Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc duy trì xu thế ổn định, tích cực những năm qua và sẽ bước sang giai đoạn phát triển mới với chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, theo Đại sứ Phạm Sao Mai.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hôm nay tới Bắc Kinh, bắt đầu chuyến thăm chính thức Trung Quốc đến ngày 1/11 theo lời mời của Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Trong cuộc phỏng vấn với TTXVN hôm nay, Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai cho hay chuyến công tác của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là chuyến thăm song phương chính thức đầu tiên của lãnh đạo cấp cao Đảng, nhà nước Việt Nam đến Trung Quốc kể từ sau khi bùng phát đại dịch Covid-19.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (giữa) tại sân bay quốc tế Bắc Kinh ngày 30/10. Ảnh: TTXVN.
Đây cũng là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sau Đại hội 13 và Tổng bí thư cũng là lãnh đạo cấp cao nước ngoài đầu tiên thăm Trung Quốc sau Đại hội 20 của đảng Cộng sản Trung Quốc.
Lần gần nhất lãnh đạo hai đảng gặp mặt trực tiếp là vào tháng 11/2017, khi Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sang thăm chính thức Việt Nam và dự Hội nghị cấp cao APEC tại Đà Nẵng.
Quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc thời gian qua "về tổng thể tiếp tục duy trì đà phát triển ổn định, tích cực, đạt nhiều thành quả quan trọng trên các lĩnh vực chính trị, hợp tác kinh tế thương mại đến phòng, chống Covid-19", theo Đại sứ Phạm Sao Mai.
Trung Quốc ngày 18/1/1950 là quốc gia đầu tiên trên thế giới thiết lập quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).
Trong hơn 7 thập kỷ sau đó, hai nước đã kề vai sát cánh, dành cho nhau sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn và quý báu, góp phần vào thành công của sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước. "Ðảng, Nhà nước Việt Nam đánh giá cao và không bao giờ quên điều đó", Phó thủ tướng Phạm Bình Minh từng đánh giá trong bài viết năm 2020, nhân kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc.
Đại sứ Phạm Sao Mai cũng cho rằng quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời giữa Việt Nam và Trung Quốc do các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp, đã trở thành tài sản chung quý báu của hai dân tộc.
Quan hệ hai nước tuy có lúc thăng trầm, nhưng hữu nghị, hợp tác vẫn là dòng chảy chính, được phát triển sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế đến văn hóa, an ninh, quốc phòng.
Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, trong khi Việt Nam duy trì vị thế đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và đối tác lớn thứ sáu của Trung Quốc trên toàn cầu.
Các dấu mốc 72 năm quan hệ Việt - Trung. Bấm vào ảnh để xem chi tiết.
Tổng kim ngạch thương mại hai chiều năm 2021 đạt 165,9 tỷ USD, tăng 24,6% so với năm trước. Trong tám tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất, nhập khẩu song phương đạt hơn 117 tỷ USD, tăng 10,8% so cùng kỳ năm trước. Trung Quốc có hơn 140 dự án đầu tư vào Việt Nam, tổng số vốn đạt 1,4 tỷ USD, xếp thứ 4 trong các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Về biên giới lãnh thổ, hai bên đã thực hiện các văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc, tăng cường quản lý an ninh, an toàn khu vực biên giới.
Hai nước cũng đạt được nhận thức chung về kiểm soát bất đồng, duy trì hòa bình, ổn định trên biển, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982, thúc đẩy các cơ chế đàm phán về vấn đề trên biển, thực hiện hiệu quả Tuyên bố của các bên ở Biển Đông (DOC), thực hiện tiến trình tham vấn Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).
Đại sứ Phạm Sao Mai nhận định những kết quả thời gian qua là "nỗ lực chung của cả hai bên", khi Việt Nam và Trung Quốc thường xuyên trao đổi, tiếp xúc cấp cao với nhiều hình thức linh hoạt, tăng cường tin cậy chính trị giữa hai đảng, hai nước.
Các lãnh đạo hai nước trong năm qua đã có nhiều cuộc điện đàm, hội đàm trực tuyến, đưa ra những định hướng lớn quan trọng, tạo động lực thúc đẩy hữu nghị và hợp tác cùng có lợi để quan hệ song phương phát triển ổn định, lành mạnh.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại lễ đón ở Hà Nội vào tháng 11/2017. Ảnh: Giang Huy.
"Trong bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, dịch bệnh Covid-19 đã và đang tác động tiêu cực, nhiều chiều tới tình hình chính trị, kinh tế toàn cầu, chuyến thăm lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Việt Nam - Trung Quốc", Đại sứ Phạm Sao Mai nhận định.
Ông kỳ vọng chuyến thăm sẽ "củng cố tin cậy chính trị giữa hai đảng, hai nước, góp phần đưa quan hệ song phương bước sang giai đoạn phát triển mới".
Việt Nam luôn coi trọng việc củng cố và phát triển quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai với Trung Quốc. Quan hệ hợp tác cùng có lợi giữa hai đảng, hai nước, với điểm sáng là giao lưu nhân dân và quan hệ kinh tế, thương mại phát triển mạnh mẽ chính là nền tảng vững chắc cho chặng đường phát triển tiếp theo của cả Việt Nam và Trung Quốc.
Trong cuộc điện đàm ngày 19/9 với người đồng cấp Trung Quốc Lý Khắc Cường, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng tiếp tục đề cao tiến triển tích cực trong quan hệ hai đảng, hai nước thời gian qua, nhất là khi tình hình quốc tế và khu vực có nhiều biến động nhanh chóng, khó lường, dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp.
Hai nước nhất trí thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác, tăng cường kết nối chiến lược, hợp tác về kinh tế - thương mại, đầu tư, nhất là trong lĩnh vực chế tạo, nông nghiệp, hợp tác duy trì chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, phát huy ưu thế của mỗi bên để cùng mở rộng khai thác thị trường thế giới.
"Trong tình hình hiện nay, việc củng cố và tăng cường quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc phù hợp lợi ích căn bản, lâu dài của hai bên, có lợi cho việc duy trì hòa bình, ổn định và thúc đẩy hợp tác ở khu vực và trên thế giới", Đại sứ Mai đánh giá.
Tác giả: Thanh Danh
Nguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn