Cảng Hambantota nằm tại vị trí trung tâm của tuyến vận tải hàng hải đông đúc ở phía nam Sri Lanka. Những người chỉ trích coi cảng này là biểu tượng cho khía cạnh tồi tệ nhất trong chiến lược “ngoại giao bẫy nợ” của Trung Quốc, thậm chí nhiều người dân địa phương xem đó là dấu hiệu cho thấy sự lệ thuộc vào Bắc Kinh.
Trong nhiệm kỳ lãnh đạo Sri Lanka, cựu Thủ tướng Ranil Wickremesinghe từng đồng ý cho Công ty cổ phần cảng Trung Quốc (China Merchants Port Holdings Co) thuê cảng Hambantota trong thời hạn 99 năm để đổi lấy khoản tiền 1,1 tỷ USD. Ông Wickremesinghe cho biết khoản tiền này sẽ giúp giảm bớt gánh nặng nợ nần cho Sri Lanka, sau khi nước này vay tiền của Trung Quốc để xây dựng cảng.
Ông Gotabaya Rajapaksa, em trai cựu Tổng thống Mahinda Rajapaksa, đã đắc cử tổng thống Sri Lanka hồi tháng trước sau chiến dịch tranh cử với quyết tâm xem xét lại hợp đồng cho thuê cảng Hambantota từ tay Trung Quốc. Chính quyền mới của Tổng thống Gotabaya muốn giành lại quyền kiểm soát cảng biển chiến lược này.
“Chúng tôi muốn họ trả lại cảng. Tình huống lý tưởng là quay trở lại nguyên trạng ban đầu. Chúng tôi muốn trả khoản vay đúng hạn, theo cách mà chúng tôi đã nhất trí ban đầu mà không có bất kỳ sự xáo trộn nào”, cựu Thống đốc ngân hàng trung ương Sri Lanka Ajith Nivard Cabraal cho biết.
Tuy nhiên cho đến nay, chưa có dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc sẽ xem xét lại hợp đồng thuê cảng với Sri Lanka. Ngược lại, Bắc Kinh tuyên bố rằng, kế hoạch phát triển cảng Hambantota cần được đẩy mạnh.
Ngày 2/12, nhà ngoại giao Trung Quốc Wu Jianghao đã gặp Tổng thống Gotabaya Rajapaksa để chúc mừng ông đắc cử. Khi đưa tin về cuộc gặp, hãng thông tấn Tân Hoa Xã của Trung Quốc nói rằng hai nước nên “đẩy nhanh việc triển khai hợp tác các dự án kinh tế lớn, bao gồm cảng Colombo Port City và cảng Hambantota, theo sự đồng thuận hiện thời”.
Trong khi đó, văn phòng tổng thống Sri Lanka không đề cập chi tiết về cuộc gặp, mà chỉ mô tả đây là một cuộc thảo luận “thân mật”.
Xu hướng chung của các nước
Sri Lanka không phải quốc gia duy nhất ở khu vực Nam Á và Đông Nam Á, nơi chính quyền mới tìm cách đàm phán lại các thỏa thuận từng được ký kết bởi chính quyền tiền nhiệm trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.
Trong khi Malaysia đàm phán lại thành công với Trung Quốc về hợp đồng xây dựng tuyến đường sắt bờ biển phía Đông nước này, các nước khác như Pakistan và Myanmar không đạt được kết quả tốt như vậy.
Giới quan sát quốc tế nhận định, sự phụ thuộc hiện tại của Sri Lanka vào các khoản đầu tư nước ngoài, trong bối cảnh nước này vẫn đang tiếp tục công cuộc tái thiết sau cuộc nội chiến kéo dài, sẽ hạn chế khả năng của Sri Lanka trong việc đàm phán với Trung Quốc.
“Năng lực của một quốc gia trong việc đàm phán lại các thỏa thuận sẽ phụ thuộc vào quy mô nền kinh tế cũng như triển vọng chiến lược của quốc gia đó”, Amitendu Palit, nhà kinh tế học chuyên nghiên cứu về chính sách đầu tư và thương mại quốc tế tại Đại học Quốc gia Singapore, nhận định.
“Malaysia vượt trội hơn rất nhiều trong vấn đề này. Họ là quốc gia có thu nhập trung bình với nền kinh tế mạnh hơn rất nhiều và cũng là một phần trong trật tự khu vực ổn định. Sri Lanka không có được những lợi thế này. Đã 10 năm sau khi nội chiến kết thúc, nền kinh tế Sri Lanka vẫn không thể đạt được tốc độ tăng trưởng cao và thu hút đầu tư tư nhân dài hạn”, chuyên gia Palit cho biết.
Cảng Hambantota chiến lược ở phía nam thủ đô Colombo là nơi phục vụ cho các tuyến vận tải chính giữa châu Âu và châu Á, đồng thời là một phần trong kế hoạch được gọi là “chuỗi ngọc trai” của Bắc Kinh gồm một loạt các cảng trải dài từ vùng biển của Trung Quốc tới vịnh Persian.
Nợ của Sri Lanka hiện chiếm 78% GDP. Đây là một trong những nước có tỷ lệ nợ cao nhất trong khu vực Nam Á và Đông Nam Á.
Từ năm 2010 đến năm 2015, Trung Quốc đã cho Sri Lanka vay khoảng 5 tỷ USD để phát triển các dự án hạ tầng, bao gồm sân bay Mattala và cảng Hambantota. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tính đến năm 2018, các khoản vay từ Trung Quốc của Sri Lanka đã chạm ngưỡng 8 tỷ USD.
Sufian Jusohm, giáo sư về đầu tư và thương mại quốc tế tại Đại học Quốc gia Malaysia, cho rằng chính quyền Sri Lanka cần đề xuất với Trung Quốc một phương án thay thế nếu họ muốn xem xét lại hợp đồng thuê cảng Hambantota.
“Sri Lanka có thể rút lại hợp đồng cho thuê, tuy nhiên họ phải đối mặt với nguy cơ bồi thường cho công ty Trung Quốc vì đã lấy lại cảng. Ngoài ra, điều này cũng dẫn tới xung đột về ngoại giao giữa Sri Lanka và Trung Quốc. Trong bất kỳ trường hợp nào, Sri Lanka vẫn có thể thuyết phục Trung Quốc đồng ý xem xét lại hợp đồng nếu họ có thể đưa ra một thỏa thuận khác thay thế”, giáo sư Jusohm nhận định.
Swaran Singh, giáo sư về ngoại giao tại New Delhi (Ấn Độ), cho rằng việc chính quyền mới của các nước tìm cách đàm phán lại các thỏa thuận Vành đai và Con đường với Trung Quốc đã trở thành một xu hướng.
Theo ông Singh, các nhà lãnh đạo mới “tìm cách đàm phán lại các dự án Vành đai và Con đường với danh nghĩa vì lợi ích quốc gia”, tuy nhiên họ cũng muốn đặt “dấu ấn cá nhân vào các dự án nhằm thể hiện sự đóng góp của họ đối với việc phát triển đất nước”.
Du Youkang, giáo sư chuyên nghiên cứu khu vực Nam Á tại Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải (Trung Quốc), cho rằng mong muốn của tân tổng thống Sri Lanka trong việc xem xét lại hợp đồng với Trung Quốc được thúc đẩy bởi chính trị nội bộ hơn là quan ngại về kinh tế.
“Dù cho các thỏa thuận được xem xét lại như thế nào, rõ ràng chiến lược ngoại giao của các nước này với Trung Quốc sẽ không thay đổi. Bởi vì họ vẫn cần các khoản đầu tư của Trung Quốc”, giáo sư Du nói.
Giáo sư Du cho rằng các chính quyền mới có thể đề xuất thỏa thuận thay thế với Trung Quốc, sau khi đàm phán lại các thỏa thuận cũ. Tuy vậy, ông cũng nhận định, hiện vẫn còn "quá sớm" để khẳng định việc đàm phán lại các thỏa thuận sẽ gây tổn hại cho mối quan hệ giữa các nước với Trung Quốc, cũng như cản trở Sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh.
Thành Đạt
Theo SCMP
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn