Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi cải thiện quan hệ song phương khi gặp Thủ tướng Australia Anthony Albanese bên lề hội nghị thượng đỉnh G20.
"Chúng ta nên cải thiện, duy trì và phát triển mối quan hệ song phương, vì nó phù hợp với lợi ích cơ bản của người dân hai nước", ông Tập nói trong cuộc gặp với ông Albanese bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali, Indonesia hôm nay, thêm rằng mối quan hệ nồng ấm trước đây giữa hai nước "đáng trân trọng".
Thủ tướng Australia Albanese khẳng định giữa hai nước có những khác biệt, nhưng đánh giá cao mối quan hệ song phương.
"Chúng ta có những khác biệt và Australia sẽ không giải quyết vấn đề bằng cách xa rời lợi ích hoặc giá trị của chúng tôi, song mối quan hệ song phương với Trung Quốc quan trọng. Hai bên đã làm việc để ổn định mối quan hệ dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi", ông nói.
Thủ tướng Australia Anthony Albanese (trái) gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali, Indonesia ngày 15/11. Ảnh: Reuters.
Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa lãnh đạo Australia và Trung Quốc sau hơn 5 năm, trong bối cảnh hai nước nỗ lực cải thiện mối quan hệ bị phủ bóng bởi tranh chấp thương mại, vấn đề Đài Loan và nguồn gốc Covid-19. Cuộc gặp kéo dài 32 phút và diễn ra bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali, nhưng báo hiệu sự thay đổi ngoại giao lớn.
"Đây là bước quan trọng khác hướng tới ổn định mối quan hệ Australia -Trung Quốc", Thủ tướng Albanese nói.
Lãnh đạo Australia và Trung Quốc đã có cuộc trao đổi ngắn tại hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2019 ở Nhật Bản, nhưng chưa có cuộc gặp chính thức nào trong hơn nửa thập kỷ. Trung Quốc tức giận trước việc Australia cản trở Bắc Kinh gia tăng ảnh hưởng, cấm Huawei khỏi các hợp đồng 5G và kêu gọi điều tra độc lập về nguồn gốc đại dịch Covid-19.
Những năm gần đây, Trung Quốc áp dụng biện pháp trừng phạt đối với hàng hóa Australia, đóng băng các cuộc tiếp xúc cấp bộ trưởng, khiến quan hệ hai nước xuống mức thấp nhất sau nhiều thập kỷ. Các sản phẩm của Australia, từ lúa mạch, than đá đến rượu vang, thịt bò và sữa bột trẻ em đều chịu lệnh trừng phạt của Trung Quốc.
Hai nước cũng cạnh tranh ảnh hưởng ở Nam Thái Bình Dương. Mỹ và Australia nghi ngờ Trung Quốc đang cố gắng thiết lập sự hiện diện quân sự ở Nam Thái Bình Dương khi ký thỏa thuận an ninh với Quần đảo Solomon, làm mất cân bằng quân sự trong khu vực. Trung Quốc phủ nhận những cáo buộc này.
Tác giả: Huyền Lê
Nguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn