Với tỷ lệ ủng hộ gần như tuyệt đối (98 phiếu thuận, 2 phiếu chống), Thượng viện Mỹ ngày 27/7/2017 đã nhất trí áp đặt các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga, Iran và Triều Tiên, bất chấp việc Tổng thống Donald Trump phản đối dự luật này, trong khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đe dọa có biện pháp trả đũa. Trước đó, dự luật này đã được Hạ viện Mỹ bỏ phiếu tán thành với số phiếu áp đảo.
Bài học từ châu Âu
Dự luật sẽ được chuyển đến Nhà Trắng để Tổng thống Trump ký phê chuẩn thành luật. Nếu ông Trump lựa chọn cách phủ quyết, dự luật này dự kiến sẽ thu được đủ sự ủng hộ ở lưỡng viện để vượt qua quyền phủ quyết của tổng thống và được thông qua thành luật.
Các nghị sĩ Mỹ tuyên bố quyết định siết chặt trừng phạt Nga với lý do nước này đã can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, cũng như hành động của Nga tại Ukraine và Syria.
Đòn trừng phạt của Mỹ nhằm vào lĩnh vực quốc phòng, khai khoáng, đóng tàu, năng lượng, công nghiệp đường sắt, tình báo cũng như hạn chế các vụ giao dịch với các ngân hàng Nga. Với dự luật này, Chính phủ Mỹ cần phải nhận được sự chấp thuận của Quốc hội nếu muốn triển khai các bước đi nhằm nới lỏng trừng phạt.
Theo nhận định của các chuyên gia an ninh, các nhà lập pháp Mỹ nên cân nhắc một chiến lược trừng phạt Nga kèm theo kế hoạch thoái lui. Mặc dù có rất ít khả năng lưỡng viện Quốc hội Mỹ muốn xem xét lại dự luật nhưng nếu quyết tâm tiếp tục tiến trình này, các nghị sĩ cần phải tạm nghỉ và cân nhắc một số thay đổi.
Hãy quay trở lại bài học từ châu Âu. Liên minh châu Âu (EU) khi lần đầu tiên áp đặt các biện pháp trừng phạt quy mô rộng đối với Nga do cuộc khủng hoảng ở Ukraine từ tháng 3/2014 đã rất thận trọng đưa một biện pháp an toàn vào quá trình này, đó là lệnh trừng phạt của EU phải được xem xét gia hạn 6 tháng một lần.
Do đó châu Âu có cơ hội để đánh giá liệu có bất cứ tiến triển nào sau khi lệnh trừng phạt được áp dụng hay không. Ngoài ra, họ cũng có cơ hội để điều chỉnh các biện pháp trừng phạt nhằm xử lý những vi phạm tiếp theo hoặc để khuyến khích những tiến triển tích cực.
Cách thức xử lý của EU có một sự linh hoạt lớn hơn, điều mà luật chế tài hiện nay của Mỹ còn thiếu. Hiện về lý thuyết Mỹ không có quy định nào về khoảng thời gian để sau đó có thể xem xét lại các biện pháp trừng phạt, và cũng không có tiêu chí rõ ràng để xác định trong trường hợp nào có thể xét Nga đáp ứng các điều khoản về dỡ bỏ lệnh trừng phạt. Ngoài ra, cũng không có cơ chế xác định việc phân cấp độ trừng phạt hiệu quả và nhanh chóng có mang lại kết quả tích cực.
Trong quá khứ, Quốc hội Mỹ đã áp dụng “điều khoản hoàng hôn” trong việc trừng phạt các nước như Iran. Những điều khoản này đòi cơ quan lập pháp phải tiến hành xem xét lại định kỳ để xác định việc gia hạn có được đảm bảo không. Các biện pháp trừng phạt hiện nay đối với Nga không có những quy định như vậy.
Tổng thống Donald Trump phản đối dự luận
Bùng phát mâu thuẫn
Các biện pháp trừng phạt Nga mà Quốc hội Mỹ vừa thông qua được các nhà phân tích chính trị nhìn nhận là một bước đi chống châu Âu, có nghĩa là làm sâu sắc thêm xung đột bên trong phương Tây.
Nguồn tin ngoại giao mới đây cho hay, Ủy ban châu Âu (EC) đang sẵn sàng hành động trong trường hợp Mỹ thông qua lần cuối cùng những biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga, do lo ngại những doanh nghiệp lớn của châu Âu trong lĩnh vực năng lượng có thể bị thiệt hại.
Nhiều nước châu Âu như Pháp và Đức đã bày tỏ mối lo ngại về các biện pháp trừng phạt này vì có thể hạn chế các hoạt động của các doanh nghiệp châu Âu trong lĩnh vực năng lượng. Trên thực tế, các biện pháp trừng phạt này sẽ áp đặt các khoản phạt đối với các công ty hợp tác với Nga trong việc xây dựng các cơ sở hạ tầng nhằm cho phép xuất khẩu năng lượng.
Theo hãng tin Reuters, các doanh nghiệp châu Âu có liên quan đến dự án “Dòng chảy phương Bắc 2”, một dự án xây dựng đường ống dẫn khí trị giá 9,5 tỷ euro nhằm vận chuyển khí đốt của Nga sang Đức thông qua biển Baltic, có thể chịu sự tác động. Các tập đoàn Đức chuyên về lĩnh vực năng lượng như Wintershall và Uniper, tập đoàn Anh-Hà Lan Royal Dutch Shell, tập đoàn Áo OMV và tập đoàn Engie của Pháp là những doanh nghiệp tham gia vào dự án “Dòng chảy phương Bắc 2”.
Đại diện thường trực của Nga tại EU, ông Vladimir, ngày 26/7 cho biết EU đang cân nhắc các biện pháp phòng ngừa và đáp trả nếu dự luật mở rộng lệnh trừng phạt Nga của Mỹ có hiệu lực. Theo ông Chizhov, EU đang thảo luận một số biện pháp như tuyên bố dự luật này của Mỹ không có hiệu lực trong EU và cấm các ngân hàng châu Âu cung cấp tài chính cho các công ty Mỹ. Ông Chizhov cũng lưu ý các biện pháp này không thể so sánh với những thiệt hại tiềm tàng mà các doanh nghiệp châu Âu phải gánh chịu trong trường hợp dự luật trên được ban hành thành luật.
Trong khi đó, giới chuyên gia đánh giá các dự luật trừng phạt mới chống Nga được Quốc hội Mỹ thông qua nhiều khả năng sẽ làm bùng phát mâu thuẫn giữa Mỹ và các đồng minh trong EU. Pháp và Đức đều đã lên tiếng phản đối các lệnh trừng phạt mới được đề xuất này, trong đó có việc trừng phạt các cá nhân và công ty châu Âu giao dịch với Nga và Iran.
Bộ Ngoại giao Pháp nhấn mạnh các biện pháp được cả hai viện Quốc hội Mỹ thông qua là bất hợp pháp căn cứ theo luật pháp quốc tế, kể cả khi Tổng thống Trump ký phê chuẩn, hoặc Tổng thống Trump phủ quyết nhưng lưỡng viện Quốc hội thông qua với 2/3 số phiếu ủng hộ.
EU không hài lòng với dự luật chống Nga vì nó động chạm đến “quyền lợi của EU trong lĩnh vực an ninh năng lượng”, và vì vậy EU đã quyết định sẵn sàng hành động trong vòng vài ngày tới nếu mối quan ngại của mình “không được lưu ý đầy đủ”.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker đã nói: “Nguyên tắc 'Nước Mỹ trên hết' không thể có nghĩa là đặt châu Âu ở vị trí cuối cùng", đồng thời nhấn mạnh "hiện EU sử dụng tất cả các kênh ngoại giao để gửi mối quan ngại của mình đến Mỹ và các đồng minh”. Có ý kiến cho rằng, Mỹ đã đi quá mọi ranh giới và châu Âu đang nổi giận.
Các lệnh trừng phạt “không để lại khả năng nào cho sự thỏa hiệp” trong quan hệ Nga-Mỹ
Quan hệ Nga-Mỹ - Hết hy vọng bình thường hóa ?
Có nhiều ý kiến nhận định mọi hy vọng về việc bình thường hóa quan hệ Nga-Mỹ đã biến mất sau khi lưỡng viện Quốc hội Mỹ thông qua dự luật trừng phạt Nga.
Chuyên gia thuộc Hội đồng Đối ngoại Nga về quan hệ Nga-Mỹ, ông Ivan Timofeev, cho biết các lệnh trừng phạt “không để lại khả năng nào cho sự thỏa hiệp” trong quan hệ Nga-Mỹ. Một chuyên gia chính trị khác đánh giá việc tăng cường các lệnh trừng phạt chống Nga khiến cho sự tương tác giữa Nga và Mỹ “gần như trở nên vô nghĩa”.
Trong khi đó, theo hãng tin AP, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Trump nhiều khả năng sẽ ký dự luật trừng phạt Nga do không có nhiều lựa chọn. Báo giới Mỹ, đặc biệt là hai tờ báo hàng đầu là New York Times và Washington Post, cho rằng việc Quốc hội Mỹ thông qua dự luật cấm vận Nga sẽ là một bước lùi nguy hiểm cho mục tiêu khôi phục quan hệ song phương Nga-Mỹ mà Tổng thống Mỹ đang hướng tới, cũng như những dự định của nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin.
Tuy nhiên, có không ít quan điểm nhìn nhận quan hệ Nga-Mỹ luôn có những bước thăng trầm và hiện đang là chu kỳ tiếp theo của sự thăng trầm đó. Một số nhà quan sát tin rằng các lệnh trừng phạt không phải là một phần trong chiến lược dài hạn của Mỹ nhằm hạn chế Nga. Chiến dịch chống Nga hiện nay của Mỹ không do Nhà Trắng mà cả Quốc hội, báo chí và xã hội chỉ đạo.
Tất cả nhìn có vẻ đang đi ngược với bình thường - Quốc hội đang lôi kéo Nhà Trắng vào chiến dịch của mình dưới sự tuyên truyền của báo chí và sự thờ ơ của xã hội. Mỹ đã đánh mất cơ hội hợp tác với Nga trong khi đối với Nga, điều này có thể lại mở ra cơ hội phát triển quan hệ với các đối tác then chốt châu Âu cùng bị ảnh hưởng bởi các lệnh cấm vận của Mỹ.
Các nhà quan sát nhận định, Tổng thống Trump sẽ không bỏ qua cho Quốc hội Mỹ mà sẽ tìm cơ hội để đáp trả. Và hậu quả sẽ là một giai đoạn mới khủng hoảng chính trị ngay bên trong nước Mỹ. Nếu được thông qua, sẽ cần khoảng thời gian một năm hoặc lâu hơn để đánh giá tác động của lệnh trừng phạt mới.
Trong khoảng thời gian đó, quan hệ Nga-Mỹ có thể sẽ có những chuyển động mới. Tuy nhiên, giới phân tích khẳng định có một điều chắc chắn là triển vọng nối lại quan hệ với Nga mà Tổng thống Trump từng tuyên bố trong chiến dịch tranh cử rất khó trở thành hiện thực tại thời điểm hiện nay...
Tác giả: Theo M.Tuyền – Minh Trà
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn