Bất kỳ thỏa thuận nào đạt được gần đây giữa hai ông Trump-Tập chắc chắn sẽ chỉ là ngắn hạn, bởi sự hợp tác Mỹ-Trung nhằm hội nhập kinh tế đã bị thay thế hoàn toàn bằng sự cạnh tranh.
Như một phần trong thỏa thuận mới đạt được, Mỹ sẽ tạm ngừng áp thuế lên 300 tỷ USD hàng hóa còn lại của Trung Quốc nhập vào nước này, song những khoản áp thuế trước đó vẫn được giữ nguyên. Ngoài ra, Mỹ cũng nhượng bộ Trung Quốc ở vấn đề Huawei, để đổi lại Bắc Kinh sẽ mua thêm hàng nông sản của nước này.
Khi các cuộc đàm phán được đề xuất một cách nghiêm túc, vậy các động lực chính nào sẽ có khả năng định hình lại các cuộc thảo luận sẽ diễn ra sắp tới?
Theo SCMP, Trung Quốc đã nhận ra một số chính sách trước đây không còn phù hợp với hiện tại. Một số nhượng bộ sẽ là cần thiết để mối quan hệ thương mại và đầu tư song phương tránh đi vào tình trạng xấu hơn, và sự gián đoạn của thương mại Mỹ-Trung sẽ có kết quả tồi tệ.
Một số trong những nhượng bộ này, chẳng hạn như Trung Quốc quyết định mua thêm đậu nành hoặc khí tự nhiên hóa lỏng từ Mỹ sẽ tương đối dễ dàng vì những mặt hàng này có vô vàn lý do để nhập khẩu. Còn trong các lĩnh vực khó khăn hơn, như các chính sách về công nghệ, Trung Quốc hiểu rằng họ sẽ phải thực hiện một vài điều chỉnh. Nhưng Trung Quốc chắc chắn sẽ không làm bất cứ điều gì có khả năng hạn chế việc theo đuổi các mục tiêu phát triển kinh tế.
Sự thành công hay thất bại của các cuộc đàm phán hiện nay sẽ xoay quanh việc liệu các nhượng bộ trong chính sách công nghiệp mà Bắc Kinh đưa ra có đủ để thỏa mãn yêu cầu của Washington hay không. Tuy nhiên, chính từ lần trước khi Bắc Kinh rút lại các nhượng bộ đã đưa ra dẫn tới sự đổ vỡ các cuộc đàm phán hồi đầu tháng 5, đã cho thấy việc phản đối quá nhiều sự thỏa hiệp đang ngày càng gia tăng trong nội bộ Trung Quốc.
Trong khi đó tại Mỹ, những cân nhắc về chính sách lại đang là trọng tâm. Hiện giới chức Nhà Trắng sẽ đánh giá mọi quyết định chính trị dựa trên việc những quyết định đó sẽ có ảnh hưởng như thế nào với chiến dịch tái tranh cử của ông Trump. Một thỏa thuận thương mại được ký kết giữa Mỹ-Trung sẽ cho người dân Mỹ thấy được “sự chiến thắng” với những lợi ích mà nước Mỹ sẽ nhận được.
Nhưng nếu thỏa thuận thương mại trên chỉ mang lại ít lợi ích cho Mỹ, thì sẽ khiến ông Trump chịu sự chỉ trích từ phía Đảng Dân chủ rằng tổng thống đã quá “mềm mỏng” với Trung Quốc, và điều này sẽ gây bất lợi cho việc ông Trump tái tranh cử.
Tuy nhiên các chuyên gia thuộc SCMP nhận định, bất kể các cuộc thảo luận từ nay trở đi có diễn ra như thế nào, thì Bắc Kinh chắc chắn đã tiếp thu được một bài học rằng: Trung Quốc không còn có thể cho phép mình phụ thuộc vào Mỹ ở các lĩnh vực công nghệ quan trọng, nhất là khi những công nghệ đó phục vụ cho các mục tiêu phát triển của nước này.
Việc chính quyền Washington quyết định cấm các tập đoàn công nghệ như Huawei và ZTE được tiếp cận ngành công nghệ điện tử của Mỹ đã làm lộ ra điểm yếu công nghệ của Trung Quốc, đồng thời tạo ra sự phẫn nộ sâu sắc tới từ các nhà hoạch định chính sách của Bắc Kinh.
Trung Quốc có rất nhiều biện pháp để có thể thu hẹp khoảng cách về công nghệ. Tuy nhiên cái khó ở đây là cách Bắc Kinh sử dụng những biện pháp này như thế nào mà vẫn có thể khiến cho Washington chấp nhận tiến tới ký kết một thỏa thuận thương mại.
Từ đầu những năm 2000 cho đến vài năm gần đây, các chính sách thương mại của Mỹ đối với Trung Quốc khá hòa nhã. Nhìn chung, sự hội nhập kinh tế sâu sắc hơn giữa Mỹ-Trung rất đáng mong đợi, cả về những cân nhắc về mặt kinh tế lẫn cả địa chiến lược. Tuy nhiên những chính sách này hiện nay hoàn toàn biến mất tại Mỹ.
Thay vào đó, người Mỹ hiện cho rằng cán cân đang nghiêng về phía Trung Quốc, với vấn đề thương mại và sự đầu tư đã mang lại nhiều lợi ích khổng lồ cho Trung Quốc và có rất ít lợi ích, thậm chí gây ra nhiều bất lợi cho Mỹ. Sự hội nhập kinh tế hiện không còn là mục tiêu. Trên thực tế, nhiều người Mỹ đang kêu gọi hủy bỏ sự hội nhập như vậy.
Rõ ràng, vấn đề duy nhất hiện nay đang tạo ra sự đoàn kết cho hai Đảng Cộng hòa và Dân chủ, đó là sự cần thiết cho một đường lối cứng rắn hơn với Trung Quốc trong vấn đề thương mại. Và những điều này không phải do ông Trump tạo ra, và sẽ còn tồn tại rất lâu so với nhiệm kỳ của người đứng đầu Nhà Trắng.
Tờ SCMP cho rằng, sẽ có những lĩnh vực mà thương mại và đầu tư giữa hai nước có thể phát triển và mang lại lợi ích chung. Nhưng với những khác biệt lớn của các hệ thống kinh tế đã có thể chứng minh điều này là không thực tế. Các cuộc thảo luận hiện đã nối lại sẽ có thể là cơ hội để Mỹ-Trung bắt đầu quá trình xác định lại mối quan hệ phù hợp hơn với thực tế và có thể đáp ứng được yêu cầu của cả hai nước. Điều này có thể không được thực hiện nhanh chóng, nhưng nó mang lại nhiều lợi ích tốt nhất cho cả hai nước.
Theo Tuấn Trần
Vietnamnet
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn