Phản ứng của quốc tế về cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử Hàn - Triều
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (Ảnh: Reuters)
Ngày 27/4 đã ghi nhận một dấu mốc mang tính lịch sử trong quan hệ liên Triều. Sau gần 70 năm trong tình trạng chiến tranh kỹ thuật, ông Kim Jong-un đã trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên của Triều Tiên đặt chân đến lãnh thổ Hàn Quốc.
Hai nhà lãnh đạo đã hội đàm và đưa ra tuyên bố chung về việc chấm dứt các hoạt động thù địch, tuyên truyền chống phá và đặc biệt hai bên dự kiến sẽ ký hiệp ước hòa bình vào cuối năm nay nhằm chấm dứt Chiến tranh liên Triều.
Nhận định về cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều hôm nay, Trung Quốc, đồng minh thân thiết của Bình Nhưỡng, kỳ vọng về một “hành trình ổn định lâu dài trên bán đảo Triều Tiên”. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói: “Chúng tôi hoan nghênh bước tiến lịch sử mà 2 nhà lãnh đạo đạt được và đánh giá cao quyết định chính trị và lòng can đảm của họ”. Bà Hoa còn trích một câu thơ Trung Quốc để bình luận về sự kiện này: “Chúng ta vẫn là anh em sau tất cả những thăng trầm; hãy từ bỏ những hận thù cũ, hãy mỉm cười khi chúng ta gặp lại”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã viết trên mạng xã hội Twitter, cho rằng: "Sau một năm Triều Tiên phóng tên lửa và thử hạt nhân, cuộc gặp lịch sử Hàn - Triều đang được tổ chức. Những điều tốt đẹp đang diễn ra, nhưng thời gian sẽ trả lời tất cả". Tổng thống Trump, người dự kiến sẽ gặp ông Kim trong vài tuần tới, cũng nói rằng: "Chiến tranh liên Triều sắp kết thúc. Nước Mỹ và những công dân Mỹ tuyệt vời nên tự hào về những gì đang diễn ra tại bán đảo Triều Tiên".
Ông Trump cũng ghi nhận công lao Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nhấn mạnh "sự hỗ trợ tuyệt vời" của Trung Quốc trong việc giải quyết vấn đề Triều Tiên cùng với cộng đồng quốc tế.
Trả lời báo chí, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói: "Hôm nay Tổng thống Moon và nhà lãnh đạo Kim đã thảo luận nghiêm túc về vấn đề phi hạt nhân hoá Triều Tiên. Tôi cho rằng đây là một động thái tích cực đối với việc giải quyết toàn diện các vấn đề liên quan đến Triều Tiên. Chúng tôi hy vọng rằng Bình Nhưỡng sẽ có hành động cụ thể sau cuộc họp này cũng như sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi các động thái của Triều Tiên trong tương lai".
Ông Abe cho biết Nhật Bản muốn tiếp tục phối hợp chặt chẽ giữa với Mỹ và Hàn Quốc để giải quyết toàn diện vấn đề người Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc những năm 1980-1990, vấn đề hạt nhân và tên lửa trên bán đảo Triều Tiên.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đánh giá kết quả cuộc hội đàm thượng đỉnh liên Triều rất tích cực. Ông cho rằng ngày hôm nay, hai miền ở bán đảo Triều Tiên đã trao đổi trực tiếp và đã có những viễn cảnh sáng sủa cho tương lai. Phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng điều quan trọng là Hàn Quốc và Triều Tiên đã nối lại đối thoại.
Ngoại trưởng Anh Boris Johnson cho biết ông rất ủng hộ hội nghị thượng đỉnh liên Triều dù ông không mấy kỳ vọng và sự đột phá trong việc loại bỏ tham vọng hạt nhân của Triều Tiên. Tuy nhiên, ông cho rằng việc hai nhà lãnh đạo Hàn - Triều gặp gỡ là một tin tức tốt lành cho khu vực.
Theo Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, kết quả của Hội nghị thượng đỉnh liên Triều mới chỉ là bước đầu tiên. Mặc dù điều này rất đáng khích lệ, nhưng còn nhiều khó khăn ở phía trước.
Tác giả: Đức Hoàng
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn