Việc Nga chuyển giao hệ thống S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ hôm 12/7 là sự kiện mà giới chức Mỹ đã dự trù từ nhiều tháng trước. Họ cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ rằng, việc mua hệ thống vũ khí của Nga sẽ đe dọa tới đơn hàng Ankara đặt mua các máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ. Bây giờ, Washington sẽ phải quyết định xem phản ứng như thế nào trước động thái của Thổ Nhĩ Kỳ.
Hệ thống S-400 là gì?
Hệ thống tên lửa đất đối không S-400 là một trong những vũ khí phòng không tối tân của Nga. Đây là phiên bản nâng cấp của S-300, hệ thống do Liên Xô sản xuất để đối phó với hệ thống tên lửa Patriot của Mỹ trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
S-400 được các nước NATO gọi là SA-21 Growler. Tổ hợp phòng không này gồm một số thành phần: xe tải vận chuyển và phóng tới 4 tên lửa, các radar riêng biệt hoạt động với tần suất khác nhau và được kết nối với nhau để đảm bảo độ chính xác cao hơn.
Điểm khác biệt giữa S-400 với các hệ thống phòng không trước đó là khả năng xác định và tấn công nhiều máy bay đối phương với tầm bắn 250 km và ở độ cao 25 km.
S-400 đóng vai trò như xương sống của một mạng lưới phòng không, bao gồm nhiều lớp phòng thủ, như tên lửa tầm ngắn, được bố trí xung quanh hệ thống này. Tuy vậy, không phải nhà phân tích phương Tây nào cũng coi S-400 như một vũ khí mang tính đột phá.
Theo nhà phân tích Michael Kofman tại viện nghiên cứu phi chính phủ CNA Corporation, hệ thống S-400 của Nga đang bị “thổi phồng” quá mức. Ông Kofman cho rằng, mặc dù S-400 được mô tả như “viên đạn ma thuật”, có khả năng tiêu diệt các máy bay tàng hình tránh được radar như F-35, song radar của S-400 vẫn gặp khó khăn trong việc phát hiện các loại máy bay tàng hình để nhắm mục tiêu chính xác và bắn trúng các máy bay này.
Chuyên gia Kofman cũng không chắc chắn về việc liệu hệ thống S-400 do Nga xuất khẩu ra nước ngoài, tương tự hệ thống chuyển giao cho Thổ Nhĩ Kỳ hôm qua, có bị cắt giảm các tính năng so với phiên bản S-400 được Nga sử dụng cho chính hệ thống phòng không của nước này hay không.
Mỹ có cần lo lắng không?
Mặc dù NATO đã tìm cách giúp Thổ Nhĩ Kỳ xây dựng hệ thống phòng không tổng thể của nước này, song hiện vẫn chưa rõ liệu S-400 có được tích hợp dễ dàng vào hệ thống của Ankara hay không. Tuy nhiên, mối lo ngại lớn hơn của Mỹ là các thông tin nhạy cảm về máy bay chiến đấu F-35, một trong những vũ khí tối tân của Washington, có thể bị “bắt bài”.
Thổ Nhĩ Kỳ đã đặt hàng khoảng 100 chiếc F-35. Ngoài ra, Ankara cũng đóng vai trò trong việc chế tạo và bảo trì dòng máy bay chiến đấu này của Mỹ.
Lầu Năm Góc lo ngại rằng, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cần tới các kỹ thuật viên Nga để huấn luyện và vận hành hệ thống S-400. Trong quá trình đó, Nga sẽ biết được các thông tin về máy bay F-35 do Thổ Nhĩ Kỳ sở hữu, trong khi đây lại là những thông tin mà Mỹ muốn giữ bí mật.
Xuất phát từ lo ngại trên, Lầu Năm Góc đã dọa loại Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi chương trình F-35 của Mỹ nếu vẫn tiếp tục mua S-400 của Nga.
Tuy nhiên, chuyên gia Kofman cho rằng Mỹ đang lo sợ quá mức và lập luận do Washington đưa ra “không có giá trị về mặt kỹ thuật”.
Theo chuyên gia Kofman, chức năng duy nhất S-400 có thể làm với hệ thống radar của tổ hợp này là theo dõi hành trình bay của F-35. Đây là điều mà Nga đã làm ở Trung Đông và Baltic, khi hệ thống S-400 tại Syria và các trạm radar ở Kaliningrad theo dõi các máy bay Mỹ như F-35 hay F-22 cùng một lúc.
NATO liệu có chia rẽ vì Thổ Nhĩ Kỳ?
Ngoài các lo ngại của Lầu Năm Góc về vấn đề kỹ thuật của S-400, việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng không của Nga cũng đặt ra hàng loạt câu hỏi liên quan tới chiến lược và địa chính trị.
Giới phân tích nhận định gần như chưa có tiền lệ một nước thành viên NATO như Thổ Nhĩ Kỳ chuyển hướng sang Nga để mua một thiết bị quân sự tối tân như vậy.
Chính phủ của nhiều nước thành viên NATO vẫn luôn xem Nga là mối đe dọa đáng lo ngại hơn bao giờ hết đối với phương Tây. Họ cũng không cho rằng Nga là một bên đáng tin cậy để cung cấp cho các thành viên của liên minh quân sự này hệ thống phòng không quan trọng.
Tuy vậy, Thổ Nhĩ Kỳ không phải lúc nào cũng “đồng điệu” với Nga, đặc biệt trong cuộc xung đột tại Syria khi Điện Kremlin ủng hộ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad, còn Ankara đứng về phía các nhóm nổi dậy.
Tại sao Thổ Nhĩ Kỳ vẫn mua S-400?
Sự can thiệp của Mỹ vào Iraq và Syria đã hậu thuẫn cho các nhóm người Kurd, vốn bị Thổ Nhĩ Kỳ xem là các phần tử ly khai khủng bố, đe dọa sự toàn vẹn thống nhất của Thổ Nhĩ Kỳ và là mối lo ngại an ninh cấp bách nhất của Ankara. Giới phân tích cho rằng đây chính là nguyên nhân chính dẫn tới việc Thổ Nhĩ Kỳ mất lòng tin vào Mỹ và tăng cường hợp tác với Nga.
Ngoài ra, trong suốt nhiều năm, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tìm cách lấp đầy lỗ hổng trong năng lực phòng không của nước này bằng cách mua hệ thống tên lửa đất đối không Patriot do Mỹ sản xuất. Tuy nhiên, Ankara vẫn không thể đàm phán thành công với Washington để đi đến một thỏa thuận.
Theo đó, mặc dù NATO đã triển khai một hệ thống Patriot trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ sau khi cuộc nội chiến tại Syria bùng nổ vào năm 2011, song Ankara vẫn quyết tâm mua một hệ thống phòng không riêng.
Trong bối cảnh Mỹ rút khỏi khu vực và Nga được xem như một cường quốc mới hồi sinh, Thổ Nhĩ Kỳ dường như đã có tính toán của riêng mình.
Thổ Nhĩ Kỳ và Nga vẫn tránh xảy ra xung đột bên ngoài Syria, đồng thời hợp tác với nhau thông qua các cuộc đàm phán hòa bình do Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran dẫn đầu.
Tuy vậy, thương vụ S-400 vẫn đặt ra cho Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan những rủi ro tiềm tàng. Ông Erdogan quyết tâm theo đuổi hệ thống phòng không của Nga bất chấp sự cảnh báo của Mỹ và những thiệt hại do các lệnh trừng phạt áp đặt lên nền kinh tế vốn gặp khó khăn của Thổ Nhĩ Kỳ.
Lập trường của Tổng thống Mỹ như thế nào?
Liên quan tới việc Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400 của Nga, quan điểm của Tổng thống Donald Trump không hoàn toàn đồng nhất với các quan chức quốc phòng Mỹ.
Lầu Năm Góc đổ lỗi cho Thổ Nhĩ Kỳ, cảnh báo nước này về những hậu quả nghiêm trọng nếu mua S-400 của Nga. Trong khi đó, Tổng thống Trump đổ lỗi cho chính quyền tiền nhiệm của cựu Tổng thống Barack Obama. Ông Trump cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ buộc phải mua hệ thống S-400 của Nga vì ông Obama không bán cho Ankara hệ thống phòng không do Mỹ sản xuất.
“Đó là một mớ hỗn độn. Thành thật mà nói, đó không phải thực sự là lỗi của ông Erdogan”, Tổng thống Trump phát biểu tại hội nghị G20 ở Nhật Bản hồi tháng trước.
Thành Đạt
Theo New York Times
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn