Trong bài trả lời phỏng vấn với các báo The Age và The Sydney Morning Herald, người đứng đầu quần đảo Natuna Abdul Hamid Rizal bày tỏ mong muốn nhận được đầu tư từ các nước như Mỹ, Nhật Bản, Australia, đồng thời nhấn mạnh tiền từ Trung Quốc “không được chào đón”.
Ông Abdul hiện giữ chức Bupati, một chức tương tự với thống đốc tỉnh ở Indonesia. Ông bày tỏ mong muốn Mỹ sẽ đầu tư xây một sân bay quốc tế mới nhằm thay thế cho sân bay quân sự ít được sử dụng trên quần đảo.
Natuna Besar là đảo chính trên quần đảo Natuna nằm ở rìa Biển Đông, cách Jakarta hơn 1.000 km về phía bắc. Hòn đảo này có hơn 80.000 dân và được xem là “khu vực chiến lược” của Indonesia nằm ở phía nam Biển Đông.
Ông Abdul từng gặp cựu Đại sứ Mỹ tại Indonesia Joseph Donovan để bàn bạc về cơ hội hợp tác đầu tư giữa 2 nước.
“Chúng tôi chào đón các khoản đầu tư từ nước ngoài nhưng nếu có thể thể, có lẽ sẽ là (nhà đầu tư) từ Nhật Bản, Australia, hay các nước khác. Nếu là nhà đầu tư Trung Quốc, chúng tôi không muốn nhận vào thời điểm này. Chúng tôi quan ngại, sẽ thế nào nếu các công nhân họ mang tới đây không phải là công nhân mà là quân đội thì sao?”.
Ông cho biết các khoản đầu tư từ các nước ủng hộ Biển Đông tự do và mở cửa sẽ “thuộc về phạm trù kinh doanh, không dính dáng quá nhiều tới chính trị”.
“Nhưng (đầu tư) từ Trung Quốc, chúng tôi có quan ngại rằng sẽ có khía cạnh chính trị. Ví dụ như tàu đánh cá của họ, các tàu ở biển (Bắc Natuna), các ngư dân là những người được huấn luyện. Huấn luyện ở đây có nghĩa là giống như quân đội”, ông Abdul nhận định.
Trước đó, chính phủ Tổng thống Indonesia Joko Widodo từng tuyên bố họ chào đón những khoản đầu tư nước ngoài.
Ronnie Indra, một quan chức của đảo Natuna nói rằng phía Mỹ dường như đã từng ám chỉ rằng cơ quan Thương mại và Phát triển nước này có thể sẵn sàng đầu tư cho dự án sân bay mới. Tuy nhiên, một cuộc gặp giữa quan chức Mỹ và Natuna dự kiến được tổ chức hồi tháng 4 bị hoãn do Covid-19. Đại dịch cũng khiến việc xúc tiến chưa có nhiều tiến triển vì các bên đang tập trung nỗ lực kiểm soát mầm bệnh.
Hồi đầu năm, Trung Quốc đã thừa nhận rằng ngư dân của họ đánh cá ở Biển Bắc Natuna, khu vực mà Indonesia tuyên bố là vùng đặc quyền kinh tế. Vào thời điểm đó, Indonesia đã các máy bay chiến đấu F-16, cũng như các tàu cá và tàu chiến tới khu vực quần đảo Natuna để đối phó Trung Quốc.
Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền với phần lớn Biển Đông, tuyến giao thông quan trọng và giàu tài nguyên, dựa trên cái gọi là “đường chín đoạn”, nhưng yêu sách này hoàn toàn không có cơ sở pháp lý.
Indonesia nhiều lần khẳng định lại lập trường rằng, nước này không phải là một bên tranh chấp trên Biển Đông và cũng không có quyền tài phán chồng lấn với Trung Quốc.
Tuy nhiên, Indonesia và Trung Quốc vẫn có xung đột trước đó về quyền đánh cá xung quanh quần đảo Natuna.
Đức Hoàng
Theo Sydney Morning Herald
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn