Theo RT, Su-57, máy bay chiến đấu đa năng thế hệ 5 đầu tiên của Nga, được xem là mối đe dọa đáng gờm đối các lực lượng không quân trên toàn thế giới, trong đó có Mỹ. Thông thường Su-57 được thiết kế để có thể mang theo các vũ khí đặt ở các khoang chứa phía trong nhằm giảm nguy cơ bị radar phát hiện và cũng để tránh làm mất đi tính năng tàng hình của máy bay.
Tuy nhiên, Su-57 vẫn có thể mang theo các tên lửa với kích cỡ lớn hơn đặt ở phần bên ngoài máy bay, một trong số đó là tên lửa siêu thanh R-37M. Tên lửa này được cho là có tầm hoạt động mạnh hơn tất cả các tên lửa mà bất kỳ máy bay nào của Mỹ có thể mang theo.
R-37M là phiên bản nâng cấp của tên lửa từng được biên chế từ năm 1985. Phiên bản R-37 cũ hơn là một trong số các tên lửa không đối không tầm xa, có chiều dài 4,2m và nặng 600 kg và chỉ phù hợp với các máy bay chiến đấu có kích thước lớn như Mig-31BM.
Đặc tính quan trọng của phiên bản R-37M mới là tầm hoạt động của tên lửa này. R-37M được cho là có tầm bắn khoảng 300km, thậm chí một số nguồn tin nói rằng tầm hoạt động của R-37M có thể lên tới 400km phụ thuộc vào điều kiện bay. Tên lửa đắt đỏ này được thiết kế để hạ gục các mục tiêu quan trọng như các máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm. Ngoài ra, với tốc độ Mach 6 gấp 6 lần tốc độ âm thanh và hệ thống tìm kiếm mục tiêu chủ động trong giai đoạn cuối, R-37M cũng là mối đe dọa đối với các máy bay tốc độ cao như các máy bay chiến đấu.
Biến thể R-37M đang ở trong giai đoạn hoàn thiện cuối cùng. Tên lửa siêu thanh này được trang bị hệ thống dẫn đường mới, và có thể được cắt bớt cả về chiều dài và khối lượng để phù hợp với các máy bay cỡ nhỏ hơn.
Boris Obnosov, giám đốc Tập đoàn Tên lửa Chiến thuật (KTRV), xác nhận với Interfax hôm 26/9 rằng Su-57 sẽ là một trong số các máy bay chiến đấu được trang bị tên lửa R-37M mới. KRTV là công ty mẹ của NPO Vympel - đơn vị phát triển R-37.
Sự xuất hiện của R-37M có thể sẽ đặt ra thách thức đối với các dự án phát triển tên lửa không đối không tầm xa khác cho Su-57 như KS-172. KS-172 đã thực hiện một số cuộc thử nghiệm thành công, tuy nhiên tên lửa này được cho là chưa có khả năng đưa vào hoạt động trong thời gian tới. Trong khi đó, Trung Quốc được cho là đang phát triển một tên lửa tầm xa tương tự để trang bị trên máy bay chiến đấu tàng hình J-20.
Khi cả hai đối thủ chiến lược là Nga và Trung Quốc đều sở hữu các tên lửa uy lực, Mỹ cần xem xét lại chiến lược để bảo đảm sức mạnh không quân của mình. Không quân Mỹ từng triển khai các tên lửa không đối không tầm xa như AIM-54 Phoenix với tầm hoạt động lên tới 190 km, tuy nhiên tên lửa này đã nghỉ hưu từ năm 2004 cùng mẫu máy bay chiến đấu F-14 Tomcat.
Tên lửa AIM-120 AMRAAM của Không quân Mỹ thậm chí có tầm hoạt động còn ngắn hơn tên lửa Phoenix, trong đó biến thể AIM-120D có tầm bắn chỉ khoảng 160km. Tuy nhiên đây vẫn là vũ khí mạnh của Mỹ, có thể được trang bị trên nhiều máy bay chiến đấu.
Với việc triển khai các tên lửa với tầm bắn xa hơn, Nga và Trung Quốc đang vượt mặt Mỹ trong lĩnh vực này, thậm chí có thể đe dọa các khí tài quân sự của Mỹ. Điều này đã cho thấy khoảng cách của Mỹ với Nga và Trung Quốc, ít nhất cho tới khi NATO có thể phát triển một tên lửa tương xứng như tên lửa Meteor do tập đoàn MBDA phát triển.
Tác giả: Thành Đạt
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn