Theo Business Insider, hình ảnh về vụ phóng thử tên lửa liên lục địa được cho là Hwasong-14 của Triều Tiên mới đây cho thấy tên lửa này có đầu bịt hình nón cụt ở phía mũi.
David Schmerler, chuyên gia nghiên cứu tại Viện nghiên cứu chống phổ biến vũ khí hạt nhân James Martin , cho rằng thiết kế này thường là dấu hiệu cho thấy tên lửa có thể mang nhiều đầu đạn.
Theo ông Schmerler, mặc dù hiện tại chưa có dấu hiệu nào cho thấy Triều Tiên đã có khả năng gắn nhiều đầu đạn hạt nhân thu nhỏ trên một tên lửa, nhưng Bình Nhưỡng có thể gắn các đầu đạn giả để “đánh lừa” hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương.
Cụ thể, các đầu bịt tên lửa cho phép tên lửa mang các khối cầu đóng vai trò làm mồi nhử các tên lửa đánh chặn. Một trong các khối cầu đó sẽ mang đầu đạn hạt nhân thực sự, trong khi những khối cầu khác chỉ có vai trò đánh lạc hướng hệ thống phòng thủ của đối phương, khiến nó không thể phát hiện đâu mới là đầu đạn thật.
Mặc dù Triều Tiên chưa bao giờ công bố về điều này, song sự xuất hiện của đầu bịt tên lửa có thể là dấu hiệu cho thấy Bình Nhưỡng đã tận dụng biện pháp này.
Triều Tiên hôm 4/7 tuyên bố thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) đầu tiên. Theo tuyên bố, tên lửa này đã bay xa 933km và cao 2.802km, trước khi đánh trúng mục tiêu giả định trên biển Nhật Bản.
Trong khi Nga một mực phản bác tuyên bố này và cho rằng đó chỉ là tên lửa tầm trung, giới chức Mỹ khẳng định đó là ICBM. Theo giới chức Mỹ, nếu bắn theo đường bay chuẩn, tên lửa này có thể bay xa gần 6.000km.
Một số chuyên gia cho rằng, tên lửa mới của Triều Tiên có tầm bắn tới Alaska và Hawaii của Mỹ và nó cho thấy một bước tiến đáng kể trong chương trình phát triển tên lửa của Bình Nhưỡng.
Tác giả: Minh Phương
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn