Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Reuters)
Sau chiến tranh thế giới thứ hai, Mỹ nổi lên là một cường quốc định hình trật tự thế giới. Mỹ thiết lập mối quan hệ liên minh với các cường quốc châu Âu để ngăn chặn một cuộc xung đột lớn khác bằng việc lập ra các định chế để bảo vệ dân chủ và các thị trường tự do trên khắp thế giới.
Tuy nhiên, thậm chí trước khi nhậm chức tổng thống, ông Donald Trump đã tỏ ra không tin tưởng vào các định chế lớn này. "Chính cấu trúc quyền lực thế giới chi phối các quyết định kinh tế lấy mất của cải của đất nước chúng ta, trong khi khiến tiền chảy vào túi của các doanh nghiệp lớn", ông Trump nói trước những người ủng hộ trong chiến dịch tranh cử.
Trong bài phát biểu nhậm chức, ông Trump cũng nhấn mạnh: "Hàng chục năm qua, chúng ta đã làm giàu cho nước khác, trong khi sức mạnh, của cải và sự tự tin của đất nước chúng ta hoàn toàn biến mất. Kể từ giờ, nước Mỹ sẽ là trên hết".
Kể từ khi đắc cử, Tổng thống Trump liên tục thực hiện các cam kết của mình, rút Mỹ khỏi các hiệp ước quốc tế.
Ông Trump đã rút Mỹ khỏi Hiệp ước chống biến đổi khí hậu, phớt lờ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) bằng việc "tuyên chiến" thương mại với hàng loạt quốc gia, trong đó có cả các đồng minh. Ông cũng tỏ ra hoài nghi về vai trò của NATO và đe dọa sẽ rút Mỹ khỏi liên minh quân sự bị cho là ngốn không ít tiền bạc của Mỹ. Kori Schake, một cựu trợ lý an ninh quốc gia dưới thời Tổng thống Mỹ George W. Bush, nhận định: "Đây không phải lần đầu tiên có những rắc rối trong mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Nhưng đây là lần đầu tiên một tổng thống Mỹ dường như không tin vào trật tự tự do".
Các đồng minh của Mỹ chỉ trích ông Trump làm tổn hại mối quan hệ đồng minh Mỹ-phương Tây để xích lại gần Nga và Trung Quốc. Trong khi đó, những người ủng hộ thì gọi các quyết định của ông Trump là chính sách "Nước Mỹ trên hết".
Nic Robertson, biên tập viên mảng ngoại giao quốc tế của CNN tại London, nhận định: "Cử tri Mỹ bất bình với tình trạng khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng. Do vậy, những người theo chủ nghĩa dân túy như ông Trump nhanh chóng tận dụng cơn giận dữ đó để củng cố quyền lực. Nhưng vấn đề là ông ấy thiếu kinh nghiệm trong việc điều chỉnh lại sự mất cân bằng. Các hành động của ông ấy thậm chí có thể khiến trật tự thế giới xáo trộn hơn nữa theo hướng bất lợi cho Mỹ, có lợi cho đối phương.
Clarissa Ward, một phóng viên quốc tế khác của CNN tại London, cho rằng trật tự thế giới đã có những thay đổi nhất định kể từ khi ông Trump nhậm chức tổng thống Mỹ đầu năm 2017. Thay đổi này thể hiện ở việc mối quan hệ của Mỹ với các đồng minh trong các liên minh như NATO đã có dấu hiệu mai một.
Trong khi đó, Matt Rivers, phóng viên tại Bắc Kinh, cho rằng ông Trump hoàn toàn có thể dùng tầm ảnh hưởng của Mỹ để thay đổi mãi mãi trật tự thế giới, nhưng đến nay ông vẫn chưa làm được điều đó.
Tác giả: Minh Phương
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn