Theo trang mạng 38 North thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế Johns Hopkins, Triều Tiên được cho là đang tập trung phát triển tảo như một “nguồn tài nguyên chiến lược” trong bối cảnh nước này liên tục phải hứng chịu các lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế.
38 North cho biết ngay từ đầu thập niên 2000, các cơ sở nghiên cứu tại Triều Tiên đã mở rộng thêm các hồ nước cũng như hệ thống thủy sinh để làm nơi phát triển các loại tảo. Tuy nhiên, các hoạt động này bắt đầu được tăng cường hơn trong thời gian gần đây. 38 North cũng lấy dẫn chứng là hai nhà máy lớn tại hai khu vực khác nhau - nơi được Triều Tiên sử dụng để phát triển tảo.
“Không có gì ngạc nhiên khi chính phủ Triều Tiên đang phát triển hàng nghìn hồ nước lộ thiên ở khu vực nông thôn để sản xuất tảo, cùng với đó là những cơ sở ngày càng lớn hơn và phức tạp hơn với mục đích được cho là để tăng cường sản xuất tảo”, 38 North cho biết.
Tảo được xem là nguồn tài nguyên đa dạng, có thể sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau như sản xuất lương thực thực phẩm, phân bón, làm nguyên liệu đầu vào cho ngành công nghiệp chế biến hay thậm chí là sản xuất nhiên liệu sinh học. Theo 38 North, ngành công nghiệp tảo dần dần có thể giúp Triều Tiên “giảm bớt những hệ quả tiêu cực từ các lệnh trừng phạt đánh vào nguồn cung năng lượng và lương thực” của nước này.
Triều Tiên hiện vẫn thiếu nguồn dự trữ xăng dầu cũng như phân bón. Để ứng phó với điều này, Bình Nhưỡng từ lâu đã phải tìm cách trở thành một quốc gia độc lập về tài nguyên. Trước đây, Triều Tiên phải phụ thuộc vào việc nhập khẩu lương thực và nhiên liệu từ nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc - đồng minh kiêm đối tác thương mại lớn nhất của Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, Bắc Kinh hồi tháng trước đã quyết định hạn chế xuất khẩu nhiên liệu sang Triều Tiên nhằm tuân theo nghị quyết trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Đây được cho là lý do khiến Triều Tiên đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp tảo. Sau khi được xử lý, tảo có thể chứa hàm lượng protein cao và được sử dụng để làm thực phẩm hoặc phân bón. Từng được coi là “vàng xanh”, tảo đã giúp nhiều nước đang phát triển trên thế giới chống chọi với nạn đói và suy dinh dưỡng.
Theo 38 North, tảo cũng chứa thành phần lipid và có thể được xử lý để làm thành nhiên liệu sinh học. Trang mạng này ước tính Triều Tiên có thể sản xuất 2.851 tấn tảo mỗi năm, từ đó có thể mang lại xấp xỉ 1.425,5 tấn sản phẩm dinh dưỡng và có thể chuyển hóa thành 4.075,6 thùng dầu.
“Chỉ cần nhân rộng quy mô phát triển tảo thêm 100 lần, sản lượng dầu (từ tảo) có thể đáp ứng 6,5% nhu cầu tiêu thụ ước tính cho toàn bộ nền kinh tế Triều Tiên trong năm 2014”, 38 North cho biết.
Tác giả: Thành Đạt
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn