Thiên hà IC 3639 nơi có một siêu lỗ đen "quái vật" vừa được tìm thấy - Ảnh: Đại học Durham/PA |
Theo Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), hai lỗ đen này rất khó phát hiện do ẩn trong các đám mây khí và bụi. Chúng nằm ở trung tâm hai thiên hà mang tên NGC 1448 và IC 3639
NGC 1448 nằm cách dải Ngân hà của chúng ta "chỉ" 38 triệu năm ánh sáng còn IC 3639 cách chúng ta 170 triệu năm ánh sáng. Cả hai đều được phân loại là thiên hà "đang hoạt động", tức phát ra bức xạ cường độ cao.
NASA gọi là hai lỗ đen này là "quái vật" và chính thói "phàm ăn” đã khiến chúng bị phát hiện. Các “thức ăn” mà hai hố đen này “ngốn” vào đã phát ra bức xạ năng lượng cao dưới dạng tia X, và bức xạ này đã "tố cáo" chúng với kính viễn vọng quang phổ hạt nhân NuSTAR của NASA.
"Những lỗ đen này tương đối gần dải Ngân hà nhưng chúng vẫn 'trốn' chúng ta cho đến tận bây giờ. Chúng giống những con quái vật đang trốn dưới giường của bạn vậy", tờ The Guardian (Anh) dẫn lời nhà nghiên cứu Ady Annuar nói.
Lỗ đen chỉ bị phát hiện khi các vật thể bị chúng "nuốt" phát ra bức xạ - Ảnh: RT |
"Việc phát hiện ra chúng đã đặt ra câu hỏi liệu có bao nhiêu lỗ đen siêu lớn khác đang bị chúng ta bỏ lỡ, ngay cả khi chúng đang ở trong vũ trụ gần chúng ta", Ady thêm.
Hố đen, hay lỗ đen là một vùng trong không gian có trường hấp dẫn lớn đến mức lực hấp dẫn của nó không để bất cứ dạng vật chất nào, kể cả ánh sáng, thoát ra khỏi đó. Chúng chỉ được phát hiện khi các vật thể bị chúng "nuốt vào" phát ra bức xạ.
Hầu hết các thiên hà lớn, trong đó có dải Ngân hà của chúng ta, đều được cho là có các hố đen siêu lớn ở trung tâm chúng.
Vào năm 2015, nhà bác học thiên tài người Anh Stephen Hawking đã gây chấn động giới khoa học và truyền thông khi tuyên bố lỗ đen có thể là cánh cửa dẫn tới một vũ trụ khác.
Nguồn tin: http://tuoitre.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn