Nước Nga và châu Âu không thể tách rời quan hệ.
Kết quả thăm dò dư luận của hãng tin Sputnik phối hợp với Công ty IFOP của Pháp thực hiện và được công bố ngày 23/11 cho thấy, đa số người dân Anh, Đức, Ba Lan và Pháp mong muốn quan hệ giữa Nga và Liên minh châu Âu (EU) được cải thiện trong tương lai gần.
87% người dân Đức được hỏi mong muốn nhanh chóng cải thiện quan hệ với Nga, trong khi con số này ở Ba Lan là 85%, Pháp và Anh lần lượt là 79% và 68%.
Đáng chú ý, tại Anh, Đức và Pháp những người được hỏi là nam giới và những người có trình độ đại học ở độ tuổi 65 trở chủ yếu ủng hộ quan hệ hữu nghị giữa Nga và EU.
Cuộc thăm dò được tiến hành từ ngày 20-27/9 với sự tham gia của 3.228 người trên 18 tuổi. Mẫu thăm dò theo giới tính, độ tuổi và địa lý, với độ tin cậy là 95%.
Nga làm nước Đức chia rẽ hay gắn kết với Nga sẽ giải quyết cuộc khủng hoảng của bà Merkel?
Sự quan tâm của người dân châu Âu trong quan hệ với nước Nga ngày càng trở nên quan trọng khi cuộc khủng hoảng chính trị tại Đức- quốc gia nắm vị trí chủ chốt ở châu Âu sau biến cố Anh tách khỏi liên minh EU- đang ở mức độ báo động.
Đặc biệt là các phản ứng từ các nghị sỹ, cựu quan chức Đức và Tổng thống Đức cho thấy họ ủng hộ việc cải thiện quan hệ với Nga, khác cách làm mà Thủ tướng Angela Merkel đang thực thi.
Hồi tháng 10, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier (cũng là cựu Ngoại trưởng nước này) đã cho hay, ông ủng hộ việc cải thiện quan hệ Đức- Nga và không hài lòng với mối quan hệ hiện tại.
"Tôi tin chắc rằng chúng ta cần chống lại sự xa cách vốn đã tăng lên giữa hai nước trong những năm gần đây và để làm được điều đó, chúng ta cần tiếp tục đối thoại và cần những nỗ lực lâu dài từ cả hai phía để tìm giải pháp cho các cuộc khủng hoảng" - Tổng thống Steinmeier nói.
Ông Steinmeier từng là người theo Đảng Dân chủ Xã hội (SDP) khi còn là Ngoại trưởng Đức, lâu nay đã kêu gọi tăng cường đối thoại với Moscow.
Đảng của ông trở thành đảng đối lập sau 4 năm tham gia chính phủ liên minh với phe bảo thủ của Thủ tướng Angela Merkel, muốn dần dần nới nỏng những biện pháp chế tài của EU áp đặt lên Moscow vì vai trò của nước này ở Ukraine.
Nga có thực sự làm chia rẽ nước Đức?
Trong khi đó, Thủ tướng Angela Merkel hiện đang đối mặt với cuộc khủng hoảng chính trị chưa từng có khi thất bại trong việc thành lập Chính phủ liên minh bởi đảng của bà không vượt quá bán số ghế trong Quốc hội.
Bà Merkel có quan điểm kháng cự những hành động nhằm giảm bớt chế tài đối với Nga, đã thuyết phục 3 đảng khác thành lập liên minh "Liên minh Jamaica" gồm: Đảng Liên minh Xã hội Thiên chúa giáo (CSU), đảng Dân chủ Tự do (FDP) và đảng Xanh (Green).
Nhưng liên minh này chính thức bị phá sản bởi những bất đồng không thể dung hòa giữa FDP với đảng Xanh, hoặc giữa đảng Xanh với CSU.
Hiện kịch bản được nhiều ý kiến nhìn nhận dễ xảy ra là nước Đức phải tiến hành bầu cử lại. Tổng thống Steinmeier trước hết sẽ giải tán Quốc hội liên bang và kêu gọi tổng tuyển cử mới.
Tuy nhiên, đây là điều các chính đảng không mong muốn xảy ra do lo ngại đảng cánh hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) có cơ hội giành thêm ghế tại cơ quan lập pháp Đức.
Tại Đức đang có làn sóng cáo buộc đảng AfD có nhiều tiếng nói hơn trong Quốc hội là nhờ ảnh hưởng của kênh truyền hình RT Deutschland (chi nhánh kênh truyền hình “Nước Nga ngày nay”- RT của Nga tại Đức).
Tuy nhiên, các bằng chứng của cáo buộc này chẳng rõ ràng, cũng như các cáo buộc sự can thiệp của Nga vào bầu cử Tổng thống Mỹ hay Nga là nhân tố giúp đỡ ứng cử viên theo chủ nghĩa dân tộc Marine Le Pen ở Pháp giành chiến thắng trong cạnh tranh với đương kim Tổng thống Pháp Emmanuel Macron...
Điều rõ ràng hơn cả là chính những quan điểm "lệch pha" về quan hệ với Nga đã khiến cho châu Âu và cả nước Đức chia rẽ đến tình trạng này.
Chuyên gia phân tích chính trị Theo Sommer thuộc tờ Die Zeit của Đức cho rằng, phương Tây thời gian qua đã nhầm tưởng về sức mạnh của Nga. Sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết làm cho phương Tây cảm tưởng rằng Nga không thể trở thành nhân tố trong nền chính trị toàn cầu và sẽ buộc phải lắng nghe hoặc thỏa hiệp với phương Tây.
Do đó, điều cần thiết hiện nay là phương Tây không nên ngạc nhiên khi Nga lại trở thành quốc gia hùng mạnh vì đây đơn giản chỉ là vấn đề thời gian. Nếu không có sự tham gia của Nga, việc giải quyết các vấn đề quốc tế nóng bỏng là điều không thể.
Trong phần kết luận bài viết của mình, chuyên gia Theo Sommer nhận định rằng Nga sẽ vẫn là “hàng xóm không mấy dễ chịu” của phương Tây. Tuy nhiên, điều quan trọng là phương Tây không nên coi Nga như kẻ thù.
Việc xây dựng mối quan hệ tích cực với Nga cần phải được tiến hành một cách tỉnh táo, không ảo tưởng. Điều cần thiết là những người có quan điểm, tư tưởng chống Nga, đe dọa các nước Đông Âu ở phương Tây không thể là những người hoạch định chính sách của phương Tây trong quan hệ với Nga.
Tác giả: Theo Huy Vũ
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn