Tàu ngầm Argentina chở 44 người mất tích: Cơ hội sống sót tính bằng giờ
Tín hiệu thất bại
Tàu ngầm ARA San Juan của Hải quân Argentina chở 44 thành viên thủy thủ đoàn đã mất tích suốt 5 ngày qua ở khu vực biển động trên Đại Tây Dương. Vị trí cuối cùng của tàu San Juan được xác nhận là ở cách bờ biển phía nam của Argentina khoảng 432 km vào sáng sớm ngày 15/11. Bộ Quốc phòng Argentina cho biết cơ quan này đã nhận được 7 cuộc gọi vệ tinh thất bại vào cuối buổi sáng và đầu buổi chiều ngày 18/11 với thời lượng kéo dài từ 4-36 giây và nghi rằng đây có thể là tín hiệu phát đi từ tàu ngầm San Juan.
Tuy nhiên, hy vọng về cơ hội sống sót của 44 người trên tàu ngầm San Juan ngày càng ít đi khi giới chức hải quân Argentina cho biết các cuộc gọi vệ tinh mà Bộ Quốc phòng nước này nhận được có thể không phải từ tàu ngầm mất tích. Chính phủ Argentina vẫn đang nỗ lực phối hợp với một công ty chuyên về liên lạc vệ tinh của Mỹ để xác định vị trí tàu San Juan.
“Các cuộc gọi đang được phân tích nhưng chúng tôi không có bằng chứng rõ ràng cho thấy chúng bắt nguồn từ tàu ngầm”, CNN dẫn lời Đô đốc Gabriel Gonzales, quan chức hải quân Argentina chịu trách nhiệm tại căn cứ ở Mar del Plata, nơi tàu San Juan dự kiến cập bến vào ngày 19/11, cho biết.
Trong khi đó, quân đội Argentina, với sự hỗ trợ của nhiều quốc gia trong khu vực, đang đẩy mạnh chiến dịch tìm kiếm tàu San Juan mặc dù những nỗ lực của họ đang bị cản trở đáng kể do thời tiết xấu.
“Thời tiết ở khu vực tìm kiếm tiếp tục gây khó khăn. Chúng tôi đang phải đương đầu với những đợt sóng cao từ 6-8 m trong khi sức gió lên tới hơn 70 km/giờ. Không may mắn là có vẻ như thời tiết xấu như thế này sẽ còn tiếp tục kéo dài thêm 48 giờ tới”, BBC dẫn lời Đô đốc Gonzales cho biết.
Cơ hội sống sót tính bằng giờ
Giáo sư Đại học Quốc gia Australia James Goldrick, cựu lãnh đạo Viện Lực lượng Phòng vệ Australia, nói với News.com.au rằng cơ hội sống sót của các thủy thủ trên tàu San Juan rất thấp.
“Cứ mỗi giờ trôi qua, khả năng tìm thấy họ sống sót trở về càng ít đi. Tôi không hy vọng nhiều rằng sẽ tìm thấy họ. Sẽ thật tuyệt vời nếu như đó chỉ vấn đề về lỗi liên lạc (của con tàu), tuy nhiên sau ngần ấy thời gian, tôi không tin điều đó sẽ xảy ra. Chúng ta nên đối mặt với tình huống xấu nhất”, Giáo sư Goldrick, cựu đô đốc của Hải quân Australia, nhận định.
Theo New York Times, viễn cảnh khả quan nhất hiện nay là hệ thống liên lạc của tàu ngầm bị trục trặc, có thể do cháy nổ hoặc bị ngấm nước, nên không thể phát tín hiệu về đất liền. Tuy nhiên, hệ thống liên lạc hỏng không làm ảnh hưởng tới khả năng di chuyển của tàu và như vậy lẽ ra con tàu này phải cập cảng Mar del Plata theo đúng lịch trình.
Hải quân Argentina cho biết lượng lương thực và khí oxy trên tàu ngầm San Juan đủ cho các thành viên thủy thủ đoàn sống sót trong vòng 2 tuần. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng trong trường hợp xảy ra thảm họa thì điều này cũng không có tác dụng. Trong khi đó, một số người tỏ ra lo ngại vì San Juan là một tàu ngầm cũ của Argentina, được chế tạo từ năm 1984.
Trở ngại kỹ thuật
Theo Sputnik, thông thường các tàu ngầm đều được trang bị Phao vô tuyến chỉ báo vị trí cấp cứu (EPIRB). Loại phao này được thả nổi trên mặt biển để phát tín hiệu lên vệ tinh, từ đó thông báo vị trí tàu ngầm gặp nạn trong trường hợp tàu không thể liên lạc với sở chỉ huy trên đất liền. Mặc dù vậy, theo một số chuyên gia, trong trường hợp tàu ngầm San Juan ở vị trí rất sâu dưới mặt nước biển thì dây cáp nối của phao EPIRB có thể không đủ độ dài để đưa phao nổi lên mặt nước.
Hơn nữa, với những tàu ngầm cũ như San Juan, khả năng kích hoạt phao EPIRB có thể sẽ gặp trục trặc. Ngoài ra, trong khoang của tàu ngầm cũng có một thiết bị phát tín hiệu khẩn cấp khác, tuy nhiên nếu tàu ngầm gặp phải sự cố nghiêm trọng như đâm phải một vật thể nào đó khi đang di chuyển thì thiết bị này cũng không phát huy tác dụng.
Theo Giáo sư Goldrick, độ lặn sâu của tàu ngầm cũng là yếu tố ảnh hưởng tới khả năng sống sót của các thành viên thủy thủ đoàn. Nếu vị trí của tàu ngầm so với mặt nước biển không quá sâu thì cơ hội sống sót vẫn còn, nhưng nếu tàu ngầm chìm sâu dưới lòng đại dương thì tất cả sẽ gặp nguy hiểm vì “ở dưới độ sâu nhất định, vỏ tàu sẽ vỡ ra”.
Khi tàu bị chìm xuống quá sâu thì ngay cả các thiết bị lặn cũng không thể giúp các thành viên thủy thủ đoàn ngoi lên mặt nước do cơ thể người không thể chịu được áp lực nước ở độ sâu như vậy. Ngay cả trong trường hợp họ may mắn thoát ra khỏi tàu ngầm và nổi lên mặt nước thì khả năng sống sót cũng rất thấp vì phải lênh đênh giữa một vùng nước lạnh trong thời gian dài trước khi các lực lượng cứu hộ tìm thấy họ.
Hải quân Argentina cho biết do tàu ngầm được thiết kế để hoạt động dưới nước và tránh sự theo dõi của đối phương nên màu sơn của tàu có thể hòa lẫn với nước biển. Đây cũng là một trong số nguyên nhân khiến việc tìm kiếm tàu gặp nhiều khó khăn.
San Juan là một trong 3 tàu ngầm của Hải quân Argentina. Tàu ngầm này dài 65 m, rộng 7 m do Đức sản xuất và được nâng cấp từ năm 2007-2014 để có thể kéo dài thời gian hoạt động thêm 30 năm. Tàu ngầm mất tích trên Đại Tây Dương khi đang di chuyển từ căn cứ Ushuaia đến cảng quê nhà Mar del Plata. Argentina đã huy động hàng loạt máy bay, tàu quân sự, tàu nghiên cứu khoa học, tàu phá băng và tàu đánh bắt cá để tìm kiếm tàu ngầm mất tích cùng với sự hỗ trợ của Brazil, Anh, Chile, Mỹ và Uruguay.
Tác giả: Thành Đạt
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn