Philipines "nóng mặt", dọa đưa tranh chấp Biển Đông ra LHQ nếu Trung Quốc vẫn vây Thị Tứ

Thứ sáu - 05/04/2019 17:02
(Dân trí) - Philippines có thể đưa tranh chấp Biển Đông ra Liên Hợp Quốc nếu Trung Quốc phớt lờ phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực tại La Hay (Hà Lan), vốn bác bỏ yêu sách "đường 9 đoạn" của Bắc Kinh. >> >> >>
Philipines

Đảo Thị Tứ (Ảnh: EPA)

Theo SCMP, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte có thể đưa tranh chấp Biển Đông ra Liên Hợp Quốc nếu Bắc Kinh ngăn chặn Manila tiếp cận đảo Thị Tứ, thuộc quần đảo Trường Sa.

Phát ngôn viên tổng thống Philippines Salvador Panelo cho biết, nhà lãnh đạo Duterte có thể nêu ra phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực tại La Hay (Hà Lan) năm 2016 nếu các cuộc đàm phán song phương không có kết quả.

Tuyên bố trên của ông diễn ra sau khi các tàu Trung Quốc tiếp tục chặn các ngư dân của Philippines và tiếp cận đảo Thị Tứ.

“Phán quyết của tòa là vĩnh viễn. Họ không thể đuổi chúng tôi khỏi đó, nhưng vấn đề là, chúng tôi không thể thực thi phán quyết đơn giản là vì chúng tôi không có sức mạnh”, ông Panelo nói.

Nếu không có gì đạt được trong các cuộc đàm phán, “bước tiếp theo là gì”, ông đặt câu hỏi.

“Chúng tôi là một thành viên của Liên Hợp Quốc và có những vụ việc mà các vấn đề cụ thể, ảnh hưởng tới nhân loại, được nêu ra tại Đại hội Đồng Liên Hợp Quốc, sau đó Đại hội Đồng có hành động thống nhất. Đó có thể là bước tiếp theo”, ông nói.

Kể từ khi Tòa Trọng tài công bố phán quyết về vụ kiện của Philippines với Trung Quốc liên quan tới yêu sách “đường 9 đoạn” ở Biển Đông tháng 7/2016, vốn được đưa trong những ngày đầu nhiệm kỳ tổng thống của ông Duterte, nhà lãnh đạo Philippines đã gạt các tuyên bố chủ quyền sang một bên để tìm kiếm quan hệ thân thiết hơn với Bắc Kinh. Ông Duterte đã tìm kiếm sự hỗ trợ của Trung Quốc để cấp vốn cho chương trình “xây dựng, xây dựng và xây dựng” của mình, trong khi cố gắng đàm phán một giải pháp ngoại giao cho xung đột ở Biển Đông.

Cùng thời điểm đó, Trung Quốc lại nhanh chóng biến các đảo nhân tạo thành các cơ sở quân sự.

Các bình luận của ông Panelo trên diễn ra trong một tuần căng thẳng trong quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Philippines hồi đầu tuần này đã trao công hàm phản đối về việc nhiều tàu Trung Quốc bao vây đảo Thị Tứ. 

Philippines "nóng mặt"

Ông Duterte hôm 4/4 gọi Bắc Kinh là “bạn tôi”, nhưng sau đó cảnh báo Trung Quốc tránh xa đảo Thị Tứ.

"Tôi sẽ không nài nỉ hay van xin, nhưng tôi chỉ muốn nói rằng hãy tránh xa Pagasa (đảo Thị Tứ) bởi tôi có binh sĩ ở đó. Nếu quý vị đụng đến, mọi chuyện sẽ khác. Tôi sẽ chỉ thị binh sĩ chuẩn bị cho sứ mệnh cảm tử", Reuters dẫn lời Tổng thống Philippines Duterte ngày 4/4.

Ông Panelo tỏ ra thận trọng khi đưa ra các bình luận về việc đưa tranh chấp ra Liên Hợp Quốc, nói rằng đó chỉ là ý kiến cá nhân và quyền quyết định là ở Tổng thống Duterte, và rằng cựu Ngoại trưởng Albert del Rosario trước đó đã hối thúc chính phủ hành động tương tự.

Ông Del Rosario, người từng giúp theo đuổi vụ kiện thành công năm 2016, nói nên tin tưởng vào “nhiều bạn bè và đồng minh, những người đang chờ đợi chúng ta sẽ làm gì với điều này”.

“Ví dụ, chúng ta có Đại hội Đồng Liên Hợp Quốc. Chúng ta có thể đưa vụ việc ra Đại hội Đồng và tìm kiếm một giải pháp”, ông nói.

Cựu Đại sứ Philippines tại Liên Hợp Quốc Lauro Baja đồng tình với ý kiến trên, nhưng thừa nhận rằng Philippines có thể “rất muộn hoặc quá muộn” để tìm kiếm một giải pháp. “Các thành viên Liên Hợp Quốc khác có thể đặt câu hỏi tại sao Manila chỉ nêu ra vấn đề sau 2 năm. Nhưng có thể hành động vẫn còn giá trị”, ông nói.

“Đầu tiên, chúng ta phải tìm một danh mục hiện có trong lịch trình của Liên Hợp Quốc để chúng ta có thể nêu ra vấn đề. Nếu không có thì tự chúng ta phải trình lên hồ sơ và đề nghị rằng vấn đề cần được thảo luận như một vấn đề lịch trình bổ sung vào chương trình nghị sự - có thể năm nay hoặc năm tới”, ông Baja nói.

Ông Baja, người từng 2 lần đảm nhiệm chức Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, giải thích rằng mặc dù Đại hội Đồng không có quyền lực như cảnh sát, nhưng việc chính thức đi đến một chiến thắng phân xử, với sự chú ý của các thành viên Liên Hợp Quốc, có thể giúp thúc đẩy sự ủng hộ đối với vụ việc của Manila.

Đảo Thị Tứ (Philippines gọi là đảo Pagasa) thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Các quốc gia và vùng lãnh thổ khác trong tranh chấp Biển Đông cũng đòi chủ quyền đối với đảo Thị Tứ, gồm Trung Quốc, Philippines và Đài Loan. Philippines đang chiếm đóng trái phép hòn đảo này.

Quân đội Philippines cho biết trong 3 tháng đầu năm nay, ít nhất 275 tàu cá và tàu tuần duyên Trung Quốc đã được nhìn thấy xuất hiện xung quanh đảo Thị Tứ.

An Bình
Theo SCMP

Nguồn tin: http://dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây