Tổng thống Trump phát biểu trước các binh sĩ tại căn cứ Al Asad (Ảnh: Reuters)
Ngày 26/12, Tổng thống Donald Trump lần đầu tiên tới thăm các binh sĩ Mỹ đồn trú ở nước ngoài kể từ khi ông nhậm chức vào tháng 1 năm ngoái. Địa điểm được ông chủ Nhà Trắng lựa chọn lần này là căn cứ không quân al-Asad ở phía tây Iraq. Chuyến thăm không được báo trước và diễn ra chỉ một tuần sau khi Tổng thống Trump cam kết cắt giảm đáng kể sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực.
Đi cùng với Đệ nhất phu nhân Melania, Tổng thống Trump vui vẻ chụp hình "tự sướng" với các quân nhân Mỹ tại căn cứ al-Asad. Ông nói với họ rằng, mặc dù đã tuyên bố rút quân khỏi Syria, song chính quyền Mỹ vẫn luôn sẵn sàng quay trở lại khu vực nếu có nhu cầu. Lý do khiến Washington rút lui ở thời điểm hiện tại, theo ông Trump, là vì không muốn bị lợi dụng thêm nữa.
"Chúng ta không còn là những tên ngốc nữa, thưa các bạn. Chúng ta phải được tôn trọng như một quốc gia", Tổng thống Trump nói với các binh sĩ tại Iraq - nơi lực lượng Mỹ tham gia chiến đấu từ năm 1990.
Phát biểu trước một nhóm gồm khoảng 100 binh sĩ, trong đó hầu hết là lính đặc nhiệm, ông Trump nói rằng các quốc gia khác không nên trông chờ Mỹ thay họ chiến đấu, trừ khi họ sẵn sàng rút hầu bao chi trả cho việc này. Tổng tư lệnh quân đội Mỹ khẳng định Washington "không thể tiếp tục làm cảnh sát toàn cầu nữa".
"Các quốc gia trong khu vực phải tăng cường và chịu trách nhiệm nhiều hơn cho tương lai của họ", ông Trump nói, đồng thời nhấn mạnh quân đội Mỹ sẽ rút lui một cách "mạnh mẽ, thận trọng và trật tự" khỏi Syria.
"Đã đến lúc chúng ta phải bắt đầu sử dụng cái đầu của mình. Chúng ta không thể để cho bất kỳ nước nào lợi dụng chúng ta thêm nữa", ông chủ Nhà Trắng tuyên bố trước sự chứng kiến của các binh sĩ.
Lính Mỹ khảo sát trong cuộc tuần tra chung tại Manbij, Syria hồi tháng 11. (Ảnh: Reuters)
Giải thích về quyết định gây tranh cãi của mình, Tổng thống Trump cho biết ông đã chuyển giao sứ mệnh thực hiện cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) cho Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.
"Tại Syria, Erdogan nói rằng ông ấy muốn đánh bật IS, dù đó có thể chỉ là tàn dư của IS đi chăng nữa. Ả rập Xê út cũng lộ diện và tuyên bố sẽ chi trả cho việc phát triển nền kinh tế (Syria). Đó là điều tuyệt vời, đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ không phải trả tiền nữa", ông Trump nói.
Câu hỏi được đặt ra bây giờ là số phận của Anh và Pháp tại Syria. Hai đồng minh của Mỹ sẽ xoay sở như thế nào khi Washington bỏ lại họ trong cuộc chiến chống khủng bố tại quốc gia Trung Đông. Liệu họ có phải là "những tên ngốc" như ông Trump nói ở trên hay không?
Còn lực lượng dân quân người Kurd? Họ đã tham gia tích cực cùng Mỹ và tổn thất đáng kể trong cuộc chiến xóa sổ IS. Sau khi Mỹ rời đi, số phận của lực lượng này cũng đang rơi vào thế khó khi phải đối mặt với lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ vốn luôn coi họ là những kẻ khủng bố.
Mặc dù vậy, Tổng thống Trump vẫn tỏ ra kiên quyết với quyết định của mình. Ông nói rằng đã nhiều lần gia hạn 6 tháng cho các "tướng lĩnh" để rút quân khỏi Syria.
"Gần đây họ (các tướng lĩnh) lại hỏi rằng liệu chúng ta có thể kéo dài thêm nữa không? Tôi trả lời luôn là "không". Họ không thể có thêm thời gian nữa. Họ đã có đủ thời gian rồi. Chúng ta đã đánh bại chúng (IS). Những nước khác cũng phải làm như vậy. Vì chúng ta cùng hiện diện ở khu vực này. Họ lẽ ra phải chia sẻ gánh nặng chi phí với chúng ta, nhưng rốt cuộc họ đã không làm vậy", Tổng thống Trump cho biết.
Quyết định rút quân của tổng thống không làm hài lòng nhiều lính đặc nhiệm, những người lắng nghe bài phát biểu của ông tại căn cứ al-Asad. Họ đã kề vai sát cánh với các tay súng người Kurd trong suốt nhiều năm, thậm chí vào sinh ra tử trong những chiến dịch đánh bại IS.
Quyết định gây tranh cãi
Ông Trump và phu nhân Melania vui vẻ chụp hình với các binh sĩ. (Ảnh: Reuters)
Ngoài bài phát biểu trước các binh sĩ, ông Trump cũng chia sẻ với các phóng viên sự bất bình của ông với cách hành xử của nhiều quốc gia khác. Điều ông muốn nhấn mạnh vẫn là vấn đề chi phí mà Mỹ phải bỏ ra để bảo đảm an ninh khu vực, trong khi không nhận được sự hỗ trợ từ các nước khác.
"Chúng tôi không muốn bị các nước nước lợi dụng thêm nữa. Họ đã lợi dụng chúng tôi, lợi dụng quân đội mạnh mẽ của chúng tôi để bảo vệ họ trong khi họ không trả tiền cho việc đó. Nhưng rồi họ sẽ phải trả tiền", ông Trump nói.
Cũng theo Tổng thống Mỹ, "mỗi quốc gia trên thế giới phải tự quyết định về tương lai mà họ muốn xây dựng cho người dân của mình, cũng như những hy sinh mà họ sẵn sàng chấp thuận cho thế hệ con cháu sau này".
"Nước Mỹ không thể chiến đấu thay cho từng quốc gia trên thế giới được", ông Trump nhấn mạnh.
Không chỉ tuyên bố rút quân khỏi Syria, Tổng thống Trump cũng đánh tín hiệu sẽ đưa quân khỏi Afghanistan. Điều này đồng nghĩa với việc ông chủ Nhà Trắng đã làm đảo ngược mọi nỗ lực của Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis, người vừa viết đơn từ chức khỏi Lầu Năm Góc, cùng nhiều người khác trong cuộc chiến chống phiến quân Taliban suốt nhiều năm qua.
Tuy vậy, ông Trump vẫn nhận được nhiều sự ủng hộ vì các quyết định rút quân. Gần 5.000 lính Mỹ đã thiệt mạng tại Iraq, trong khi con số này tại Afghanistan là hơn 3.500 người. Tổng thống Trump và phu nhân cũng xứng đáng được khen ngợi khi đích thân tới khu vực chiến sự để hỏi thăm các binh sĩ. Mặc dù chuyến thăm này diễn ra muộn hơn so với hai tổng thống tiền nhiệm, song đây vẫn là động thái đáng ghi nhận của ông Trump.
Quyết định rút quân của Tổng thống Trump khiến đồng minh không khỏi lo lắng. Với quyết định này, Mỹ sẽ gặp khó khăn nhiều hơn trong việc thiết lập và duy trì các liên minh nếu phải đối mặt với các mối đe dọa trong tương lai.
Ông Trump dường như đang nghe theo bản năng của mình khi đưa càng nhiều binh sĩ Mỹ về nước càng tốt trong khoảng thời gian sớm nhất có thể. Ông có thể không còn ở Nhà Trắng khi trong tương lai, nước Mỹ phải trả giá cho những quyết định vội vàng của ông. Tuy nhiên, những binh sĩ trẻ tại căn cứ al-Asad khi đó có lẽ vẫn đang tại ngũ và họ sẽ nhớ những lời ông nói hôm nay.
Tác giả: Thành Đạt
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn