Khái niệm chính sách Nhân đạo ở nước ngoài xác định các lợi ích quốc gia của Liên bang Nga bao gồm sự cần thiết bảo vệ các giá trị tinh thần và đạo đức truyền thống của Nga; phổ biến trên thế giới thông tin về di sản lịch sử và văn hóa Nga; làm phong phú văn hóa của các dân tộc Nga và các quốc gia khác; phát triển hợp tác nhân đạo quốc tế trên cơ sở công bằng, cởi mở, không phân biệt đối xử, cùng có lợi, không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác.
Để đảm bảo các lợi ích nói trên, khái niệm chính sách đã vạch ra các nhiệm vụ quan trọng cụ thể của Nhà nước Nga theo định hướng này thời gian tới hình thành nhận thức về nước Nga là một quốc gia bảo tồn nghiêm túc lịch sử và di sản văn hóa phong phú, cũng như các giá trị tinh thần và đạo đức; bảo vệ, gìn giữ, phát huy truyền thống và lý tưởng vốn có của thế giới Nga; phát huy đặc tính bình đẳng của nền văn hóa tất cả các dân tộc trên lãnh thổ Liên bang Nga; tăng cường vai trò, tầm quan trọng và khả năng cạnh tranh của tiếng Nga trong thế giới hiện đại; nâng cao khả năng cạnh tranh của giáo dục trong nước.
Khái niệm chính sách cũng nêu các công cụ chính để nước Nga triển khai hiệu quả các nhiệm vụ nói trên là thông qua các cơ quan đại diện Nga ở nước ngoài; cộng đồng hàng triệu người Nga đang sinh sống, học tập và làm việc ở nước ngoài; những người nước ngoài đang làm việc và học tập tại Liên bang Nga; thông qua thúc đẩy nền giáo dục Nga trên thế giới, bao gồm ngôn ngữ Nga như ngôn ngữ giao tiếp quốc tế; thúc đẩy hợp tác song phương và đa phương trong các tổ chức quốc tế, nhất là UNESCO, Liên hợp quốc; tăng cường giao lưu thanh niên với các quốc gia đối tác; sử dụng hiệu quả các phương tiện truyền thông đại chúng Nga, chủ yếu là các kênh truyền hình Nga, các phương tiện truyền thông mới như mạng xã hội để xây dựng các hình ảnh khách quan của Nga ở nước ngoài.
Các chuyên gia Nga đánh giá đây là “chính sách ngoại giao di sản”, hoàn toàn tương thích với Học thuyết Chính sách Đối ngoại của Liên bang Nga, trong đó nêu lên các khu vực ưu tiên cụ thể. Các khu vực Liên Xô cũ như SNG, Abkhazia, Nam Ossetia, Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng và Cộng hòa Nhân dân Luhansk (LPR) được xác định là định hướng ưu tiên quan trọng nhất trong chính sách nhân đạo của Nga ở nước ngoài.
Trong khi đó, việc phát triển quan hệ nhân đạo và văn hóa với các quốc gia Baltic, cùng với Moldova và Gruzia cần tính đến việc tuân thủ các quyền của cộng đồng nói tiếng Nga ở các quốc gia này. Đối với các khu vực kể trên, chính sách nhân đạo của Nga nhằm củng cố ảnh hưởng của Nga trong không gian hậu Xôviết, đồng thời cũng là cảnh báo đối với các quốc gia đang có xu hướng triển khai chính sách nhằm thu hẹp sự phụ thuộc vào Nga (Trung Á) kể từ sau chiến dịch quân sự đặc biệt, và các quốc gia đi đầu chống Nga trên thế giới (vùng Baltic). Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine chính là bắt nguồn từ mục tiêu bảo vệ người dân Nga, ngôn ngữ Nga.
Ưu tiên thứ hai là khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó, Trung Quốc, Ấn Độ vẫn là các đối tác quan trọng hàng đầu. Tài liệu nhấn mạnh những nỗ lực nghiêm túc tăng cường hơn nữa hợp tác nhân đạo song phương với Việt Nam, Lào, Mông Cổ thông qua những người được đào tạo tại Nga và tăng cường truyền bá tiếng Nga tại các quốc gia này. Đối với khu vực Trung Đông, châu Phi và Mỹ Latinh, Nga thúc đẩy hợp tác nhân đạo và tăng sự hiện diện của văn hóa Nga có tính đến các lợi ích chung, điều kiện về vật chất và tài chính thông qua giao lưu văn hóa, thể thao, du lịch; mở rộng hoạt động đào tạo chuyên gia nước ngoài theo tiêu chuẩn giáo dục của Nga.
Đáng chú ý, đối với khu vực châu Âu, tài liệu để ngỏ khả năng hợp tác nhân đạo song phương, mở rộng sự hiện diện văn hóa của Nga ở khu vực này, nhưng phải trên cơ sở cân bằng, cùng có lợi, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau và có tính đến sự sẵn sàng của các quốc gia liên quan.
Khái niệm được đưa ra trong bối cảnh mối quan hệ giữa Nga-phương Tây đang ở mức xấu nhất trong lịch sử do liên quan chính sách nhân đạo. Thông qua các chiến dịch chiến tranh thông tin, phương Tây không ngừng làm mất uy tín của Nga, truyền thống và lý tưởng của Nga, tìm cách thay thế chúng bằng các giá trị giả. Trên cơ sở đó, chính sách xác định rằng cần phải quảng bá văn hóa Nga như một công cụ hữu hiệu nhằm giải quyết mâu thuẫn giữa các quốc gia, trước hết là giữa nhân dân các nước; ngăn chặn âm mưu của một số quốc gia nhằm viết lại lịch sử của Chiến tranh Thế giới thứ hai và Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, nhằm hạ thấp vai trò của Liên Xô và làm giảm bớt niềm tự hào của người Nga, đặc biệt là những người trẻ tuổi, đối với quê hương.
Trong bối cảnh trên, để phá thế bao vây, cô lập quốc tế, chính sách được Nga xây dựng nhằm tăng cường hiện diện văn hóa, ngôn ngữ, bản sắc Nga ở các quốc gia thân thiện, coi đây là cầu nối củng cố quan hệ song phương, làm cơ sở để phát triển các mối quan hệ chính trị, kinh tế. Trên thực tế, Nga vốn bị ảnh hưởng nhiều bởi văn hóa, lối sống, đặc điểm nhân khẩu học của phương Tây. Do đó, sự khác biệt về văn hóa có thể là một điểm yếu trong nỗ lực phát triển các mối quan hệ mới ở các khu vực Nam Mỹ, Trung Đông, châu Phi, và châu Á.
Theo đánh giá của các chuyên gia, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine ít nhiều đã ảnh hưởng tới hình ảnh nước Nga trong nhận thức của người dân Nga, nhất là người Nga sống ở nước ngoài và nhân dân nhiều nước trên thế giới. Do đó, chính sách nhân đạo ở nước ngoài góp phần cải thiện hình ảnh nước Nga trên thế giới; củng cố lòng yêu nước, tăng tính gắn kết giữa các dân tộc, tôn giáo, thành phần xã hội góp phần ổn định xã hội; củng cố sự ủng hộ của các thành phần này đối với chính quyền trong bối cảnh khó khăn từ các áp lực toàn diện của phương Tây.
Cũng có ý kiến cho rằng việc thông qua Khái niệm chính sách nhân đạo của Nga ở nước ngoài tạo cơ sở pháp lý cho việc sáp nhập hoặc tái thiết các chủ thể Ukraine được giải phóng trong chiến dịch quân sự đặc biệt theo các giá trị Nga trong thời gian tới.
Nguồn tin: cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn