Tháng 8-2015, một sinh viên ngành kỹ sư điện tại Chicago - Mỹ đã gửi một email nhan đề "Câu hỏi kiểm tra giữa kỳ" đến một quan chức tình báo cấp cao Trung Quốc. Hơn 2 năm sau, email này lại xuất hiện trong một cuộc điều tra của FBI ở phía Nam bang Ohio liên quan đến một công dân Trung Quốc bị nghi làm gián điệp thu thập thông tin công nghệ từ một công ty sản xuất vũ khí của Mỹ .
Các điều tra viên sau đó đã xác nhận người viết email là Ji Chaoqun, một sinh viên Trung Quốc được cho là nằm trong danh sách tuyển mộ của Cục Dự trữ quân đội Mỹ năm 2016.
Email của Ji Chaoqun dù có tiêu đề là "câu hỏi kiểm tra" nhưng nội dung hoàn toàn không liên quan gì đến bài kiểm tra hay thi cử. Thay vào đó, email gửi cho một quan chức tình báo cấp cao Trung Quốc này lại đính kèm những báo cáo chi tiết về 8 người mà Bắc Kinh đang nhắm làm mục tiêu tuyển mộ gián điệp.
8 người này là những nhà khoa học hay kỹ sư ưu tú gốc Đài Loan hay Trung Quốc nhưng đã có quốc tịch Mỹ và đang làm việc trong lĩnh vực khoa học công nghệ, trong đó có 7 người đã từng làm hoặc vừa nghỉ việc tại các công ty vũ khí của Mỹ.
Cả 8 người đều là những mục tiêu tiềm năng mà tình báo Trung Quốc đang muốn tuyển mộ cho một hình thức hoạt động gián điệp mới nhằm giành chiến thắng trong cuộc chiến ngầm tranh giành ảnh hưởng toàn cầu với Mỹ.
Theo thông tin từ Bộ Tư pháp Mỹ, Ji bị bắt vào tháng 9-2018 và bị cáo buộc "hoạt động gián điệp bất hợp pháp" theo chỉ đạo của một "nhân viên tình báo cấp cao" thuộc Bộ An ninh quốc gia Trung Quốc – cơ quan phản gián và xử lý thông tin tình báo hàng đầu của nước này.
Sau khi bị bồi thẩm đoàn truy tố vào ngày 24-1, Ji đã xuất hiện tại Tòa liên bang ở Chicago hôm 1-2 nhưng không nhận tội. Ji sẽ tiếp tục ra tòa trong phiên xử tiếp theo vào ngày 26-2 và vẫn bị giam giữ cho đến lúc đó.
Mặc dù Ji chưa bị kết án nhưng theo nhận định của một số cựu quan chức tình báo Mỹ, các tình tiết trong vụ án của anh ta cho thấy Trung Quốc đang sử dụng gián điệp từ mọi thành phần, mọi tầng lớp với tần suất ngày càng tăng. Bắc Kinh đang dựa vào các nhà khoa học, doanh nhân hoặc sinh viên xa xứ như Ji – một trong 350.000 sinh viên Trung Quốc đến Mỹ du học hằng năm – để tiếp cận mọi nguồn thông tin từ bất kỳ trường Đại học hay tập đoàn nào mà Bắc Kinh quan tâm.
Số lượng lớn sinh viên Trung Quốc tại các trường đại học Mỹ đang tạo nên thách thức lớn đối với các cơ quan hành pháp Mỹ và các cơ quan tình báo phải chịu trách nhiệm duy trì sự cân bằng cần thiết giữa việc bảo vệ môi trường học thuật "mở" của Mỹ và việc giảm thiểu rủi ro đối với an ninh quốc gia.
Theo nhận định của một số cựu quan chức tình báo, mặc dù vẫn chưa rõ có bao nhiêu trong số các sinh viên Trung Quốc đang trong tầm ngắm của các cơ quan hành pháp Mỹ nhưng tất cả họ vẫn bị ràng buộc với Chính phủ Trung Quốc theo một cách nào đó, ngay cả khi đại đa số bọn họ được gửi đến Mỹ không phải để làm gián điệp.
Đó là một phần trong những nỗ lực dai dẳng, quyết liệt của Trung Quốc nhằm phá hoại các ngành công nghiệp Mỹ, đánh cắp bí mật của Mỹ và làm giảm ảnh hưởng của Mỹ trên thế giới để Bắc Kinh có thể thúc đẩy chương trình nghị sự của riêng mình - các quan chức, nhà phân tích và chuyên gia Mỹ nói với CNN.
Giám đốc CIA Gina Haspel năm ngoái đã cảnh báo rằng Trung Quốc dự định "làm giảm ảnh hưởng của Mỹ để tiến tới các mục tiêu của riêng họ". Hơn nữa, Trung Quốc đang ngày càng cấp bách trong việc tăng cường các hoạt động gián điệp vì quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington gần đây đang xấu đi do những bất đồng thương mại, các cuộc tấn công mạng và mâu thuẫn về ảnh hưởng quân sự ở châu Á.
Theo N. Thương
Người Lao Động
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn