông Chung Eui-yong, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và là trưởng đoàn quan chức cấp cao Hàn Quốc tới Triều Tiên, cho biết nhà lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố sẵn sàng từ bỏ chương trình hạt nhân để đổi lấy sự đảm bảo về an ninh.
Ông Kim Jong-un cũng nói với ông Chung rằng Triều Tiên sẵn sàng tổ chức các cuộc đối thoại “chân thành” với Mỹ và sẽ dừng tất cả các hành động khiêu khích, bao gồm các vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo, trong lúc đối thoại. Triều Tiên và Hàn Quốc cũng dự kiến tổ chức một hội nghị thượng đỉnh liên Triều vào tháng tới.
Phát biểu với phóng viên tại Phòng Bầu Dục khi gặp Thủ tướng Thụy Điển, Tổng thống Trump cho biết “những tuyên bố của Hàn Quốc và Triều Tiên rất tích cực”. Khi được hỏi liệu ông có đặt ra bất kỳ điều kiện tiên quyết nào cho việc đối thoại với Bình Nhưỡng hay không, Tổng thống Trump cho biết: “Tôi không muốn nói về vấn đề này. Chúng tôi sẽ xem xét chuyện gì sẽ xảy ra”.
Trên mạng xã hội Twitter, nhà lãnh đạo Mỹ cũng khẳng định các cuộc đối thoại với Triều Tiên có khả năng tiến triển, đồng thời cho biết đây là lần đầu tiên trong nhiều năm, một nỗ lực nghiêm túc đang được tất cả các bên liên quan cùng thực hiện.
Nỗ lực thất bại
Trước khi Triều Tiên loan tin về khả năng tiến hành đối thoại với Hàn Quốc và Mỹ sau nhiều năm căng thẳng, những nỗ lực đàm phán giữa các bên liên quan tới chương trình vũ khí gây tranh cãi của Bình Nhưỡng đều lâm vào bế tắc.
Đàm phán 6 bên
Vào tháng 1/2003, cố lãnh đạo Kim Jong-il thông báo Triều Tiên sẽ rút khỏi Hiệp ước Không phổ biến vũ khí mà nước này từng ký năm 1985. 3 tháng sau đó, Bình Nhưỡng thông báo đang sở hữu vũ khí hạt nhân.
Trong một nỗ lực nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình cho tham vọng hạt nhân của Triều Tiên, đàm phán 6 bên đã được khởi động ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc với sự tham gia của Triều Tiên, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, Nga và Nhật Bản.
Từ năm 2004-2005, các cuộc đàm phán 6 bên diễn ra ngắt quãng trong khi Triều Tiên tiếp tục thử tên lửa. Sau đó, Bình Nhưỡng một mặt đề xuất hạn chế thử tên lửa để đổi lấy viện trợ, mặt khác vẫn bày tỏ quan ngại về các hành động “thù địch” của Mỹ.
Khi các cuộc đàm phán bị hoãn lại vào năm 2006, Triều Tiên vẫn đẩy mạnh thử tên lửa và cáo buộc Mỹ là “mối đe dọa hạt nhân”. Tới năm 2007, vòng đàm phán thứ 6 được mở lại và Triều Tiên cam kết sẽ đóng cửa lò phản ứng hạt nhân để đổi lấy viện trợ dầu. Bình Nhưỡng cũng yêu cầu Mỹ dỡ bỏ phong tỏa 25 triệu USD của Triều Tiên tại một tài khoản ngân hàng nước ngoài bị đóng băng, mở đường cho một cuộc đàm phán tiếp theo diễn ra sau đó.
Lời hứa của Triều Tiên về việc công khai tất cả các hoạt động hạt nhân vào cuối năm 2007 rốt cuộc đã không được thực hiện. Vào tháng 5/2008, Bình Nhưỡng yêu cầu Washington đưa Triều Tiên khỏi danh sách các quốc gia bảo trợ khủng bố và Mỹ đã chấp thuận.
Năm 2009, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đáp trả một vụ thử tên lửa của Triều Tiên bằng lời đe dọa gia tăng trừng phạt. Bình Nhưỡng khi đó tuyên bố nước này rút khỏi các cuộc đàm phán 6 bên.
Đàm phán dưới thời 2 tổng thống
Vào năm 1994, dưới thời cựu Tổng thống Bill Clinton, Triều Tiên và Mỹ đã ký một “thỏa thuận khung thống nhất” với mục tiêu đóng băng và tiến tới dừng các chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. Đổi lại Triều Tiên có cơ hội bình thường hóa quan hệ với Mỹ và Bình Nhưỡng cũng yêu cầu Washington hỗ trợ nước này xây dựng lò phản ứng hạt nhân nước nhẹ.
Theo Reuters, trong giai đoạn này, việc sản xuất và buôn bán tên lửa của Triều Tiên trở thành yếu tố gây căng thẳng trong quan hệ với Mỹ. Các cuộc đàm phán với Mỹ buộc Triều Tiên phải tạm dừng việc “kinh doanh” tên lửa, đổi lại Bình Nhưỡng yêu cầu Washington cấp một khoản bồi thường để bù đắp những thiệt hại về tài chính. Tuy nhiên tới năm 1998, Triều Tiên bị trừng phạt vì đã chuyển công nghệ và các thiết bị tên lửa cho Pakistan.
Dưới thời cựu Tổng thống Clinton, Triều Tiên và Mỹ đã tiến hành một số cuộc đàm phán, song rốt cuộc vẫn không đạt được một thỏa thuận cụ thể nào.
Khi cựu Tổng thống George W. Bush lên nắm quyền năm 2001, Triều Tiên theo đuổi lập trừng cứng rắn hơn với Mỹ và Washington đã áp lệnh trừng phạt lên một công ty Triều Tiên vì nghi chuyển các bộ phận tên lửa cho Iran.
Mối quan hệ giữa hai nước trở nên căng thẳng vào năm 2002 khi ông Bush liệt Triều Tiên, cùng Iraq và Iran, vào nhóm “Trục Ma quỷ”, vốn gồm các quốc gia bị nghi ngờ tài trợ khủng bố và phát triển vũ khí hạt nhân.
Các thỏa thuận khung giữa Mỹ và Triều Tiên đổ vỡ vào tháng 12/2002 khi Mỹ cáo buộc Triều Tiên âm thầm phát triển vũ khí hạt nhân trong khi Bình Nhưỡng tuyên bố nước này có quyền sở hữu vũ khí hạt nhân vì mục đích phòng vệ. Triều Tiên khi đó cũng chỉ trích Mỹ cố tình trì hoãn việc cung cấp dầu cho Bình Nhưỡng như đã hứa, đồng thời yêu cầu tất cả các thanh tra viên quốc tế rời khỏi Triều Tiên và tái khởi động các cơ sở hạt nhân từng bị đóng lại trước đó.
Từ năm 2006 đến nay, Triều Tiên tiến hành 6 vụ thử hạt nhân và hàng loạt vụ thử tên lửa, bất chấp những lời cảnh báo của Mỹ. Mối quan hệ giữa hai nước cũng thường xuyên rơi vào căng thẳng do không tìm được tiếng nói chung trong vấn đề hạt nhân.
Tác giả: Thành Đạt
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn