Hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga
Tổng thống Nga đi Ấn Độ bán S-400
Theo thông báo chính thức từ Điện Kremlin, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ có chuyến thăm chính thức Ấn Độ vào hai ngày 4 và 5/10.
Tại đây, Tổng thống Nga sẽ tham dự hội đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi “để thảo luận các nội dung quan trọng trong việc phát triển quan hệ đối tác chiến lược Nga - Ấn, đồng thời trao đổi ý kiến về các vấn đề quốc tế và khu vực”.
Sau cuộc hội đàm, hai nhà lãnh đạo dự kiến sẽ kí kết một số tài liệu song phương. Đặc biệt, lãnh đạo Nga dự kiến sẽ ký hợp đồng cung cấp hệ thống tên lửa S-400 Triumf cho New Delhi. Thoả thuận này trị giá trên 5 tỷ USD, theo TASS.
Có thể nói, S-400 là hệ thống phòng thủ chiến lược của Nga. Và chỉ các quốc gia được xem là có mối quan hệ đặc biệt mới có thể được Moscow cung cấp phiên bản xuất khẩu. Trung Quốc là quốc gia đầu tiên mua hệ thống S-400 này của Nga.
Mỹ sẽ phải nhất bên trọng nhất bên khinh với Ấn Độ?
Trước đó, New Delhi và Moscow đã mất nhiều thời gian kể từ năm 2016 đến nay để đàm phán các điều khoản trong việc Nga xuất khẩu S-400 sang Ấn Độ. Mọi chuyện trở lên rắc rối hơn kể khi Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt lên những đối tác có giao dịch về quân sự với Moscow.
Tuy nhiên, tháng 7/2018, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Nirmala Sitharaman khẳng định thỏa thuận mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 Triumf sẽ tiếp tục được xúc tiến và không gì có thể cản trở được hợp đồng giữa hai bên thành hiện thực.
Phản ứng trước thông tin Ấn Độ chuẩn bị ký hợp đồng với Nga để mua hệ thống phòng thủ S-400, Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 4/10 đã lên tiếng cảnh báo rằng Washington sẽ loại Ấn Độ khỏi danh sách miễn trừ trừng phạt nếu New Delhi và Moscow tiến hành ký kết hợp đồng mua S-400.
Động thái này của Mỹ đồng nghĩa với việc Ấn Độ sẽ nằm trong diện chú ý đặc biệt của Đạo luật chống đối thủ Mỹ thông qua các lệnh trừng phạt (CAASTA).
Trước đó, Washington đã áp đặt lệnh trừng phạt theo CAASTA hồi cuối tháng 9/2018 đối với Cục Phát triển Thiết bị Trung Quốc và giám đốc cơ quan này là ông Li Shangfu với bản hợp đồng mua chiến đấu cơ Sukhoi Su-35 và hệ thống phòng không S-400 của Nga.
Tuy nhiên, giới quan sát nhận định việc áp đặt trừng phạt với Trung Quốc là dễ dàng với Mỹ, bởi chính quyền Washington và Bắc Kinh đang mâu thuẫn sâu sắc và liên tiếp có những lệnh trừng phạt qua lại lẫn nhau. Còn với Ấn Độ, nếu Mỹ liều lĩnh áp đặt các lệnh trừng phạt đôi khi sẽ là con dao hai lưỡi với chính quyền Washington.
Ấn Độ lâu nay được cho là quốc gia châu Á có mối quan hệ thân thiết với Nga. Trong bối cảnh Moscow ngày càng gia tăng ảnh hưởng trên thế giới và khu vực, đặc biệt, tại các sự kiện liên quan tới Syria và Ukraine, việc dùng biện pháp cứng rắn với Ấn Độ sẽ đẩy chính quyền New Delhi cùng với Moscow tiếp tục xích lại gần nhau, khăng khít hơn nữa.
Một điều mà Washington cần chú ý, chính cuộc chiến thương mại mà Mỹ đang leo thang với Trung Quốc, cùng với các lệnh trừng phạt nghiêm khắc nhằm vào nước Nga đã đẩy hai đối thủ của Mỹ nắm chặt tay nhau.
Tại Vladivostock (Nga) hồi giữa tháng 9, Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có những cử chỉ thân mật tại Diễn đàn kinh tế Phương Đông. Mà mục tiêu quan trọng nhất của Diễn đàn này là tìm cách thoát khỏi sự phụ thuộc vào đồng USD và thị trường Mỹ, mở rộng hợp tác để tiếp cận những thị trường mới.
Đáng chú ý hơn, cùng thời điểm này, quân đội Nga - Trung cùng tham gia cuộc tập trận Vostock18 - cuộc tập trận có quy mô lớn nhất kể từ năm 1981 có sự hiện diện quân lực của cả hai nước. Và nội dung cuộc tập trận xoay quanh việc quân đội hai bên cùng ứng phó và bảo vệ đồng minh.
Rất nhiều nhà phân tích đã cho rằng Trung Quốc và Nga trước sức ép của Mỹ đã buộc phải bắt tay nhau, chung lưng đấu cật.
Quay trở lại câu chuyện S-400 của Ấn Độ. Việc trừng phạt mà Mỹ áp đặt theo CAASTA sẽ không thể làm thay đổi hiện thực S-400 vẫn được chuyển tới Ấn Độ nếu hợp đồng được ký. Duy có một điều thay đổi duy nhất là mối quan hệ của Washington và New Delhi sẽ xấu đi nhanh chóng.
Chỉ cần một biện pháp trừng phạt, New Delhi sẽ cảm thấy Washington liệt mình vào danh sách kẻ thù của nước Mỹ. Điều này chỉ khiến gia tăng nghi kỵ và đề phòng giữa hai chính quyền. Đồng thời Ấn Độ sẽ phải chuẩn bị cho mình những phương án đề phòng nếu sự thù địch với Washington leo thang.
Thực tế, với một Tổng thống khó lường như ông Donald Trump, khi mà “các quyết định thay đổi sau 24 tiếng”, Ấn Độ tốt nhất nên tìm một mối quan hệ có sự tin tưởng hơn.
Trừng phạt leo thang sẽ chỉ khiến New Delhi nắm chặt tay Moscow hơn như cách mà Bắc Kinh đã thực hiện. Bất chiến tự nhiên thành, nước Nga bỗng dưng có hai người bạn khổng lồ của châu Á, thế lực Moscow đủ sức để đối đầu Washington trong cục diện Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương.
Lúc này, Mỹ thực sự đứng trước một lựa chọn khó khăn. Không trừng phạt Ấn Độ, Washington mang tiếng nhất bên trọng nhất bên khinh, còn áp đặt trừng phạt không khác nào chuẩn bị sẵn một ghế để Moscow thành lập liên minh tay ba Nga - Ấn – Trung.
Đúng như lời Tổng thống Putin nhận định về cách sử dụng cây gậy trừng phạt của Mỹ như bây giờ tại Diễn đàn Tuần lễ Năng lượng Nga hôm 3/10: “Mỹ đang phạm một sai lầm chiến lược to lớn, không sớm thì muộn, họ sẽ phải nhận hậu quả”
Tác giả: Theo Tân Phong
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn