Thuyền viên Indonesia nói “bị đối xử như động vật” trên tàu cá Trung Quốc

Thứ năm - 09/07/2020 18:15
(Dân trí) - Các thuyền viên người Indonesia đã kể lại những ký ức bị ngược đãi kinh hoàng khi làm việc trên tàu cá Trung Quốc. Có người thậm chí nói rằng họ “bị đối xử như động vật”. >> >>
Thuyền viên Indonesia nói “bị đối xử như động vật” trên tàu cá Trung Quốc

Thi thể thủy thủ Indonesia sắp bị ném từ tàu cá Trung Quốc xuống biển để hải táng (Ảnh: SCMP)

Khi Sepri và Ari lên một tàu đánh bắt cá ngừ của Trung Quốc vào tháng 2/2019, cặp bạn thân 24 tuổi rất hào hứng với viễn cảnh sẽ được làm việc với nhau và có những chuyến phiêu lưu trên biển.

Thất nghiệp ở quê nhà Indonesia và được hứa hẹn trả lương cao, hai thanh niên này hào hứng nói với gia đình rằng họ sẽ “mang nhiều tiền về nhà” và khiến mọi người tự hào.

Nhưng họ đã không còn cơ hội được đoàn tụ với gia đình. Cả 2 đều đã chết trên biển sau hàng tuần bị ngược đãi: làm việc quần quật 18 giờ/ngày mà không được ăn uống đầy đủ, bị đe dọa đánh đập. Sau khi qua đời, thi thể họ thậm chí bị ném xuống biển để hải táng.

Những người sống sót qua trải nghiệm như “địa ngục trần gian” đã kể lại với Guardian về câu chuyện của họ.

Tổng cộng, 24 thuyền viên Indonesia đã lên tàu Long Xing 629, do công ty đánh cá Dailian Ocean (Trung Quốc) sở hữu. Chỉ có 20 người sống sót.

Những người may mắn không mất mạng kể với Guardian rằng họ “bị đối xử như động vật”.

Long Xing 629 là tàu cấp giấy phép đánh cá ngừ, nhưng họ cũng tham gia vào những phi vụ đánh bắt cá mập và cắt bỏ phần sụn vì đây là phần có giá trị. Sau đó, họ ném bỏ xác những con cá mập. Theo Guardian, trong nhiều năm đánh bắt, con tàu này được cho đã thu về 800 kg sụn cá mập.

Hứa hẹn “bánh vẽ”

Thuyền viên Indonesia nói “bị đối xử như động vật” trên tàu cá Trung Quốc - Ảnh minh hoạ 2

Các thuyền viên Indonesia trên tàu cá Trung Quốc (Ảnh: Guardian)

Các thuyền viên Indonesia được tuyển dụng từ những ngôi làng nhỏ, theo Yudha, một trong những người may mắn sống sót. Vào mùa hè 2018, Yudha, khi đó 18 tuổi, tốt nghiệp trường ngư nghiệp Makassar Nusantara ở South Sulawesi.

Yudha bị một người môi giới lao động “dỗ ngọt” khi vẽ ra viễn cảnh Yudha sẽ được ký hợp đồng 2 năm và kiếm 450 USD mỗi tháng cộng với tiền thưởng.

Tuy nhiên, khi Yudha tới Pemalang để ký hợp đồng với công ty môi giới việc làm, anh phát hiện ra mức lương trong hợp đồng chỉ là 300 USD. Hợp đồng cũng quy định Yudha phải nộp 900 USD tiền đặt cọc và 750 USD làm giấy tờ. Yudha phải làm việc để trả những khoản này.

Khi lên tàu, Yudha bị thu hộ chiếu và anh phát hiện ra con tàu mà anh làm việc là tàu đánh bắt cá ngừ, đồng nghĩa với công việc rất vất vả và khác với cam kết ban đầu là Yudha sẽ được làm việc trên tàu câu bạch tuộc.

Yudha cũng được phổ biến là anh sẽ phải săn cá mập. Tiêu thụ vây cá mập không phải là hành vi bất hợp pháp ở Trung Quốc nhưng việc khai thác vây của loài cá này bị cơ quan nghề cá quản lý phía tây trung Thái Bình Dương cấm. Trung Quốc là thành viên của cơ quan này.

Thời gian làm việc của Yuda rất dài, thường là 18 tiếng một ngày. Họ không được ngủ trong một ca làm việc.

“Không được nghỉ ngơi, trừ khi chúng tôi ăn uống và cũng chỉ có 5 phút. Họ sẽ rung chuông và gọi chúng tôi tiếp tục làm việc”, Yudha nói.

Các thủy thủ Indonesia bị ép uống nước biển chưng cất, có màu vàng và mặn. Trong khi đó, những người Trung Quốc trên tàu được uống nước ngọt trong can. Đồ ăn mà Yudha phải ăn là cá cùng với mì hết hạn. Đôi khi, nếu các thuyền viên bắt hụt cá ngừ, thuyền trưởng nổi giận và các thuyền viên sẽ không được ăn.

Yudha cho biết anh cũng chứng kiến bạn mình bị đánh đập vì chậm chạp. Những thủy thủ Indonesia đôi lúc cũng đã thể hiện sự đoàn kết và cùng đứng dậy cầm dao chống lại phía thuyền viên Trung Quốc khi họ không thể chịu đựng thêm nữa.

Chết dần, chết mòn

Thuyền viên Indonesia nói “bị đối xử như động vật” trên tàu cá Trung Quốc - Ảnh minh hoạ 3

Tàu Long Xing 629 cũng liên quan tới hành vi săn bắt cá mập lấy sụn (Ảnh: Guardian)

Tuy nhiên, điều kiện sống không đảm bảo đã ảnh hưởng tới họ. Tháng 11/2019, Sepri cảm thấy khó thở, đau ngực và sưng chân tay. Ngày 21/12, anh gục ngã và qua đời.

Yudha chứng kiện bạn mình đã ra đi và anh kể rằng thuyền trưởng đã ném xác Sepri xuống biển dù các thuyền viên Indonesia không muốn như vậy.

Sau đó, Yudha và Alfatah mắc triệu chứng tương tự. Họ trở nên sợ hãi. Yudha bắt đầu van xin thuyền trưởng rằng nếu anh qua đời, họ hãy đưa thi thể anh về cho cha mẹ ở Indonesia.

Thuyền trưởng gọi cho một chiếc tàu cùng công ty, Long Xing 802, để đưa những thuyền viên bị bệnh tới Samoa. 7 ngày sau cái chết của Sepri, tàu trên đã tới.

Sau khi được chuyển tới Long Xing 802, Alfatah bắt đầu yếu dần. Yudha đã liên tục động viên bạn chịu đựng cho tới khi thuyền cập cảng. Nhưng chỉ sau 8h, “anh ấy qua đời ngay trước sự chứng kiến của tôi”.

Một lần nữa, thuyền trưởng tàu Long Xing 802 lại ném thi thể Alfatah xuống biển. Yudha được lý giải rằng bạn anh chết vì bị nhiễm virus nên thi thể phải được hải táng.

Trong khi đó, trên tàu Long Xing 629, có thêm nhiều thuyền viên bị mắc chứng bệnh tương tự như khó thở và sưng chân. 9 người được chuyển sang một tàu khác, Tian Yu 8.

Ngày 30/3, thuyền viên thứ 2, Ari, qua đời. Một lần nữa, thuyền trưởng tàu Tian Yu 8 lại quyết định ném thu thể anh xuống biển. Quá phẫn uất, các thủy thủ khác quyết định quay phim lại vụ việc.

“Chúng tôi van xin thuyền trưởng không làm vậy. Tôi thấy buồn và giận dữ vì bạn bè mình bị ném xuống biển. Họ (tàu Trung Quốc) đối xử với con người mà như động vật”, một thuyền viên tên Yusuf nói.

Tian Yu 8 cuối cùng đã cập cảng Busan, Hàn Quốc, và các thủy thủ được đưa đi bệnh viện. Efendi, thuyền viên thứ 4, đã qua đời ở đây. Anh bị chẩn đoán chết vì viêm phổi nhưng âm tính với Covid-19.

Yudha cho biết anh bị bỏ lại ở Samoa và được cho tiền để bay về Indonesia. Anh được trả 638 USD cho 10 tháng làm việc trên biển. Yudha nói anh bị chẩn đoán suy dinh dưỡng và mắc bệnh beriberi, một căn bệnh do thiếu vitamin B1.

Khi các thuyền viên tung đoạn video hải táng lên mạng, vụ việc đã gây “sốc” cho dư luận. Chính quyền Indonesia lên án tàu cá Trung Quốc hành xử “vô nhân đạo” và yêu cầu Trung Quốc điều tra.

Chị gái Sepri, Rika Andri Pratama, nói rằng lời lý giải của phía công ty tuyển dụng em trai cô là không đầy đủ. Dù gia đình cô được đền bù khoảng 17.000 USD nhưng cô muốn các bên có liên quan phải hành động để chuyện này không bao giờ tái diễn.

Các nhà hoạt động cho rằng vụ việc tàu Long Xing 629 chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm” và lên án hành vi vì lợi nhuận bất chấp vi phạm nhân quyền của các tàu cá.

Đức Hoàng

Theo Guardian

Nguồn tin: http://dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây